Sống ở TP.HCM: 'Thành phố này không chặn đường sống của ai'

Thái Thanh
Thái Thanh
06/10/2024 04:14 GMT+7

Đằng sau nhịp sống hối hả, tấp nập ở TP.HCM, có những người vẫn sống đời bình dị, lặng lẽ. Tuy cuộc sống mưu sinh còn muôn vàn khó khăn nhưng mấy chục năm qua, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc, đủ đầy.

Mỗi một cuộc đời, một câu chuyện được kể đều là những mảnh ghép đặc biệt, góp phần làm nên bức tranh đa sắc mang tên TP.HCM. Đặc biệt, có những người dù phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn mỉm cười, đối mặt với khó khăn một cách điềm tĩnh, lạc quan. Đó cũng chính là lý do khiến cho thành phố này trở nên đáng sống và là niềm mơ ước của nhiều người.

“Sống ở TP.HCM, không biết buồn là gì”

Giữa tháng 9, tiết trời TP.HCM “bướng bỉnh” đến lạ thường, chẳng ai đoán trước được nắng mưa thế nào.

Vừa nghe tiếng mưa rơi lộp độp, ông Nguyễn Tam Tương (93 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) đã vội vã treo chùm áo mưa tiện lợi lên sào. “Một cái 10.000 đồng thôi cô, thích màu nào lấy màu đó”, ông Tương với người ra nói khi thấy tôi dừng xe trước cửa tiệm. 

Nói là tiệm văn phòng phẩm thì không đúng lắm, vì nơi đó chỉ rộng chừng vài mét vuông, chất đầy đồ đạc. Không gian bên trong chỉ còn dư đúng một lối lối đi nhỏ, đủ chỗ để kê một chiếc bàn dài cũ, nơi ông Tương ngả lưng mỗi tối.

Dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, ông Tương vẫn nở nụ cười lạc quan

Dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, ông Tương vẫn nở nụ cười lạc quan

ẢNH: THÁI THANH

Ông Tương quê ở Quảng Nam, vào Nam sinh sống từ thuở trai trẻ. Năm 1975, ông mở bán văn phòng phẩm ở ngay góc đường Lê Văn Sỹ (Q.3) đến nay. Ông có hai người con (trai gái có đủ) nhưng vẫn quyết định sống một mình ở quầy hàng.

"Tôi không muốn làm phiền con cái. Chúng nó có gia đình, có cuộc sống riêng rồi, mình phải tự lo cho mình chứ. Con cái tôi cũng không dư giả mấy nên không muốn tụi nó phải khổ vì mình", ông nói rồi nở một nụ cười đôn hậu.

Dù vậy, ông không bao giờ cảm thấy cô đơn. Mỗi ngày, ông thức dậy sớm, bày biện mấy món hàng ra phía trước, đọc báo giấy và theo dõi tin tức. Nhờ thói quen này, ông không chỉ minh mẫn mà còn luôn nắm rõ thời sự, những gì đang diễn ra ngoài xã hội.

Dù đã là U100 nhưng ông Tương vẫn giữ thói quen đọc tin tức mỗi ngày

Dù đã là U.100 nhưng ông Tương vẫn giữ thói quen đọc tin tức mỗi ngày

ẢNH: THÁI THANH

"Đọc báo giúp tôi cập nhật tình hình, biết được thế giới đang thay đổi thế nào, thành phố mình sống ra sao. Mấy bữa nay đọc tin miền Bắc bão lũ, tôi cũng thấy thương cho họ nhiều", ông Tương nói.

Ông Tương còn cho rằng, trong cuộc sống, việc giữ cho tâm trí khỏe mạnh và duy trì niềm vui sống mới là điều quan trọng nhất. 

"Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tôi cứ lạc quan mà sống. Khổ thì khổ xưa nay chứ đâu phải mới bây giờ mà buồn. Tôi buôn bán ở đây, ngày kiếm được đôi ba đồng mà không cần làm gì nặng nhọc, sướng hơn nhiều người phải làm việc vất vả ngoài đường, nắng mưa đổ đầu cũng phải chịu”, người đàn ông lớn tuổi tâm tư.

Với dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, ông Tương mỉm cười chào hỏi từng vị khách hàng ghé qua. Người ta thấy ở ông không chỉ là sự minh mẫn, khỏe mạnh của một cụ già lớn tuổi, mà còn là một tinh thần lạc quan, yêu đời. 

Bước chân vào tiệm tạp hóa của ông Tương như lạc vào một thế giới đầy hoài niệm. Đó là một Sài Gòn xưa với tấm biển vu quy, tân hôn xanh đỏ, là chiếc máy tính số cũ kỹ, là bộ đồ dùng kỹ thuật cho học sinh đã ngừng sản xuất từ lâu… Tất cả đều gắn liền với kỷ niệm thuở bé của thị dân TP.HCM.

Cửa tiệm nhỏ của ông Tương nằm trên góc đường Lê Văn Sỹ, Q.3

Cửa tiệm nhỏ của ông Tương nằm trên góc đường Lê Văn Sỹ, Q.3

ẢNH: THÁI THANH

Ông Tương kể, thời trước ông bán ở đây, mấy đứa trẻ con hay ghé lại mua tập sách, giờ ai cũng đã dựng vợ gả chồng. Đồ ông bán cũng đã lâu năm, nay già yếu không có vốn nhập hàng mới nên có gì bán đó, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn để tiêu pha. 

