Một chiều đầu tháng 10.2024, lân la trung tâm Q.1, đoạn đường Nguyễn Văn Cừ và đường An Dương Vương, chúng tôi thường gặp những người phụ nữ quẩy gánh hàng rong trên vai rảo bước khắp đường phố hay ngồi bệt ở một vị trí cố định bán đủ thức quà như: bánh tráng trộn, tré, nem, bánh phồng tôm...
Họ mang chiếc đòn gánh từ quê vào thành phố “hành nghề” bất kể ngày đêm và cả ngày nắng hay ngày mưa. Họ biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng" bằng số vốn nghèo nho nhỏ. Họ là những người cùng quê Bình Định, bán cùng một địa điểm và sống cùng một khu trọ tập thể.
'Xóm gánh hàng rong' ở Q..1
Bà Võ Thị Sàng (thường gọi là cô Tư, 65 tuổi, quê ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) gương mặt đen sạm, hai mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, đon đả mời tôi mua hàng.
Nói về nguồn gốc của xóm Bình Định, bà Sàng kể rằng, gần 30 năm trước, một số người quê Bình Định vào TP.HCM, thuê phòng trọ dưới chân cầu Ông Lãnh (Q.4) và gánh hàng ra khu vực này bán. Thấy đồng hương vào thành phố lưu lạc, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, cuộc sống bấp bênh, nên họ cùng nhau lập nên một cộng đồng nhỏ.
Ban đầu là một vài người sống ở trọ, sau đến một vài người đến xin ở cùng và theo thời gian, những người đến trước dẫn dắt người đến sau. Dần dần, cộng đồng người Bình Định ngày càng đông đúc. Vì thế, xóm trọ dưới chân cầu Ông Lãnh được người dân quen gọi là xóm 77 (theo biển số xe của Bình Định), xóm Bình Định hay "xóm gánh hàng rong".
“Hồi xưa được vài người ở thôi, rồi sau này mấy chị em dẫn người quen vào ở đông lắm. Một phòng 20 người, chia mỗi người 1 mét rồi trải chiếu dưới nền nhà ngủ. Đàn ông, phụ nữ, già, trẻ gì cũng chen vào ngủ, không có khoảng cách. Giá thuê 22.000 đồng/ngày. Nhà vệ sinh có 2 cái, ai về trước thì xài trước, còn không thì chờ đến lượt”.
Rồi bà Sàng nói tiếp: “Ai có con học đại học là dẫn vô đây bán hết. Nhờ vậy mà con cái được ăn học đàng hoàng, thành tài cả đó”.
Hồi còn ở quê, vợ chồng bà Sàng làm nông, nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con. Được một đồng hương gọi vào TP.HCM nhập hội buôn bán, bà đi luôn.
Bà Sàng nói mình quẩy hàng rong đi bán được chừng 20 năm. Bà vẫn nhớ như in ngày đầu tiên mới vào TP.HCM, bà rảo bộ từ chỗ trọ dạo quanh khu vực Q.1 nhưng bị lạc đường. Bà Sàng hỏi thăm người dân rồi nửa ngày trời mới đến nơi.
“Vô bán nửa tháng không có tiền luôn, đụng gì ăn nấy. Gánh nó nặng lắm chứ nhưng phải ráng, tối về mình xoa bóp thì đỡ đau”, bà Sàng kể, giọng nói đặc sệt người Bình Định.
Thấy vỉa hè nào nhộn nhịp, bà Sàng cùng các “đồng nghiệp” lại rủ nhau chọn chỗ ngồi cố định để bán hàng. Trước đây, cứ cách 1 mét sẽ có một gánh hàng rong, riêng dọc đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn trước cổng Trường đại học Khoa học tự nhiên) có khoảng 23 người bán.
Mưu sinh xuyên ngày đêm
“Hôm nay cô lãi được nhiều không?”, tôi hỏi. Bà Sàng nghe vậy liền lắc đầu nguây nguẩy: “Thôi đừng nói lãi nữa, từ sáng giờ lãi được 30.000 đồng, hôm trước thì kiếm được 120.000 đồng. Thảm lắm con!”.
Tuy vậy, bà Sàng lại tự hào khoe với tôi, nhờ gánh hàng rong này mà bà nuôi 3 đứa con trưởng thành, riêng đứa con út đã học xong đại học, ra trường hơn 2 năm nay. Hiện, con bà đã lập gia đình và có con cái. Bà cũng khoe tháng vừa rồi bán được, chắt chiu gửi về nhà cho chồng, con cả triệu.
Hằng ngày, bà Sàng và đồng nghiệp phải thức từ lúc 4 giờ sáng chuẩn bị nguyên liệu, 10 giờ sẽ đi bán rồi đến 0 giờ sẽ gánh hàng về.
Cách gánh hàng rong của bà Sàng chừng 5 mét là gánh hàng rong của bà Phan Thị Hoa Thơm (65 tuổi, quê ở xã Nhơn Hậu, Bình Định). Thi thoảng, ngớt khách, bà ngồi bó gối, trầm ngâm nhìn xe cộ đi qua. Bà Thơm đã gắn bó với nghề này ngót nghét hơn 10 năm.
