Niềm tự hào phở Vân Cù

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/03/2024 07:22 GMT+7

"Cái nôi của nghề phở" là một định danh về làng nghề phở Vân Cù, được đưa ra tại Festival Phở (diễn ra từ ngày 15 - 17.3 ở Nam Định).

Dâng phở cúng vua Hùng

Ông Cồ Như Tìu (67 tuổi, ở làng Vân Cù, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) dậy rất sớm trong ngày 15.3 để ra đình làng làm nhiệm vụ. Ông được giao việc trông coi an ninh trật tự trong Festival Phở tổ chức tại làng Vân Cù. Công việc kéo dài nên tới quá trưa, ông cũng chưa kịp ăn gì. Tuy vậy, ông Tìu không thấy mệt. "Vất vả bao nhiêu tôi cũng không ngại. Hôm nay làng tôi được chứng nhận là cái nôi của phở", ông nói.

Festival Phở thu hút  rất nhiều người đến  tham quan, thưởng thức ảnh: THIÊN LAM

Festival Phở thu hút rất nhiều người đến tham quan, thưởng thức

THIÊN LAM

"Cái nôi của nghề phở" là một định danh được đưa lên nhiều tấm biển quảng bá tại Festival Phở (15 - 17.3, ở Nam Định). Trên đó có hàng chữ: "Cái nôi của nghề phở làng nghề truyền thống phở Vân Cù". Trên mỗi tấm biển có hàng chữ này còn ghi địa chỉ, số điện thoại liên lạc của nhiều hàng phở có nguồn gốc Vân Cù ở nhiều nơi trong cả nước như phở Cồ Thủy (Hải Phòng), phở Cồ Đạt, phở Cồ Hải, phở Cồ Sự (Hà Nội)…

Tại Festival Phở còn giới thiệu một ấn phẩm có tên "Cái nôi" nghề phở, làng nghề phở Vân Cù. Ấn phẩm này viết: "Khi đề cập đến những người bán phở đầu tiên ở làng Vân Cù, có thể kể đến các cá nhân tiêu biểu như: cụ Phó Huyến, cụ Phó Tắc, cụ Lý Thử… đã đi bán phở từ những năm 1900" và còn có đoạn: "Đến những năm 1980 trở lại đây, nghề phở phát triển rất nhanh, đặc biệt là khi VN thực hiện chính sách mở cửa (1986), người dân làng Vân Cù đã mang nghề phở đi khắp trong và ngoài nước, song nghề phở phát triển nhất vẫn là tại thủ đô Hà Nội".

Ngoài ra, đền Vân Cù thờ phụng Vua Hùng và thần Lôi Công (vị thần gắn với nông nghiệp). Đền còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như các nghi thức tế khác nhau. Ông Cồ Như Đường, người trông coi đền, cho biết hằng năm trong dịp tế lễ ngày 10.3, con cháu trong làng cũng nấu phở để kính lên Vua Hùng. Người chủ tế năm nay được chọn để nấu phở dâng phở là ông Cồ Bá Mậu.

Thông điệp "cái nôi của nghề phở" nói trên là niềm tự hào của người dân Vân Cù, Nam Định. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến thắc mắc: "Cái nôi của nghề phở" cụ thể như thế nào? Minh chứng cụ thể cho thông điệp này là gì? Hiện cũng còn không ít tranh luận về lịch sử hình thành, nguồn gốc của món ăn.

Tư liệu ảnh về  người bán phở  của EFEO  ảnh: TƯ LIỆU

Tư liệu ảnh về người bán phở của EFEO

TƯ LIỆU

Khuyến khích sự đa dạng văn hóa và sáng tạo

Trong cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của tác giả Pierre Gourou, các làng chuyên bán phở được nhắc tới là làng Di Trạch ở Hà Đông, Hà Nội và làng Giao Cù ở Nam Trực, Nam Định. Tác giả này không nhắc đến làng Vân Cù.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, người đã viết cuốn Trăm năm phở Việt, lại cho biết khi nghiên cứu ông thấy có 2 luồng ý kiến về cội nguồn của phở: Một cho là Hà Nội, một cho là Nam Định. Theo nghiên cứu của ông Dũng, đầu thế kỷ 20, "đội quân phở gánh" của dòng phở Nam Định đã rong ruổi lên Hà Nội để bán hàng. Cũng trong thời gian này còn có một dòng phở khác gốc ở Di Trạch, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

Như vậy, với những nghiên cứu này, chưa thể khẳng định làng Vân Cù có phải là "cái nôi" của nghề phở hay không. Chỉ có thể tin chắc làng Vân Cù đúng là một làng có nghề nấu phở lâu đời, nghề này đang được con cháu của làng gìn giữ và đưa đi nhiều nơi. Họ cũng rất có ý thức về việc bảo tồn và phát triển nghề phở.

Theo ông Cồ Như Đồi, Chủ tịch Hiệp hội Phở Vân Cù, hội phở của làng được thành lập theo tiêu chí là nơi anh em tụ hội để giữ bản quyền phở Vân Cù trong nước và vươn ra quốc tế. Hiện tại người làng Vân Cù đã mang phở sang Nhật Bản, Mỹ. "Hằng năm ngày 10.3 mở hội là anh em về hết. Hội phở thì liên kết với nhau, anh em ở xa thì truyền hình trực tiếp, không thì thông tin cho nhau", ông Cồ Như Đồi nói.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng việc ghi làng Vân Cù là cái nôi của nghề phở không hẳn đúng mà cũng không hẳn sai dù về mặt nào đó có thể gây hiểu lầm về di sản và cộng đồng gìn giữ di sản.

"Có thể nói Nam Định và Vân Cù là nơi có làng nghề phở lâu đời, nổi tiếng. Điều này không ảnh hưởng tới những cộng đồng cũng đang giữ nghề phở khác. Công ước 2005 khuyến khích sự đa dạng văn hóa và sáng tạo, có lẽ nên tránh so sánh, hay dùng các từ như duy nhất… trong các hồ sơ di sản", bà Lý nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.