Khi tôi hỏi ông Tương sống một mình có cảm thấy buồn không, ông xua tay cười: “Ở TP.HCM không biết buồn là gì, mỗi ngày tôi buôn bán, không có khách thì ra phía trước ngồi nhìn phố xá. Ở đây là trung tâm nên lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Mình sống ở đây, có người nói, người cười, khách khứa ai cần khi nào tôi bán khi đó, có khi 4 - 5 giờ sáng cũng bán, miễn sao kịp thời cho họ dùng là được rồi”, ông Tương miệng cười móm mém.

Giữa TP.HCM nhộn nhịp, tấp nập, những người cao tuổi như ông Tương vẫn có cách để tự tạo niềm vui cho chính mình. Nhìn cái cách ông Tương hạnh phúc với công việc, với cuộc sống hiện tại, ai có thể nói tuổi già là buồn chán, là phụ thuộc...

Sống ở TP.HCM, kiếm bao tiền là đủ?

“Mỗi tháng cần phải kiếm bao nhiêu tiền mới sống được ở TP.HCM?”, đó là câu hỏi nan giải mà thời gian qua không ít người trẻ đã đưa ra tranh luận. Mỗi người đều có một con số của riêng mình, người 10 triệu, người 30 triệu, cũng có người kiếm cả trăm triệu cũng chưa thấy đủ sống.

Nhưng cũng có những người như bà Nguyễn Thị Thu (54 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) chỉ mong kiếm tiền vừa đủ, không nợ nần, sống một cuộc sống bình yên với gia đình. 

Với bà, “đủ” không phải là một con số cụ thể mà đó là cảm giác hài lòng với hiện tại. Bà chia sẻ: “Ở TP.HCM, kiếm bao nhiêu tiền cũng được, miễn không nợ nần, cơm ăn ngày ba bữa, đi làm về thấy chồng, thấy con, như vậy đã là hạnh phúc rồi”.

Bà Thu nổi tiếng là người bán trái cây tươi rẻ nhất Q.1

Bà Thu nổi tiếng là người bán trái cây tươi rẻ nhất Q.1

ẢNH: THÁI THANH

Bà Thu nổi tiếng trên mạng xã hội với gánh trái cây tươi rẻ nhất Q.1. Một hộp trái cây đủ loại: xoài, ổi, mận, cóc, dứa, bà Thu chỉ bán với giá 20.000 đồng. Mấy chục năm qua, gánh trái cây này chính là kế sinh nhai của cả gia đình, cũng nhờ đó mà bà có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Bà Thu bán hàng rất có nguyên tắc, đặc biệt là không bao giờ tự đề cao mình, không chặt chém khách nước ngoài và không lên giá chỉ vì mình được nhiều bạn trẻ đến quay phim.

“Tôi không chặt chém, nhất là với người nước ngoài. Vì họ đến tham quan nước mình, nếu mình chặt chém thì làm xấu hình ảnh nước mình lắm. Tôi có nhiều khách người nước ngoài sống ở TP.HCM là mối lâu năm, rồi các công ty, nhân viên văn phòng mua một lần mấy chục hộp, mấy trăm hộp. Có nhiều người hỏi tôi vì sao không lên giá, trên mạng tôi nổi tiếng dữ lắm, tôi chỉ đáp lại rằng mình buôn bán phải tử tế. Trăm người bán vạn người mua, hàng của mình cũng không phải hàng hiếm hay gì mà làm giá. Tôi thấy cứ dùng tâm để buôn bán, tự khắc sẽ giữ được chân khách hàng lâu dài”, bà Thu bộc bạch.

Sống ở TP.HCM nhiều năm, bà Thu vẫn giữ được sự chân quê, giản dị của một người con Quảng Ngãi. Giữa chốn thị thành vội vã, nhiều phần ganh đua, bà lại chọn cách sống chậm lại, yêu thương, bằng lòng với những gì mình có. 

Bà Thu hiểu rằng tiền bạc không phải là thước đo duy nhất của hạnh phúc. Bởi với bà, việc mỗi sáng thức dậy lúc 3 giờ, ra chợ tận tay lựa từng quả xoài, quả ổi ngon, thấy gánh trái cây của mình được khách hàng yêu thích, hay đơn giản là được trò chuyện, kết nối với mọi người đã là niềm hạnh phúc lớn.

Bà Thu xem TP.HCM như quê hương thứ 2 và nói sẽ ở lại đây cho đến hết đời

Bà Thu xem TP.HCM như quê hương thứ 2 và nói sẽ ở lại đây cho đến hết đời

ẢNH: THÁI THANH

Bà Thu tâm sự: “Thời gian đầu sống ở TP.HCM, tôi cũng thấy vất vả và từng có ý muốn về quê. Nhưng lâu dần, lại thấy nơi này dễ sống, con người yêu thương, chan hòa. Ở đây thì không bao giờ sợ đói khát vì cơm nước miễn phí rất nhiều. Ai không có nghề nghiệp cũng có thể cầm xấp vé số đi bán mưu sinh. Thành phố này không chặn đường sống của ai, quan trọng là mình chịu thương, chịu khó”.

Nhiều năm buôn gánh bán bưng, hình ảnh những gánh hàng rong như của bà Thu đã trở thành một phần ký ức của người dân thị thành. Chẳng ai biết chính xác những gánh hàng chở đầy thức quà như thế có mặt ở TP.HCM từ khi nào. Chỉ biết chúng gắn liền với hình ảnh người phụ tần tảo, chịu thương chịu khó, với đôi vai gầy liêu xiêu. 

Giờ đây, khi cuộc sống hiện đại, những gánh hàng rong như thế chính là nét điểm xuyến, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.