|
Có ý kiến gạt vai trò quyết định của cổ đông sang một bên để “trang bị phi lợi nhuận”. Có ý kiến cho rằng thời gian đầu các trường hoạt động phi lợi nhuận thì sau đó dứt khoát không được chuyển sang mô hình lợi nhuận, và cũng có ý kiến cho rằng hiện tại có 3 thành phần có đóng góp cho sự tăng trưởng của nhà trường do vậy lợi nhuận phải chia 3…
Tuy nhiên, những ý kiến trên là không thỏa đáng cho các nhà đầu tư giáo dục.
Cổ đông mới là người quyết định !
Việc quyết định “lợi nhuận hay phi lợi nhuận” là quyền của cổ đông chứ không thể do hội đồng quản trị hay ban giám hiệu tự quyết và cam kết thay cho cổ đông. Bởi vì các cổ đông khi đầu tư đều mong muốn đóng góp cho xã hội hóa giáo dục. Giáo dục là một lĩnh vực đầu tư đặc thù. Chính vì sự đặc thù mà nhiều nhà đầu tư mong muốn thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển nên họ quan tâm tăng đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, thu hút sinh viên… và tất nhiên yếu tố chất lượng phải được nâng lên. Vì thế hơn ai hết, vốn của họ đầu tư nhiều, thì họ phải quyết định sự sống còn, giống như một doanh nghiệp. Nhìn thấy vai trò này của cổ đông, những nhà soạn thảo dự thảo Điều lệ trường đại học đã quy định tại các điều 4, 5, 6, cổ đông quyết định chiến lược phát triển của nhà trường.
Câu chuyện tuyên bố phi lợi nhuận rồi, sau có chuyển sang mô hình lợi nhuận được không?
|
Trong lĩnh vực giáo dục, GS Phạm Phụ từng khẳng định: “Ở VN cho tới giờ phút này không có một trường tư thục hay dân lập nào là không vì lợi nhuận…” (mặc dù trước đó có trường từng tuyên bố phi lợi nhuận). Việc chuyển đổi từ cái yếu thế sang cái mạnh thế hơn là phù hợp với xu thế phát triển phù hợp với mô hình của mỗi trường. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay việc tuyển sinh ngày càng khó khăn, người học ai cũng đều mong muốn vào học trường tốt. Thế nên, các trường phải cạnh tranh, nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư phát triển cơ sở vật chất nhà trường, phát triển đội ngũ giảng viên... Việc chuyển đổi để đầu tư cho mô hình mới lại càng phải đáng làm.
Ưu đãi chung không riêng gì trường phi lợi nhuận !
Ở đây cũng xin nói rõ, không có chuyện: “Trước đây các trường ngoài công lập công bố phi lợi nhuận với số vốn nhỏ nhoi, được nhà nước hỗ trợ cơ ngơi lớn lên rồi chuyển sang mô hình lợi nhuận, xem tất cả là gà đẻ trứng vàng cho riêng mình”. Ý kiến này cần phải xem xét một cách thấu đáo, bởi hiện nay các trường ngoài công lập đều được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 69/2008/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường nói chung chứ không riêng gì trường phi lợi nhuận.
Nghị định xác định rõ nhà nước áp dụng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục để khuyến khích đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn toàn giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Ngoài những chính sách khuyến khích này, nếu trường hoạt động phi lợi nhuận thì nhận thêm được những ưu đãi khác. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nước ta chưa có trường nào là phi lợi nhuận, nên đến nay hầu hết các trường ngoài công lập đều hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa giáo dục (Nghị định 69).
Cũng cần nói thêm, việc chuyển sang mô hình từ phi lợi nhuận sang lợi nhuận và ngược lại là không có sự ràng buộc nào của pháp luật và chính sách. Bởi hiện nay chưa có một quy định nào không cho phép chuyển đổi.
Sao lại “xí phần” vốn và lợi nhuận của cổ đông ?
