'Nổ' chữa bệnh trên Facebook: Sở Y tế TP.HCM nói gì?

06/04/2018 13:31 GMT+7

Phản hồi về bài viết ‘Nổ’ chữa bệnh trên Facebook trên Báo Thanh Niên , bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, người phát ngôn của Sở Y tế TP.HCM, cho biết thanh tra đang xác lập các hành vi vi phạm và sẽ xử phạt phù hợp.

Ngày 5.4, Báo Thanh Niên có bài viết 'Nổ' chữa bệnh trên Facebookphản ánh việc ông Trần Văn Cường, Lê Văn Ngư (hành nghề tại cơ sở chẩn trị y học cổ truyền của y sĩ Lê Văn Hòa, số 110/5/8 tỉnh lộ 2, tổ 5, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi (TP.HCM) và cơ sở không biển hiệu số 44, đường 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM) và một số cá nhân khác quảng cáo khám, chữa bệnh; bán thuốc qua mạng xã hội Facebook nhưng không có phép, không có chuyên môn và mượn danh một nhân viên y tế để hành nghề.
Sau khi bài viết đăng tải, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Sở Y tế TP.HCM, đã có phản hồi với PV Thanh Niên về vụ việc.
Xử lý người hành nghề, cán bộ địa bàn
Theo bác sĩ Mai, hiện thanh tra đang xác lập các hành vi vi phạm của cơ sở y sĩ Lê Xuân Hòa, cá nhân ông Trần Văn Cường, Lê Văn Ngư… như Báo Thanh Niên nêu và sau đó sẽ có xử phạt phù hợp.
Về vấn đề cán bộ y tế, cán bộ quản lý địa phương có tiếp tay cho việc hành nghề trái phép, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc hay không, theo BS Mai, thanh tra Sở đang xác lập với hành vi, xem xét yếu tố chủ quan, khách quan với người từng được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý với cơ sở này để có báo cáo với UBND TP.HCM và UBND quận huyện xử lý theo luật Cán bộ, công chức.
“Thanh tra Sở luôn có những cuộc thanh tra đột xuất những cơ sở mà quận huyện đã kiểm tra trước. Nếu thanh tra Sở phát hiện được những sai phạm của cơ sở có tính lâu dài mà cuộc kiểm tra trước không phát hiện được thì Sở Y tế sẽ có văn bản gởi về địa phương để xử lý cán bộ”, bác sĩ Mai nói.
Trao đổi về vấn đề có sự cho thuê chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động để hoạt động, BS Mai cho biết: "Để quản lý người hành nghề được cấp phép, Sở Y tế đã xây dựng phần mềm nhập tất cả bác sĩ đăng ký hành nghề y, dược, y học cổ truyền và danh sách này luôn được cập nhật. Sở phát hiện nhiều trường hợp đăng ký thời gian, làm việc một nơi nhưng thực tế làm việc nơi khác và đã chấn chỉnh".
Đau lưng, đau cổ, đau vai... đều được cơ sở ông Trần Văn Cường nắn bóp như nhau Ảnh: Tiểu Thiên
Khó quản lý "hành nghề" qua mạng xã hội
Theo BS Mai, việc quản lý những người hành nghề bán thuốc, khám chữa bệnh rao trên Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội khác… thì tất cả các ngành đều rất khó khăn không riêng ngành y tế. Bởi trang chủ, người quản lý các trang mạng này đều ở nước ngoài, khi có sự cố nào đó muốn phối hợp với họ xử lý thì chủ trang mạng ở nước ngoài không hợp tác. Ngoài ra, việc xử lý với các cá nhân, đơn vị cũng khó khăn vì nhiều người sử dụng thông tin cá nhân không trung thực, cũng không có số điện thoại…
Nhưng việc thông tin không chính thống như quảng cáo trái phép, mua bán thuốc không rõ nguốn gốc, khám chữa bệnh trái phép là những lỗi vi phạm và phải được xem xét, xử lý theo quy định và bị xử phạt hành chính nặng, bởi những hành vi này ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và tính mạng người dân nên cần xử lý đến nơi đến chốn.
“Thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã đạo điều kiện cho thanh tra, các bộ phận chuyên môn phương tiện thu phát sóng, máy tính cá nhân, màn hình lớn theo dõi thông tin, sau đó xác minh thông tin để xử lý trong lĩnh vực quản lý”, BS Mai nói.
“Khi nhận được thông tin một điểm bán thuốc, khám chữa bệnh trái phép thì Thanh tra Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm theo Nghị định 176 của Chính phủ. Hành vi quảng cáo trái phép phạt từ 10 - 28 triệu đồng, quảng cáo quá chức năng phạm vi chuyên môn phạt từ 15 - 20 triệu đồng, kèm theo đó là tháo gỡ, xáo bỏ nội dung thông tin quảng cáo không đúng”, BS Mai cho biết thêm.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ đăng thông tin cá nhân, cơ sở vi phạm trên cổng thông tin điện tử của Sở. Người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh, những sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm sau khi cấp phép cũng được đưa lên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế để người dân theo dõi, giám sát.
“Nổ” chữa bệnh Facebook: Sở Y tế TP.HCM nói gì?2
Thuốc không rõ nguồn gốc Ảnh: Tiểu Thiên
Đâu phải đau lưng là nắn, bóp
Bác sĩ CKI Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho biết bệnh nhân khi đau lưng, cổ cần đến cơ sở y tế để được khám lâm sàng, làm cận lâm sàng X-quang, MRI... để đánh giá bị thoái hóa cột sống đơn thuần hay đau thần kinh, tổn thương do lao cột sống, thoát bị đĩa đệm (chèn ép rễ, tủy)… Muốn được chẩn đoán, điều trị đúng thì phải cần đến những y bác sĩ có chuyên môn. Vì mỗi bệnh bác sĩ có hướng chẩn đoán và điều trị khác nhau tùy mức độ, giai đoạn, phương thức trị bệnh, không phải ai cũng như ai.
Mượn cơ sở người khác đứng tên để hành nghề Ảnh: Duy Tính
“Nếu bệnh nhân bị lao cột sống thì phải điều trị lao, bị thoát bị đĩa đệm chén ép tủy thì phải phẫu thuật, bị hèn ép rễ nặng thì phải phẫu thuật. Nhưng bệnh nhân bị thoát hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm thì giai đoạn cấp không thể tập vật lý trị triệu được vì sẽ làm cho bệnh nhân đau hơn. Việc không theo một quy trình nào mà bệnh nhân đến cứ thế nắn, bóp gõ… thì không có cơ sở khoa học. Bởi nếu nắn cột cống quá sức trên những người bị loãng xương nặng hoặc bị hủy xương trong bệnh lý lao cột sống thì có thể dưa đến chấn thương tủy sống do gãy sụp thân đốt sống, chèn ép tủy gây liệt tư chi hoặc 2 chi”, bác sĩ Thanh nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thanh: "Việc bó thuốc không rõ nguồn gốc thì không biết trong đó có chất gì kháng viêm hay không, có thấm qua da hay không, công dụng không biết thế nào?... Nhưng chỉ thấy nhiều bệnh nhân bó thuốc lâu ngày thì lở loét da".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.