Níu kéo chứ chưa buông bỏ

06/03/2023 14:30 GMT+7

Chuyến đi của phái bộ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới Iran được coi là nỗ lực mới nhất nhằm cứu vãn Thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA).

Tiến trình đàm phán ở Vienna (Áo) giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và đại diện EU về thỏa thuận mới để đưa Washington và Tehran tham gia đầy đủ trở lại JCPOA hiện bế tắc và ngưng trệ.

Níu kéo chứ chưa buông bỏ - Ảnh 1.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp lãnh đạo IAEA tại Tehran ngày 4.3

REUTERS

Mới đây, ở các nước phương Tây ồn ào thông tin là Iran đã làm giàu uranium lên tới mức độ 84% - trong khi với mức độ 90% thì đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tehran bác bỏ thông tin này và cho biết Iran mới chỉ làm giàu uranium tới mức độ dưới 60%. Dù mức 60% còn cách xa mức độ 90% nói trên nhưng lại cao hơn rất nhiều mức độ giới hạn quy định trong JCPOA - mà Iran đã cam kết - là 3,67%. Ngoài ra, Israel lại bắt đầu công khai toan tính đến khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Việc IAEA cử phái bộ đến Iran để xác minh thông tin còn là dịp để IAEA níu kéo Tehran không tiếp tục đi xa tới mức không thể cứu vớt JCPOA. Kết quả xác minh của IAEA có ý nghĩa rất quyết định bởi sẽ vừa bác bỏ những thông tin đồn thổi lại vừa gia tăng áp lực đối với Mỹ và các bên khác liên quan. Tehran thì có cơ hội thuận lợi cho thế giới bên ngoài thấy ai đúng, ai sai.

Qua đấy đồng thời cho thấy Iran cũng muốn níu kéo việc cứu vãn JCPOA chứ chưa quyết định từ bỏ nó. Iran dùng việc tăng mức độ làm giàu uranium để chuẩn bị cho khả năng JCPOA bị đổ vỡ hoàn toàn, vừa để gia tăng sức ép đối với Mỹ nhưng luôn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với các bên liên quan. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.