Một sự nhầm lẫn về các thành phần góp vốn, mà một số người cho rằng ở các trường ĐH ngoài công lập tăng trưởng có lãi sẽ có 3 thành phần góp vốn, bao gồm: nhà đầu tư; đội ngũ giảng viên, nhân viên làm việc tại trường đóng góp công sức và trí tuệ; và nhà nước (chính sách hỗ trợ).
Ngay khi soạn thảo Điều lệ trường đại học, các chuyên gia cũng chỉ rõ nhiệm vụ, quyền hạn người lao động trong trường ĐH: Giảng viên là người được tuyển dụng làm nhiệm vụ giảng dạy, không phải là người góp vốn. Điều 28 của dự thảo này cũng quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của giảng viên (được hưởng lương, trong đó không có quyền được chia lợi nhuận).
Những lý lẽ “xí phần” cho đội ngũ giảng viên, nhân viên trong lợi nhuận là hoàn toàn không đúng. Phải khẳng định rằng, giá trị tăng thêm hay giảm đi thì nhà đầu tư hoàn toàn được hưởng hoặc chịu thiệt .
Chính sách hỗ trợ của nhà nước là tạo điều kiện giúp chung cho trường phát triển nhằm phát triển giáo dục. Về mặt nào đó, sự tác động qua lại này góp phần ổn định xã hội. Tuy nhiên, sự hỗ trợ không có nghĩa là “cầm tiền” cho nhà trường đầu tư, mà phải cho thuê, vay ưu đãi để đầu tư giáo dục. Không có chuyện tài sản của nhà nước cho thuê, cho vay hoặc các ưu đãi chung theo luật định lại được tính là “vốn góp” hay “cổ phần” của nhà nước được.
Chỉ có trường phi lợi nhuận tạo nên chất lượng ?
Trong buổi tọa đàm “Lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục” diễn ra đầu tháng này, các chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục cho rằng giáo dục phải có lợi nhuận. Điều quan trọng là mỗi trường sử dụng lợi nhuận đó sao cho hiệu quả, tránh xảy ra xung đột. Điều quan trọng nhất là các trường đều phải có hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo đúng mong muốn của công chúng, nhu cầu xã hội.
Vấn đề quan trọng hơn ở đây không phải lợi nhuận hay phi lợi nhuận vì không hẳn chỉ có trường không vì lợi nhuận mới đảm bảo chất lượng. GS Ngô Bảo Châu trong một bài viết mới đây đã nhận định: “Không phải mọi trường vì lợi nhuận đều kém chất lượng. Hầu hết các trường dạy nghề, đào tạo những kỹ năng phục vụ trực tiếp cho thị trường lao động như lập trình, thiết kế trang mạng, nấu ăn, cắt tóc… đều là những trường vì lợi nhuận. Trên thực tế, trường hoạt động theo mô hình công ty dễ thích nghi hơn với yêu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động”.
