Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang

Niềm hãnh diện của người Nha Trang

10/12/2023 07:29 GMT+7

Trong cuốn Xứ trầm hương (Lá Bối, 1969), nhà thơ Quách Tấn mô tả hai trục chính của Nha Trang: "Phố xá và gia cư của người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm (tức chợ cũ Nha Trang). Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ tòa Sứ (tức Tòa hành chánh) cho đến Đại khách sạn (Grand Hôtel)".

Khi chợ Đầm hoàn tất (ngày 22.2.1972), tiếp sau đó là hai khu chung cư A và B hoàn thiện (14.10.1972), trục "phố xá và gia cư" đã tạo ra một trung tâm mới, định hình lại diện mạo đô thị Nha Trang.

Toàn cảnh chợ Đầm Nha Trang năm 1972,  khi chợ đã xây xong nhưng khu thương xá  và gia cư A và B thì vẫn đang từng bước hoàn thiện Ảnh: Nguyễn Bá Mậu

Toàn cảnh chợ Đầm Nha Trang năm 1972, khi chợ đã xây xong nhưng khu thương xá và gia cư A và B thì vẫn đang từng bước hoàn thiện

NGUYỄN BÁ MẬU

Cao đẹp, sạch sẽ, tân kỳ

Chợ Đầm tái thiết tạo ra khu phố thương mại sầm uất, hiện đại. Dự án này thổi một làn gió mới của phong cách kiến trúc tân kỳ đến thị xã thùy dương cát trắng. Nha Trang dù chậm 12 năm, với biết bao chật vật, nhưng đã có một ngôi chợ và phố thương mại mới có thể sánh với khu Chợ Mới của Đà Lạt.

Ngôi chợ đáp ứng quy mô thương mại của một đô thị đang vượt xa cái mốc 200.000 dân. "Sau bao nhiêu ngày tháng khó nhọc, các công trình kiến trúc đồ sộ đã được dựng lên, với ngôi chợ mới hình tròn có lầu và mái xếp, với hai dãy chúng cư thương xá 4 tầng, uy nghi trên bãi cát và đất sình, chứng tỏ khả năng kỹ thuật của các chuyên viên và nhà thầu Việt Nam mà sự cố gắng và ý chí nhẫn nại đã vượt qua mọi trở lực thiên nhiên, lúc đầu, hầu như nan giải. Ngày nay, các con đường hẹp xung quanh vũng đầm đã biến thành những đại lộ thênh thang, có mương cống, có lề đường, có đèn cao chiếu sáng và dãy thương xá chúng cư cao đẹp, sạch sẽ và tân kỳ", ông Trần Sĩ Huân, kỹ sư công chánh ngoại hạng, Trưởng ban Tái thiết khu chợ Đầm Nha Trang, cũng là cư dân Nha Trang - đã viết như vậy trong cuốn tài liệu Công tác tái thiết khu chợ Đầm Nha Trang.

Thay đổi văn hóa chợ

Xây lên ngôi chợ mới đã khó, nhưng sau đó, thay đổi thói quen, văn hóa buôn bán của dân chúng để phù hợp với điều kiện cơ sở mới thì càng khó hơn. Tháng 4.1973, bình đồ phân lô của KTS Hồ Thăng được áp dụng thực tế như sau:

- Lầu 1 gồm 172 lô, gồm: báo chí (1 lô), nón, dép guốc (40), lave nước ngọt nước mắm (5), may quần áo (14), chiếu ni lông đồ nhựa (9), đồ nhôm rổ rá hàng thiếc (29), bánh kẹo (19), bánh tráng (9), nước mía chè giải khát (5), thuốc lào thuốc lá (2), rau hành gà vịt và đổi nghề (39).

- Tầng trệt gồm 402 lô, gồm: hàng vải quần áo (138 lô), tạp hóa chạp phô (83), hàng khô ngũ cốc (93), hàng thịt (21), hoa quả (14), phở bún bò hàng cơm (14), trầu cau (10), khô mực giò chả (3), chỗ đổi nghề (26).

Các cuộc bốc thăm, xét duyệt, giải quyết khiếu nại trong việc xếp người buôn bán vào 529 lô trong chợ diễn ra vào các ngày 18.8.1972, 12.1.1973, 23.3.1973, ngày 4 và 6.6.1973... Danh sách dài dằng dặc, chi tiết từng hàng khô, hàng vải, hàng chè, hàng trầu cau cho đến hải sản... tất cả diễn ra dù có lúc cũng xảy ra tranh cãi, khiếu nại. Có những tiểu thương quen buôn bán ngoài trời, từ chối sự sắp xếp để lại ra mặt đường giăng bạt bán hàng.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu (Đà Lạt) có chuyến săn ảnh ở Nha Trang năm 1972, ghi lại hình ảnh khu chợ Đầm mới tái thiết nhưng đã xuất hiện dù bạt trên vỉa hè. Trong bức ảnh panorama, có thể thấy hai dãy chung cư còn chưa hoàn thiện.

Ngày 14.10.1972, một hội đồng do cụ Trần Văn Trạch, kỹ sư công chánh, đại diện cho Tổng trưởng Công chánh - chủ tọa cùng đại diện Tổng cuộc gia cư, đại diện Tòa thị chánh Nha Trang cùng KTS Trần Tiển Chuân ký vào biên bản nghiệm thu hai block chung cư A, B. Không lâu sau đó, cư dân đã đặt mua các căn hộ chuyển vào ở và buôn bán. Nha Trang không còn cảnh chen chúc nhếch nhác của một ngôi chợ trung tâm làng chài rơi rớt lại từ đầu thế kỷ.

Bấy giờ, từ cánh trái, những con đường Miếu Bà, Tăng Bạt Hổ... đổ về đường Nguyễn Thái Học, nối kết trục giao thông mặt tiền chợ với mặt phải là các con đường Phan Bội Châu (đằng sau chợ cũ), đường Bến Chợ, Xương Huân, Nguyễn Công Trứ - khu chợ Đầm mới tái thiết đã tạo nên một trục lưu thông và thương mại có tính hội tụ của một khu trung tâm đầy sức sống.

Một biểu tượng

Ngay trong ngày tiếp nhận chợ Đầm, ông Phạm Nhạc, cựu Chủ tịch Hội đồng thị xã Nha Trang, đã cảm tác viết mấy câu thơ: Lộng lẫy làm sao chợ tỉnh thành/Xưa kia chỗ đó vũng bùn tanh/Ngày nay nổi bật công trình lớn/Hết sức tân kỳ buổi chiến tranh.

Còn nhà thơ Quách Tấn, cư dân ở đường Bến Chợ, lúc bấy giờ nhìn bóng chợ mà liên tưởng đến một đóa sen trên vùng đầm xưa, rồi nghiệm về nét duyên trong cảnh nhàn - náo nhân sinh: Mặt đầm xưa nổi chợ/Nóc chợ trổ hoa sen/Nhụy phấn trăng vàng kết/Đài hương mây trắng chen/Mơ màng sương ánh tuyết/Thấp thoáng bến neo thuyền/Chi ngại đời dâu bể/Nhàn duyên náo cũng duyên (Bóng chợ Đầm).

Ngôi chợ Đầm bền vững, tân kỳ là biểu tượng, dấu ấn từ nỗ lực phát triển đô thị trong một thời kỳ lịch sử; cũng là điểm ký ức cộng đồng của người dân Nha Trang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.