Nợ 8,5 triệu đồng lên hơn 8,8 tỉ đồng, làm sao biết có nợ xấu hay không?

Thanh Nam
Thanh Nam
17/03/2024 15:20 GMT+7

Thời gian qua, câu chuyện một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng nhưng lên hơn 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm đã gây xôn xao dư luận. Từ đây có rất nhiều người trẻ thắc mắc rằng làm sao biết mình có nợ xấu hay không?

3 cách kiểm tra

Trên Facebook, phía dưới những bài đăng về vụ việc này, bên cạnh sự ngạc nhiên thì nhiều người cũng lo lắng vì chẳng biết liệu mình có đang bị nợ xấu hay không?

Anh Trương Hoàng Khoa (34 tuổi), ngụ ở chung cư Centana, TP.Thủ Đức, TP.HCM, lo ngại: "Đã từng sử dụng thẻ tín dụng. Không rõ đã thanh toán đầy đủ hay chưa? Cũng chẳng biết liệu có bị nêu tên trong danh sách nợ xấu?".

Nợ 8,5 triệu đồng lên hơn 8,8 tỉ đồng, làm sao biết có nợ xấu hay không?- Ảnh 1.

Có thể kiểm tra nợ xấu trên website Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam

CHỤP MÀN HÌNH

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), trường hợp bỗng dưng phát hiện bị nợ xấu là có thể xảy ra. Vì nhiều người từng vay hoặc mua các sản phẩm trả góp… nhưng chưa thanh toán đúng hẹn, đầy đủ. Lỡ "quên" suốt thời gian dài thì rất dễ dẫn đến nợ xấu. Nhất là khi thay đổi số điện thoại, không được ngân hàng gửi thông báo về khoản nợ.

Ngoài ra, có những trường hợp đứng tên mua hàng trả góp thay cho người khác. Nếu người mua không thực hiện đầy đủ việc thanh toán cho ngân hàng thì người đứng tên có thể bị nợ xấu…

Để kiểm tra nợ xấu, luật sư Bình hướng dẫn 3 cách. Một là kiểm tra nợ xấu trên website CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam). Theo đó truy cập website CIC qua đường link: https://cic.gov.vn/#/register, thực hiện đăng ký theo hướng dẫn, bao gồm các thông tin như: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, thông tin chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân)… Sau đó nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đã đăng ký, rồi ấn "tiếp tục". Hệ thống CIC sẽ gọi để xác thực thông tin, thông tin khớp kết quả sẽ được gửi qua email đã đăng ký. Khi thông tin đã được xác nhận, người dùng truy cập vào website và thực hiện đăng nhập, sau đó chọn "khai thác báo cáo" để kiểm tra nợ xấu CIC của bản thân.

Nợ 8,5 triệu đồng lên hơn 8,8 tỉ đồng, làm sao biết có nợ xấu hay không?- Ảnh 2.

Có thể tải ứng dụng về điện thoại để điền thông tin, tra cứu nợ xấu

CHỤP MÀN HÌNH

Cách tiếp theo đó là kiểm tra nợ xấu thông qua app (ứng dụng) CIC. Cụ thể, tải ứng dụng CIC Credit Connect – Kết nối nhu cầu vay (trên điện thoại Android), tải ứng dụng iCIC National Credit Information Centre Of Vietnam (trên điện thoại IOS). Nếu chưa có tài khoản cần đăng ký. Nếu đã có tài khoản, bấm chọn "đăng nhập". Sau đó điền đầy đủ thông tin cá nhân. Chờ kiểm tra và phê duyệt. Sau khi hệ thống CIC đã phê duyệt, bấm chọn vào mục "khai thác báo cáo". Sau đó vào mục "xem báo cáo" để biết được kết quả nợ xấu.

Và cách thứ ba đó là kiểm tra nợ xấu tại ngân hàng bằng chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân). Theo đó, cần đến trực tiếp ngân hàng cho vay tín dụng, cung cấp chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân) cho tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng sẽ tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả rằng có đang bị nợ xấu ngân hàng hay không.

Để được xóa nợ xấu

Ông Đặng Chiến Thắng, trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết trong trường hợp phát hiện có nợ xấu và muốn xóa thì cần phải hoàn tất các khoản nợ.

Cụ thể, đối với khoản nợ xấu dưới 10 triệu đồng, phải hoàn tất các khoản nợ để không bị dính lịch sử nợ xấu. Đối với khoản nợ xấu trên 10 triệu đồng, phải nhanh chóng hoàn tất trả cả gốc và lãi. Thực hiện xong việc trả nợ, yêu cầu ngân hàng xác nhận việc hoàn thành trả nợ để không bị ảnh hưởng đến điểm CIC. Và sau một năm, nợ xấu được trả hết thì lịch sử tín dụng của người vay có thể đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng.

Đối với những khoản nợ xấu lớn, thời hạn để xử hoàn tất các khoản nợ là 5 năm. Sau đó hệ thống tiếp tục ghi nhận lịch sử tín dụng và đưa ra đánh giá điểm tín dụng theo quy định. Nếu vẫn có nhu cầu vay vốn, ngân hàng sẽ dựa vào điểm tín dụng này để xem xét hồ sơ.

Nợ 8,5 triệu đồng lên hơn 8,8 tỉ đồng, làm sao biết có nợ xấu hay không?- Ảnh 3.

Có thể trực tiếp đến ngân hàng để kiểm tra nợ xấu

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH

Anh Lê Quang Thương, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở Q.1, TP.HCM, cho biết nợ xấu được liệt kê thành 5 nhóm.

Nhóm 1 là nợ đủ tiêu chuẩn. Các khoản nợ vẫn có khả năng thu hồi cả gốc và lãi theo đúng thời gian.

Nhóm 2 là nợ cần chú ý. Đây là những khoản nợ từ 10 đến 30 ngày. Nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn. Các khoản nợ quá hạn từ 30 đến 90 ngày. Nhóm 4 là nợ nghi ngờ. Các khoản vay quá hạn từ 90 đến dưới 180 ngày. Nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn.

Theo anh Thương, khi bị nợ xấu sẽ bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống CIC. "Nếu để nợ xấu, có thể tác động tiêu cực đến điểm tín dụng và khả năng vay mượn trong tương lai. Chính vì thế, việc kiểm tra nợ xấu sẽ giúp người vay nắm được thông tin bản thân có bị nợ xấu hay không nhằm đưa ra phương án giải quyết kịp thời, cũng như kiểm tra được cụ thể khoản nợ và thời hạn thanh toán cho ngân hàng", anh Thương nói.

Về thời gian để được xóa nợ xấu, anh Thương cho biết nếu nợ xấu nhóm 1 sẽ được cấp vốn ngay (trường hợp đã tất toán nợ). Nợ xấu nhóm 2 thì lịch sử nợ xấu được xóa sau 1 năm. Nghĩa là sau 1 năm mới tiếp tục được vay. Nợ xấu những nhóm còn lại thì lịch sử nợ xấu được xóa sau 5 năm. Theo đó sau 5 năm mới tiếp tục được vay trở lại.

Nợ xấu là gì?

Ông Đặng Chiến Thắng cho biết nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng trả theo thỏa thuận ban đầu. Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này: có thể vì người vay quên trả hoặc đơn vị cho vay đánh giá sai hiệu quả phương án cho vay, thời hạn cho vay...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.