Cuốn Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại (The Great Brain Race) của GS Ben Wildavsky, một học giả có tiếng của Mỹ, có đưa ra những con số đáng ngạc nhiên: giáo dục vì lợi nhuận đã chiếm 80% tại Hàn Quốc, 77% ở Nhật Bản, 75% tại Ấn Độ và Brazil, 68% tại Philippines, Indonesia, Columbia, 63% tại Bỉ. Tại Mexico và ngay Mỹ cũng khoảng 33 và 32%. Vài tháng trước đây, báo chí nước ngoài cũng đưa ra công thức thành công của ĐH Brazil là giáo dục vì lợi nhuận. Theo đó, các trường tư hoạt động vì lợi nhuận ở Brazil đã chiếm được 3/4 thị trường giáo dục ĐH của nước này bởi vì học phí của họ thấp trong khi chất lượng ngày càng tăng. |
Vai trò của nhà nước trong giáo dục Trước và trong khi cuộc tranh chấp được xem là giữa 2 khuynh hướng “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” xảy ra cách đây ít lâu, Trường ĐH Hoa Sen vẫn được biết đến như một mô hình ĐH tư thành công, minh họa cho sự đúng đắn của chính sách xã hội hóa giáo dục của VN. Để giải quyết cuộc tranh chấp, có mấy câu hỏi cần được trả lời dứt khoát. Phải chăng trường này lâu nay vẫn là “phi lợi nhuận”, và căn cứ pháp lý nào để khẳng định điều này? Phải chăng trường chỉ có thể có chất lượng nếu nó là “phi lợi nhuận”? Và phải chăng vì trường đã từng nhận ưu đãi từ nhà nước nên giờ đây các nhà đầu tư bắt buộc phải chọn con đường “phi lợi nhuận”, nếu không muốn bị thoái vốn bắt buộc? Thực ra, câu trả lời cho những câu hỏi trên đã có sẵn. Nếu áp dụng những luật lệ hiện hành - mà ai cũng biết là chưa hoàn thiện - thì có thể khẳng định ngay Hoa Sen là một trường “vì lợi nhuận”, dù một số người không muốn như thế. Trong tâm lý của người Việt hiện nay, “giáo dục” và “lợi nhuận” không thể song hành, và một trường ĐH tốt phải là một trường “phi lợi nhuận”. Vì vậy, có lẽ rất nhiều người đang mong rằng phần thắng phải thuộc về những người lựa chọn “phi lợi nhuận”, bởi như thế mới là… hợp đạo lý! Mặt khác, không ai có thể bác bỏ lập luận rằng lâu nay trường vẫn hoạt động như một doanh nghiệp, tức đồng nghĩa với “vì lợi nhuận”. Thực ra, vụ tranh chấp ở Hoa Sen hiện nay chủ yếu là một cuộc chiến ngôn từ. Trước khi có luật Giáo dục ĐH với sự phân biệt giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”, trường đang rất ổn. Nhà trường phát triển tốt cả về tài chính lẫn học thuật, sinh viên chấp nhận mức học phí cao được bảo đảm có đầu ra tốt làm hài lòng nhà tuyển dụng, và có sự điều hòa lợi ích giữa tất cả các bên. Chẳng một ai thắc mắc Hoa Sen là “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”, mà chỉ biết đó là một trường ĐH có chất lượng, cung cấp được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Và đó mới là điều chúng ta cần ở các trường ĐH của VN. Phân tích sự thành công của trường này, có thể thấy nổi bật 3 yếu tố: Nguồn tài chính ổn định và được quản lý tốt, tạo được sự tích lũy để phát triển và đem lại lãi cho nhà đầu tư; Năng lực của đội ngũ sư phạm (năng lực quản lý chuyên môn, hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng); Các chính sách hỗ trợ theo luật định của nhà nước (đất đai, mức thuế hợp lý, các ưu đãi khác). Việc phải chọn giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” theo luật Giáo dục ĐH đã tước đi của các trường ĐH tư cơ hội tạo ra thế “kiềng ba chân” bền vững nêu trên. Vụ tranh chấp này tuy vậy cũng có một cái hay. Nó giúp ta thấy rõ vấn đề hiện nay không phải là tạo ra những trường “phi lợi nhuận” chỉ trên danh nghĩa, mà là có được các trường ĐH có chất lượng. Nhà nước hỗ trợ chính sách ưu đãi cho mọi trường chứ không chỉ cho mô hình phi lợi nhuận. Ngoài ra, việc quyết định phát triển theo hướng vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận phải do tập thể sáng lập hoặc các cổ đông góp vốn quyết định theo quy định pháp luật chứ không phải do những người đang nắm quyền, càng không thể là kết quả của sự áp đặt từ nhà nước. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh |
Trần Trương
>> Nguy cơ nhiều trường tư thục sụp đổ
>> Xây dựng lại chính sách chuyển đổi trường tư
>> Trường tư thục ‘đuối sức’
>> Trường tư thiếu sân chơi
Bình luận (0)