Lúc mới lên TP.HCM, bà làm đủ nghề rồi cuối cùng trụ lại với nghề bán hàng rong. Còn chồng bà ở quê làm “thợ đụng", đụng cái gì làm cái đó.
Gánh hàng rong của bà Thơm nuôi con khôn lớn
ẢNH: UYỂN NHI
Bà Thơm cười hiền, tự hào khoe với chúng tôi: “3 đứa lớn ở quê đều có chồng, con cả rồi, gia đình nó cũng hạnh phúc lắm. Còn đứa út học đại học mới ra trường, hiện đang làm công ty bên Q.7”. Nhắc đến con, ánh mắt bà Thơm lúc nào cũng ánh lên niềm vui.
Mỗi bịch bánh tráng trộn có giá dao động từ 15.000 đồng trở lên. Ngày nào bán đắt khách, bà Thơm lãi khoảng 150.000 đồng, có khi vài chục, còn ngày trời mưa thì không có đồng nào.
Để tiết kiệm tiền, bà Thơm ăn uống dè sẻn. Bà tự đi chợ, nấu cơm và đưa ra quy định mỗi ngày ăn không quá 20.000 đồng. Còn những lúc hết tiền, bà ăn bánh tráng cho qua bữa. “Mỗi ngày tôi nấu 1 lon gạo ăn cả ngày, hôm nào mệt quá thì bấm bụng mua hộp cơm giá 30.000 đồng rồi ăn 3 cử sáng trưa tối luôn. Mình phải biết tiết kiệm để dành tiền mua thuốc trị bệnh tai biến nữa. Bác sĩ nói phải uống thuốc cả đời”.
Bà Thơm xoa xoa bóp bóp bàn tay, nghẹn ngào nói: “Tay tôi cứ run run, yếu xìu à. Năm trước tôi nhập viện 4 tháng trời, bay đứt mấy chục triệu. Giờ đỡ mới dám đi bán lại, nhưng người vẫn đau nhức dữ lắm. Lúc nào đau quá thì phải lên bệnh viện châm cứu”.
"Tụi tui là chị em một nhà"
Tại xóm 77, nhiều người đã ở với bà Sàng và bà Thơm được hơn chục năm. Phần vì miếng cơm manh áo, phần vì tình đồng hương sâu nặng, không nỡ chuyển đến nơi khác.
Ngồi cạnh bà Sàng là gánh hàng rong của bà Sáu (63 tuổi, quê xã Nhơn Hậu). Bà Sáu và bà Sàng vốn là hàng xóm ngoài quê, cùng nhau vào TP.HCM mưu sinh và đã sống chung gần 20 năm.
Bà Sáu kể, các chị em cùng nhau quẩy gánh đi bộ về phòng trọ ở chân cầu Ông Lãnh. Nhờ rảo gánh đi bộ nên cũng có thêm khách ở dọc đường mua ủng hộ. “Gánh hàng rong này nặng chừng 60 kg, gánh bộ phải mất 30 phút mới về đến trọ. Nghĩ mà xem, nếu thuê xe ôm, mỗi chuyến 30.000 đồng, tiền đâu mà trả”, bà Sáu tâm sự.
Tôi ngỏ ý xin bà Sáu thử gánh một lần, nhưng bà chỉ lắc đầu, xua tay: "Nhà tôi làm nông, tôi quen gánh từ nhỏ mà giờ còn gánh nặng đến đứt hơi. Mỗi lần gánh về đến trọ phải nghỉ đến 6 lần mới đủ sức đi tiếp. Con gánh không nổi đâu. Có cháu trai trong quán nhậu kia, nhấc lên còn không nổi”.
Tôi gánh không nổi thật. Vừa đặt gánh lên vai, cố đứng dậy thì loạng choạng, ngã nghiêng mỗi bên. Các cô bán hàng rong thấy vậy cười ra nước mắt.
Tôi hỏi bà Sáu: “Hai người ngồi gần nhau như vậy thì có sợ mất khách không”?. Bà Sáu xua tay, cười hiền: “Không! Các cô ở đây là chị em cả mà, có lạ gì đâu. Đêm ngủ còn chung một manh chiếu. Con mua cho ai cũng được”.
Bà Sàng nghe vậy cũng góp giọng: “Hồi xưa mới vào TP.HCM, tôi mang gánh vào mà có tiền mua đồ về bán đâu. Chị em Bình Định thấy vậy góp nhau người vài ba ngàn cho tôi mượn mua xoài, gia vị. Lúc nào bán được thì mình trả lại. Khổ có khổ nhưng chị em, hàng xóm đoàn kết, có nhau cũng vui".
Ở xóm 77, tuy mỗi người một cảnh nhưng sống hòa thuận, nghĩa tình và đoàn kết như một gia đình. Người nào lỡ ốm đau, chị em trong xóm sẽ thay phiên nhau nấu cháo, mua thuốc giúp. Ai có củ khoai củ sắn, hay gửi gì từ quê vào cũng chia cho nhau cả.
Tâm sự với chúng tôi, bà Sàng nói: “Ở với nhau lâu lâu cũng có xích mích chứ nhưng không đáng kể, nói vậy thôi chứ 1 tiếng sau là hết. Người dân mình khó khăn rồi thì phải giúp đỡ nhau chứ”.
Bình luận (0)