Một số vi chất như sắt, kẽm, vitamin A cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ thiếu hụt vi chất này vẫn ở mức cao. Việc lựa chọn thực phẩm và chế biến đúng sẽ góp phần giảm thất thoát dinh dưỡng.
Lựa chọn, chế biến thực phẩm cho trẻ phải chú ý để không làm hao hụt chất dinh dưỡng - Ảnh: Shutterstock
|
Vitamin A
Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết các điều tra mới nhất cho thấy tại VN tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng (là trường hợp chưa có biểu hiện bệnh: loét giác mạc, khô mắt do thiếu vitamin A) chiếm 14,2% trong các trẻ dưới 5 tuổi. Vẫn còn 35% các bà mẹ sau sinh có hàm lượng vitamin A thấp khiến trẻ cũng bị thiếu hụt vi chất này. Vitamin A cần thiết cho mắt, tham gia vào đáp ứng miễn dịch. Thiếu hụt vitamin A gây khô mắt, viêm loét giác mạc, thậm chí mù; tình trạng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm phát triển khiến trẻ nhẹ cân và thấp còi. Tổ chức Y tế thế giới xếp VN vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng.
Kẽm
Chất này rất cần cho quá trình tăng trưởng, tăng cường miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm phổi, viêm đường hô hấp). Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào, phát triển cơ thể. Ở phụ nữ mang thai, thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện có tới 81,2% các trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm. Với phụ nữ mang thai, tỷ lệ này lên đến 90% và 65% trong phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tình trạng này nếu không được khắc phục dẫn đến hệ lụy em bé được sinh ra cũng thiếu hụt vi chất, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, trí tuệ, là nguyên nhân gây thấp còi.
Sắt
Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể lực, làm giảm khả năng lao động và học tập, sức khỏe kém. Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai dễ gây sinh non, sẩy thai. Người mẹ bị thiếu máu thiếu sắt sinh con ra có nguy cơ cân nặng sơ sinh thấp.
Đáng lưu ý, tỷ lệ bị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ dưới 5 tuổi trong 10 năm qua hầu như không thay đổi, vẫn chiếm 29%; vẫn còn khoảng 36% phụ nữ mang thai và 28% phụ nữ trưởng thành thiếu máu.
I ốt
I ốt rất cần cho tổng hợp hoóc môn tuyến giáp, tăng trưởng. Nguy cơ bị các rối loạn do thiếu hụt i ốt có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây tại VN, nguyên nhân do độ bao phủ muối i ốt giảm dần (từ 90% năm 2005 hiện còn 69,5%). Thiếu i ốt gây thiểu năng trí tuệ, thậm chí đần độn.
Bổ sung vi chất
PGS-TS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết nguyên nhân thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn thiếu vi chất, thực phẩm nghèo vi chất; sai lầm khi chế biến thức ăn. Để khắc phục, có thể trộn gói đa vi chất dành cho trẻ 6 - 60 tháng tuổi vào các thức ăn mềm đã được xay nhuyễn như bột, cháo, sinh tố trái cây. Cần đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Ví dụ như kẽm có nhiều trong giá đỗ, các loại rau mầm; đu đủ, gấc giúp bổ sung vitamin A.
PGS-TS Trương Tuyết Mai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý cách chế biến thức ăn giúp giảm thất thoát vi chất trong thực phẩm. Trong đó, rau trộn salad là cách ăn giữ nguyên vi chất nhưng cần đảm bảo an toàn thực phẩm, không để giập nát và ăn ngay sau khi chế biến. Hấp cũng là cách giữ được nhiều chất dinh dưỡng. Trong khi đó, chế biến theo kiểu luộc, hầm, nướng, rán lại làm mất vi chất dinh dưỡng.
Bình luận (0)