>> Những vở diễn để đời - Kỳ 12: 'Lá cờ thêu sáu chữ vàng
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 11: Thánh Gióng
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 10: 'Hoa độc trong vườn
|
Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) đã không thành công khi dựng lại Cô gái đội mũ nồi xám của Lưu Quang Vũ cách đây 2 năm. Nhiều mâu thuẫn xã hội thời đó giờ đã lạc hậu. Đây cũng là điều khiến nhà hát phải cân nhắc khi chọn dựng tác phẩm tham dự Liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ năm ngoái. Kết quả, họ đã chọn Hồn Trương Ba da hàng thịt - vở diễn đậm tính triết học nhất và hai vở vẫn còn rất hiện đại là Lời thề thứ chín, Mùa hạ cuối cùng.
Đó là một lựa chọn đúng. Lời thề thứ chín ra mắt lần đầu cách đây hơn 20 năm và đã gây tiếng vang lớn trong xã hội. Còn trong kịch mục của Nhà hát Tuổi Trẻ hiện nay, Lời thề thứ chín vẫn được diễn đều đặn hầu như hằng tuần và đông khách. Khán giả trẻ có, trung niên có, doanh nghiệp có, học sinh có. Một năm sau liên hoan, vở diễn vẫn tiếp tục có chỗ trong lòng công chúng.
Chủ tịch tỉnh trở về chiến trường biên giới khi xưa, nơi giờ đây đồng đội ông vẫn ở đó, con trai ông cũng đi lính tại đây. Rồi ông bị cướp hết không còn gì. Nhưng rồi ông phát hiện con trai ông cũng trong nhóm cướp toàn bộ đội trẻ. Họ thường cướp tiền của lũ buôn lậu hồi, quế sang Trung Quốc do cần tiền giúp đỡ bố một người trong nhóm đang bị cán bộ xã hà hiếp, bắt giam. Do bận bịu, chính chủ tịch tỉnh đã để oan ức đó kéo quá dài.
Những quân nhân trong Lời thề thứ chín của Lưu Quang Vũ đều là những chiến sĩ dũng cảm. Nhưng cũng chính họ đã phá vỡ kỷ luật quân đội: cướp bóc, trốn đơn vị, mang súng về uy hiếp chủ tịch xã. Mỗi chi tiết mở ra lại thấy đằng sau sự vô kỷ luật là một câu chuyện khác. Đằng sau liều lĩnh công chúng nhìn thấy sự bất công. Đằng sau sự bất công, uất ức kéo dài lại chính là sự quan liêu của chủ tịch tỉnh. Ông đã bận đến mức không có thời gian để gặp người dân đi khiếu kiện. Người mẹ lính mang bao lá đơn oan, đến ngồi rõng rã bao ngày ở văn phòng tỉnh mà không thể gặp ông. Người chỉ huy tài giỏi năm nào giờ đã không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị chủ tịch tỉnh.
“Ông đựng cái gì trong cặp kia? Buôn lậu có phải không? Đi buôn lậu cái gì trong này, hồi, quế hay là thuốc phiện? Đừng nói ông là lãnh đạo. Nếu ông là cái gì đó thì ông phải đi xe hơi chứ không phải là đi bộ”, liên tiếp những tên kẻ cướp mặc áo lính tra vấn ông chủ tịch tỉnh, cũng là một cựu chiến binh. Trong những câu hỏi đó, rõ ràng có sự phẫn nộ với những kẻ vượt đường biên mà buôn hồi buôn quế kiếm lợi, trong khi những người lính cứ tiếp tục hy sinh. Trong đó, cũng có cả sự mất lòng tin với một phần lãnh đạo ở hậu phương. Sự mất lòng tin đã bắt nguồn từ vụ oan ức của cha một người lính.
Tiếng súng chiến tranh đã không vang lên trong vở diễn. Nhưng đã có tiếng súng giữa những người lính với kẻ xấu trong chính quyền địa phương. Súng đã nổ, sau khi người lính không thuyết phục nổi bố mình giải oan cho bố của người đồng đội.
Nhân vật chủ tịch xã, dưới ngòi bút của Lưu Quang Vũ, cũng hiện ra với nhiều tình tiết đáng mai mỉa, đậm chất dân gian. Hắn nịnh trên nạt dưới, lạm quyền bất nhân, khôn ranh trong những ngón mặc cả, hèn nhát khi đối diện với đòi hỏi công bằng. Nhân vật được Lưu Quang Vũ đặt vào miệng những lời thoại đúng với tính cách bẩn thỉu. Chưa kể, với bản dựng của Xuân Huyền, hắn khiến người xem bật cười phẫn nộ. Hắn bò, ngóc đầu lên như rắn, nhưng lại cụp mắt và lủi thật nhanh như chó bị cắt tai khi bị dọa bắn.
Nhưng trong suốt chiều dài vở kịch, có một nhân vật vẫn nhẫn nại đi theo một niềm tin. Đó là người mẹ vác đơn đi kêu oan cho chồng. Bà vẫn tin rằng công bằng nhất định có. Bà khuyên con, nếu ai cũng cứ bỏ về thế này thì việc bảo vệ đất nước dành cho ai. Sự mềm mại của thiên tính nữ đã làm những chiến sĩ hối hận. Trong nhiều nghệ sĩ, NSND Lê Khanh đã là bà mẹ dịu dàng nhất, can đảm nhất mà cũng thuyết phục nhất. Những lời “ai cũng như các con thì bảo vệ đất nước để cho ai” qua đài từ của nghệ sĩ vừa nhẹ nhàng, vừa day dứt. Hậu phương không nên bị chia rẽ nếu muốn tiền tuyến đánh thắng giặc thù.
Bài ca bảo vệ Tổ quốc của những người lính mà Lưu Quang Vũ muốn nói đến, do đó, có nhiều tầng nghĩa. Rằng người lính hãy yên lòng vì hậu phương rồi sẽ ổn. Rằng sự quan liêu tưởng như vô hại nơi địa phương sẽ phải trả giá bằng sự xao lòng của chiến sĩ. Rằng phải tìm ra, phải giải quyết sự giả trá, cơ hội, tư hữu nấp đâu đó để người ra trận yên lòng.
Và bởi vì đó là Lưu Quang Vũ - con người luôn vừa căm giận cái ác, vừa tuyệt đối tin vào chiến thắng của cái thiện. Ông cũng nhìn thấy con đường nhất định phải qua của quân đội, của nhân dân. Đó là dũng cảm nhìn vào bản thân, để sửa sai. Trong bản dựng của các nghệ sĩ phía nam, người ta thấy Công Hậu trong vai chủ tịch tỉnh dõng dạc: “Hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững mạnh. Kẻ thù mới run sợ. Có lỗi tại sao chúng ta không dám nhận lỗi trước toàn dân”.
Trinh Nguyễn
>> Những vở diễn để đời – Kỳ 9: Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 8: Bài ca giữ nước
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 7: Nỏ thần
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
>> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh
Bình luận (0)