Nhường sự sống cho con

21/11/2015 05:00 GMT+7

Ngày đi khám thai bác sỹ thông báo tin sét đánh: “Thai khỏe nhưng … mẹ bị ung thư”. Chỉ có 2 chọn lựa oái ăm: “Nếu điều trị bệnh thì không giữ được bào thai, mà giữ bào thai thì không đủ thời gian để điều trị”.

Ngày đi khám thai bác sỹ thông báo tin sét đánh: “Thai khỏe nhưng … mẹ bị ung thư”. Chỉ có 2 chọn lựa oái ăm: “Nếu điều trị bệnh thì không giữ được bào thai, mà giữ bào thai thì không đủ thời gian để điều trị”.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Hòa, thời gian chị còn đang điều trị bệnh - Ảnh: gia đình nhân vật cung cấp. Mẹ con chị Nguyễn Thị Hòa, thời gian chị còn đang điều trị bệnh - Ảnh: gia đình nhân vật cung cấp.
Tôi chưa biết mặt và cũng chưa quen em cho đến lúc nhận mail của một anh bạn đồng nghiệp, rằng em đang hôn mê ở bệnh viện Ung bướu. Anh bạn đồng nghiệp thông tin đến bạn bè để mọi người góp sức phần nào. Anh bảo: “Em bệnh đã lâu nhưng mãi hôm nay, trở nặng và khánh kiệt, mới đồng ý cho anh mở lời”.
Em là Nguyễn Thị Hòa, cựu giám đốc công ty du lịch Nụ cười Việt (công ty nay đã được nhượng lại). Em vừa mất sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng điều tôi muốn nói trong bài viết này không phải là nói về căn bệnh của em mà là một việc làm khác của em khiến những người đồng nghiệp như chúng tôi đi từ xúc động đến cảm phục.
Nhận mail, nhiều đồng nghiệp của em, có cả nhà báo, cũng như tôi, lần đầu biết tên em, đều hăng hái chia sẻ. Nhiều người đã ghé bệnh viện thăm em. Ai bảo các doanh nghiệp ngành du lịch chụp giựt, chỉ biết cho riêng mình? Có gian nan mới hay lòng người.
Tôi vào viện thăm thì em đã chuyển sang Khoa Nội Thần kinh của bệnh viện Gia Định. Em nằm mê man không biết gì. Chỉ có người anh Hai, vốn là cựu chiến binh từ quê lặn lội ra, đang lặng thầm chăm sóc em gái. Qua những thông tin từ người nhà và bạn bè em, tôi đơ người trước nghịch cảnh. Dân du lịch chuyên nghiệp, em xông xáo đam mê, quên cả thời son trẻ. Tuổi 40, em thèm làm mẹ. Có thể đó là mơ ước bình thường của nhiều phụ nữ, nhưng với em, linh cảm gần như là cơ hội cuối cùng.
Rồi em gặp được người đàn ông giúp mình toại nguyện, và em chấp nhận làm mẹ đơn thân, “đi biển một mình”.
Ngày đi khám thai, bác sỹ thông báo tin sét đánh: “Thai khỏe nhưng … mẹ bị ung thư”. Chỉ có 2 chọn lựa oái ăm: “Nếu điều trị bệnh thì không giữ được bào thai, mà giữ bào thai thì bệnh của mẹ sẽ không còn đủ thời gian để điều trị”. Trong cuộc đời em chưa có quyết định nào khó khăn và nghiệt ngã như lần này, vì mỗi người sinh ra đều được sở hữu một “suất sống”. Còn với hai mẹ con em, Thượng Đế tằn tiện chỉ cấp một mà thôi. Em đành chấp nhận nhường suất đó lại cho núm ruột của mình.
Ngày bé Bảo Trân ra đời, cũng là ngày em bắt đầu đi bệnh viện ung bướu, chạy đua với thời gian để xạ trị. Cháu bé càng lớn thì bệnh của em cũng nặng dần lên. Niềm vui ngắm con đan xen với nỗi buồn về ngày chia ly mà em biết chẳng còn xa, cứ dai dẳng đeo bám và ám ảnh ngày đêm. Vốn là cô gái cá tính, giàu nghị lực, em nghiến răng, cố dấu nỗi đau vào trong để người thân bớt lo lắng. Bảo Trân ở với ông bà ngoại. Cả hai đều ngoài 80. Hình như đoán biết thân phận của mình, bé rất ngoan và khỏe, dễ ăn, dễ ngủ. Nhiều lúc bé quên là mình cũng có mẹ.
Bảo Trân hơn một tuổi thì em lúc tỉnh, lúc mê suốt mấy tháng. Những ngày cuối cùng, em chìm vào hôn mê sâu, các bác sĩ lắc đầu bất lực. Gia đình phải đưa em về quê và 13.11 là ngày em phải nhường lại “suất sống” cho con mình. Em chưa biết rằng Hiệp Hội du lịch thành phố và các anh chị trong ngành đang bàn nhau quyên góp để mở sổ tiết kiệm cho con em, như một sự chia sẻ thiết thực. Là cách mà các cô, các bác thể hiện lòng cảm thương cho số phận long đong của em; đồng thời cảm phục cái cách em bảo vệ sinh linh nhỏ bé của mình. Đó chính là tấm gương tuyệt vời về tình mẫu tử của người Việt.
Tôi tin là bé Bảo Trân lớn lên sẽ hiểu được điều này để nhớ về em - người MẸ yêu quí, đã NHƯỜNG SUẤT SỐNG cho con mình. Tôi cũng cám ơn các đồng nghiệp, qua em, đã giúp tôi hiểu thêm về những bè bạn trong ngành. Mong rằng, việc làm này sẽ mở rộng sự tương trợ và chia sẻ, như một nét đẹp văn hóa, đầy tính nhân văn, trước hết là của những ai cùng hội, cùng thuyền. Sau đó, là của tất cả người Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.