Những vở diễn để đời - Kỳ 11: Thánh Gióng

22/05/2014 03:25 GMT+7

Thánh Gióng chỉ là một nhân vật truyền thuyết, nhưng đã đi vào ký ức của biết bao người Việt như là một bản anh hùng ca giữ nước. Ở đó, tinh thần chống giặc đã không còn dành riêng cho người lớn nữa, mà ngay cả trẻ em cũng có ý thức quốc gia, nuôi lòng bất khuất.

 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 10: 'Hoa độc trong vườn
 >> Những vở diễn để đời – Kỳ 9: Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên

 Đình Toàn (trái) vai Thánh Gióng, Quốc Trung vai vua Hùng - Ảnh: T.L
Đình Toàn (trái) vai Thánh Gióng, Quốc Trung vai vua Hùng - Ảnh: T.L


Cho nên, đây là câu chuyện giáo dục mà hầu như trẻ em Việt nào cũng biết và rung động bởi sức tưởng tượng rất đẹp của nó. Nghệ sĩ Bạch Long từng viết kịch bản cho nhóm cải lương Đồng Ấu của anh biểu diễn với những “ngôi sao nhí” như Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh, Vũ Luân... Sau này các bạn lớn lên, vẫn trìu mến nhắc về vở diễn đã đặt nền móng cho cuộc đời nghệ thuật của mình. Rồi đến Sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM) đã tâm huyết viết mới lại toàn bộ kịch bản Thánh Gióng và dàn dựng để biểu diễn ở TP.HCM và Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang... rồi còn thu hình DVD rất đẹp bán tại các nhà sách. Một kịch bản lịch sử đã khó dựng, lại dành cho trẻ con xem thì càng khó hơn nữa, vậy mà tác giả Thanh Phương và đạo diễn Vũ Minh đã làm rất mềm mại, vui nhộn, nhưng cũng rất chuẩn mực, không đánh mất tính giáo dục. Tâm huyết này không thể không ghi nhận.

 
Diễn vở này, tôi phải vũ đạo rất nhiều và tập vũ đạo cho anh em nữa. Nguy hiểm nhất là lúc tôi nhảy lên lưng ngựa rất cao. Lòng rất vui vì truyền được tinh thần yêu nước cho các em. Lịch sử là bài học cần thiết, học sử qua sân khấu là một cách mau chóng, dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu có kinh phí thì chúng tôi ước mơ làm những vở sử ngắn trong 1 tiếng đồng hồ như vậy để các em được xem, từ đó yêu môn sử nhiều hơn
Nghệ sĩ Đình Toàn

Bối cảnh vở diễn là đời Hùng Vương thứ 6, giặc n sang quấy nhiễu nước ta, dân chúng lầm than khổ sở. Ở một làng quê nọ, có đôi vợ chồng hiếm muộn, rất yêu trẻ con, cứ tập hợp bọn trẻ trong làng đến để chăm sóc, cho ăn, giúp cha mẹ rảnh tay đi làm đồng áng. Một hôm, tình cờ hai vợ chồng bước vào bàn chân tiên to lớn sau vườn nhà, rồi người vợ thụ thai, suốt 12 tháng mới sinh con. Nhưng ba năm trời, cậu bé Gióng không biết nói cười, đi đứng chi cả, khiến mọi người lo lắng. Vậy mà khi sứ giả của vua đi đến làng quê ấy loa loa kêu gọi nhân tài ra giúp nước thì Gióng ngồi bật dậy, nói được, bảo sứ giả vào gặp mặt. Rồi Gióng ăn hết bao nhiêu là cơm gạo, rau trái của dân làng góp lại, sau đó lớn phổng lên thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, bảo vua rèn cho roi sắt, ngựa sắt để đi đánh giặc. Giặc n tan tác dưới ngọn roi của Gióng. Gãy roi, Gióng nhổ tre làng mà đánh tiếp. Đất nước thanh bình, Gióng cưỡi ngựa sắt lên đỉnh núi Sóc Sơn biến mất. Từ đó dân lập đền thờ, tôn là Phù Đổng Thiên Vương.

Tính ước lệ trong truyền thuyết về roi sắt ngựa thần và cậu bé ba tuổi vươn vai lớn dậy đã là minh chứng cho nỗi khát khao của một dân tộc muốn vươn lên mạnh mẽ và đầy đủ vật chất để có đủ sức mạnh chống quân xâm lược. Một dân tộc ngay từ thuở sơ khai lập quốc đã phải liên tục chiến đấu chống ngoại xâm thì ý chí phải vô cùng mạnh mẽ, đến đàn bà trẻ nít cũng lên đường không ngại hy sinh. Thật ra, khi xem Thánh Gióng ra quân, nhiều khán giả chợt dấy lên một nỗi bùi ngùi chen lẫn trong âm hưởng anh hùng ca... Bùi ngùi bởi những nụ mầm tươi xanh chưa kịp sống trọn tuổi thơ, những đứa bé vẫn còn thơm mùi sữa mẹ, mà đã vội ra đi. Chiếc yếm đỏ mới ngày hôm qua mà nay thoắt cái đã thành áo giáp sắt khoác lên người, oai hùng đấy, nhưng cũng ngậm ngùi thương xót biết bao. Ba năm không chạy nhảy chơi đùa, chẳng phải là thần thánh chi đâu, mà tượng trưng cho một tuổi thơ dữ dội không còn hồn nhiên được nữa. Chiến tranh đã kéo con người vào cuộc quá sớm. Biết làm sao! Khi cuộc đời không còn sự chọn lựa nào khác là quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Đình Toàn thủ vai chàng Gióng thật dễ thương, nhưng khi đối mặt quân thù thì lời lẽ vô cùng kiên định: Đất nước Văn Lang, không thù không oán, chẳng phải sợ ai, các người láo toét, chúng ta sẽ ra đòn! Gióng đi vì nước Văn Lang, cơm cà đạm bạc nhưng giàu tình quê. Gióng ăn sức lực tràn trề, đánh tan giặc giã muôn bề yên vui. Và những Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Tuấn Khải, Quy Tứ, Hương Giang, Đức Thịnh... cùng hơn 30 diễn viên khác đã làm nên một bức tranh sắc màu rực rỡ thu hút khán giả nhí.

Hoàng Kim - Vũ Anh

 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 8: Bài ca giữ nước
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 7: Nỏ thần
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
 >> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.