Những vị tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam: Lê Thiết Hùng - Vị tướng đầu tiên

21/12/2020 06:28 GMT+7

Mang hàm thiếu tướng năm 1946, Lê Thiết Hùng là vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1946, đang đi thị sát miền tây Khu 4 chống tàn quân Pháp từ Lào lăm le đánh xuống thì Lê Quốc Vọng (bí danh của thiếu tướng Lê Thiết Hùng khi đó) nhận được tin có điện của Hồ Chủ tịch gọi ông ra Hà Nội.
Trở ra thủ đô, ông mới biết Chính phủ quyết định tổ chức Đội Tiếp phòng quân để giám sát quân đội Pháp sẽ vào miền Bắc thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch theo nội dung Hiệp định sơ bộ 6.3.1946. Trong hồi ký Người học trò nhỏ của Bác Hồ, thiếu tướng Lê Thiết Hùng kể lại cuộc gặp này tại Bắc bộ phủ, Bác bảo: “Thường vụ và Bác đã cân nhắc kỹ. Việc này chỉ có chú làm được. Chú nhận đi!”. Và cũng chính ngày hôm ấy, Hồ Chủ tịch chọn tên mới cho ông là Lê Thiết Hùng với ý nghĩa trong “chất thép” có “chất hùng”.
Lúc này, đang cần một sĩ quan hàm tướng để chỉ huy Đội Tiếp phòng quân và tương xứng với sĩ quan Pháp khi làm việc trong khi vào thời điểm đó, phía ta chưa có ai được phong tướng. Vì thế, tuy chưa có sắc lệnh phong chính thức nhưng từ năm 1946, Lê Thiết Hùng đã mang hàm thiếu tướng, trở thành vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong các sắc lệnh về điều động công tác do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1947 đều ghi rõ là “Thiếu tướng Lê Thiết Hùng”.
Một ngày Hà Nội giao mùa, chúng tôi được bà Lê Mai Hương, người con duy nhất của thiếu tướng Lê Thiết Hùng tiếp chuyện. Từng ký ức về cha mẹ chầm chậm trở về trong nỗi nhớ của bà qua những kỷ vật gia đình. Thật lạ kỳ, sự xếp đặt của số mệnh khiến ông Lê Thiết Hùng luôn gắn với các sự kiện mang dấu ấn đầu tiên: Chính trị viên đội vũ trang đầu tiên - Đội du kích Pác Bó; Tổng thanh tra đầu tiên của quân đội; tư lệnh đầu tiên Bộ Tư lệnh Pháo binh
Từ năm 1963, thiếu tướng Lê Thiết Hùng rời quân đội tham gia hoạt động ngoại giao, làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước VNDCCH tại CHDCND Triều Tiên. Ít ai ngờ, một con người được tôi luyện trong môi trường quân sự khắc kỷ, khi làm hiệu trưởng đầu tiên của trường quân sự pháo binh, đã khiến học viên “xanh lè mắt” với từng động tác giáo cụ thuần thục, vậy mà sang làm ngoại giao đã có con mắt xanh để sau này chúng ta có một nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tài năng.
Năm 1967, Nguyễn Tài Tuệ cùng hàng trăm sinh viên có mặt tại Bình Nhưỡng để nhập học tại Nhạc viện quốc gia Triều Tiên. Tuy nhiên, khi nhà trường xem xét lại hồ sơ, thấy Nguyễn Tài Tuệ không có bằng sơ cấp âm nhạc nên Bộ Giáo dục Triều Tiên cử người xuống gặp Đại sứ Lê Thiết Hùng, nêu thiếu sót trên và cho rằng Nguyễn Tài Tuệ không thể và không có đủ trình độ để vào học nhạc viện được.
Cho gọi Nguyễn Tài Tuệ đến đại sứ quán, Đại sứ Lê Thiết Hùng chăm chú nghe anh trình bày vắn tắt về quá trình phấn đấu cho đến khi được sang Nhạc viện quốc gia Triều Tiên du học. Cuối cùng, qua 3 lần tiến hành kiểm tra một cách chặt chẽ về tất cả các bộ môn cơ bản, Nguyễn Tài Tuệ đã được đặc cách vào thẳng đại học.
“Anh Lê Thiết Hùng kiến văn rộng rãi, am tường nhiều vấn đề âm nhạc nên giữa hai chúng tôi có nhiều điểm để gắn bó và dễ dàng giao lưu. Ở Bình Nhưỡng, anh Lê Thiết Hùng rất gắn bó với anh em lưu học sinh. Tiếc là khi tôi hoàn thành chương trình du học, trình bày thành công xuất sắc bài bảo vệ tốt nghiệp thì anh đã hoàn thành nhiệm vụ đại sứ, về nước năm 1970 và nhận nhiệm vụ mới”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chia sẻ.
Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908 - 1986), tên thật là Lê Văn Nghiệm sinh tại xã Hưng Thông, H.Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), từng tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch và được phong quân hàm tới đại hiệu (tương đương đại tá). Sau khi về nước, ông là một trong những cán bộ chủ chốt đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác như Cục trưởng Cục Quân huấn, Hiệu trưởng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng... và được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đợt phong quân hàm tướng đầu tiên
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chính thức phong quân hàm tướng đợt đầu tiên cho 10 quân nhân. Khi sự kiện này được công bố trên Đài tiếng nói Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên phương Tây: Vì sao một lúc phong nhiều tướng như vậy; Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời giản dị: Đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng; thắng trung tướng phong trung tướng; thắng đại tướng phong đại tướng. Cụ thể:
Sắc lệnh số 110/SL ngày 20.1.1948, phong cấp hàm đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ.
Sắc lệnh số 115/SL ngày 25.1.1948, phong cấp hàm trung tướng cho ông Nguyễn Bình - Khu trưởng Chiến khu 7 kiêm Ủy viên Quân sự Nam bộ.
Sắc lệnh 111/SL ngày 20.1.1948 phong cấp hàm thiếu tướng từ ngày 1.1.1948 cho các ông: Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng Quân đội quốc gia; Nguyễn Sơn - Khu trưởng Chiến khu 4; Chu Văn Tấn - Khu trưởng Chiến khu 1; ông Hoàng Sâm - Khu trưởng Chiến khu 2.
Sắc lệnh 112/SL ngày 20.1.1948 phong cấp hàm thiếu tướng từ ngày 1.1.1948 cho các ông: Trần Tử Bình - Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ; Văn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Chính trị; Lê Hiến Mai - Chính trị ủy viên Chiến khu 2.
Sắc lệnh số 117/SL ngày 25.1.1948 phong ông Trần Đại Nghĩa - Cục trưởng Quân giới cấp hàm thiếu tướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.