Ngày 13.11, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản số 5103/UBND-KTTH ngày 2.11.2024 gửi Bộ Công thương có ý kiến về phát triển điện hạt nhân (ĐHN).
Theo văn bản số 5103, UBND tỉnh Ninh Thuận đồng thuận sự cần thiết nghiên cứu phát triển ĐHN theo đề nghị của Bộ Công thương tại Báo cáo số 250/BC- BCT ngày 1.10.2024.
Tuy nhiên, để việc nghiên cứu phát triển ĐHN đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" năm 2050, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công thương cần xác định lộ trình phát triển ĐHN cụ thể nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí xây dựng Nhà máy ĐHN và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về ĐHN vừa qua.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển ĐHN tại Ninh Thuận; xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển ĐHN.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển ĐHN, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian đến.
Trước đó, ngày 25.11.2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân (DAĐHN) Ninh Thuận với tổng công suất 4.000MW.
Tuy nhiên, ngày 26.11.2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư DAĐHN Ninh Thuận. Trên cơ sở này, Ninh Thuận xác định tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 57 dự án/3.750MW tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ khi triển khai đến khi dừng thực hiện 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2, Ban quản lý DAĐHN đã xây dựng hệ thống cấp điện phục vụ thi công nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1; xây dựng khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và Trụ sở Ban Quản lý DAĐHN Ninh Thuận; đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư ở 2 vị trí xây dựng nhà máy ĐHN với tổng vốn hơn 423 tỉ đồng…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Giữ các vị trí đã quy hoạch xây dựng các nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, đảm bảo thuận lợi để thu hồi sau này khi có yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.
Bình luận (0)