Những vũ khí đáng gờm đang lộ diện ở Nga

04/09/2015 08:05 GMT+7

Chương trình hiện đại hóa quân đội Nga cho ra đời nhiều hệ thống vũ khí chiến lược mới khiến phương Tây phải e ngại.

Chương trình hiện đại hóa quân đội Nga cho ra đời nhiều hệ thống vũ khí chiến lược mới khiến phương Tây phải e ngại.

Tàu ngầm lớp Borei của Nga - Ảnh: RT
Tàu ngầm lớp Borei của Nga - Ảnh: RT
Trong một bài viết được giật tít 7 dòng vũ khí hàng đầu của Nga đang khiến quân đội Mỹ lạnh gáy, Hãng Sputnik News mới đây đã dẫn lại phân tích trên tạp chí trực tuyến của Mỹ là We Are The Mighty cảnh báo về các hệ thống vũ khí mới đang xuất xưởng từ Nga, trong đó bao gồm tàu ngầm, tên lửa, chiến đấu cơ, hàng không mẫu hạm…
Tàu ngầm hạt nhân
Nga hiện xúc tiến đóng mới thêm nhiều tàu ngầm thế hệ thứ 4. Hải quân Nga đang sở hữu 3 tàu ngầm hạt nhân thuộc dự án 955 Borei, bao gồm tàu Yuri Dolgoruky, Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh, theo tạp chí The Diplomat. Thân tàu ngầm Borei được đúc bằng thép kiên cố với độ dày 48 mm, phủ thêm lớp chống truyền âm dưới nước.
Tàu được trang bị động cơ chạy êm, cho phép duy trì khả năng “tàng hình” trước các hệ thống định vị của phe đối địch. Tính đến cuối năm 2020, hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 5 tàu mới thuộc lớp này. Bên cạnh đó, Nga hiện có một tàu ngầm thuộc dự án 885 Yasen trong hạm đội. Đến năm 2020, tổng số tàu ngầm Yasen sẽ lên đến 9 tàu. Trang bị tên lửa hành trình, tàu ngầm Yasen được đánh giá là hoạt động đặc biệt linh hoạt.
Không dừng lại ở đó, Moscow tiếp tục lên kế hoạch cho thế hệ tàu ngầm thứ 5. Theo tạp chí The National Interest, Nga ôm tham vọng xây dựng một mạng lưới tàu ngầm kết nối thường trực với các tàu lặn không người lái. Đô đốc Viktor Chirkov, Tư lệnh hải quân Nga, tiết lộ rằng các hệ thống rô bốt sẽ đóng vai trò trung tâm trong lớp tàu ngầm mới.
Tên lửa bội siêu thanh
Tên lửa siêu thanh hiện có sẵn trong kho vũ khí của Nga là BrahMos, thành quả từ chương trình hợp tác chế tạo với Ấn Độ. BrahMos lần đầu tiên khai hỏa vào năm 2001, dựa trên tên lửa P-800 do Liên Xô sản xuất. BrahMos có thể đạt đến tốc độ 900 m/giây, được lắp cho vô số tàu ngầm, bệ phóng di động và máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, thứ mà giới tướng lĩnh NATO e ngại thực sự chính là thiết bị hành trình bội siêu thanh Yu-71. Dù chương trình tên lửa bội siêu thanh của Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển sau nhiều cuộc thử nghiệm thất bại, tiềm năng của dòng vũ khí này vẫn rực rỡ.
Trong đó, Yu-21 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, bay theo những hành trình không thể đoán trước với vận tốc 11.265 km/giờ để xuyên thủng hệ thống phòng không, theo We Are The Mighty. Theo thông tin chưa được xác nhận, Yu-71 dự kiến sẽ gia nhập lực lượng vào năm 2025.
Oanh tạc cơ hạng nặng
Kể từ năm 2009, Viện Thiết kế Tupolev đang phát triển dòng máy bay ném bom tầm xa đa năng để thay thế Tu-22M3 và Tu-95MS. Dòng máy bay mới, tạm gọi là PAK DA, dự kiến sẽ tiếp nhận các động cơ hiện đại hóa từ động cơ của máy bay Tu-160. Nó sẽ có thiết kế không đuôi, cánh cố định, di chuyển ở vận tốc cận siêu thanh. PAK DA dự kiến sẽ được lắp các tên lửa hành trình bội siêu thanh.
Một thiết kế được cho là dòng oanh tạc cơ hạng nặng PAK DA - Ảnh: The AviationistMột thiết kế được cho là dòng oanh tạc cơ hạng nặng PAK DA - Ảnh: The Aviationist
Bên cạnh dự án mới, Nga cũng triển khai chương trình sản xuất phiên bản nâng cấp của oanh tạc cơ huyền thoại Tu-160. Không quân Nga có thể sẽ chuyển sang sử dụng các dòng oanh tạc cơ trên vào năm 2020. Điện Kremlin cũng đang phát triển một số tên lửa mới cho Tu-160 và PAK DA.
Chuyên trang quốc phòng IHS Jane’s 360 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cho hay các dòng tên lửa mới sẽ gia tăng đáng kể năng lực của máy bay trong môi trường chiến đấu. “Chúng tôi đang phát triển các tên lửa mới nhằm tích hợp chúng vào mọi dòng máy bay ném bom chiến lược”, theo Thứ trưởng Borisov.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.