Nợ công của ngành giao thông còn lâu mới trả hết

Anh Vũ
Anh Vũ
04/06/2019 06:55 GMT+7

Đó là lo lắng của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khi Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 3.6 về việc phân bổ và sử dụng nguồn dự phòng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Nhiều dự án trọng điểm tắc giải ngân

Trước đó, tháng 11.2016, Quốc hội (QH) đã ban hành nghị quyết kế hoạch đầu tư công, dành 2 triệu tỉ đồng chia ra ngân sách T.Ư là 1.120.000 tỉ đồng và ngân sách địa phương là 880.000 tỉ đồng. Trong 1.120.000 tỉ đồng phân bổ 90% và dự phòng 10% (chi tiếp cho các dự án gặp khó khăn, thiên tai, lũ lụt và dự phòng cho nguồn thu không đạt được).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu (ĐB) đề nghị sử dụng danh mục dự phòng để phân bổ cho các dự án đã được phê duyệt theo nghị quyết của QH, như: thanh toán nợ cho cao tốc Hà Nội - Lào Cai; ưu tiên trả nợ cho dự án trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng... Một số ĐB đề nghị dùng vốn dự phòng giải ngân cho các dự án: chống sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực miền Tây...

Ngành giao thông, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ nhưng hiện nay vẫn đang còn tồn nợ của ngành trên 20.000 tỉ đồng. Nếu như vậy, còn phải giải quyết tiếp và nhiệm kỳ tới - và có khi nhiệm kỳ nữa - cũng chưa hết

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Riêng ĐB Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, góp ý trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều dự án đã được phân bổ vốn song chậm giải ngân, ách tắc. Đơn cử, nguồn trái phiếu chính phủ đã phân bổ 124.000 tỉ đồng mới giải ngân được 50%. Ông Ngân đề nghị Chính phủ cần rà soát lại để lấy vốn các dự án chậm chuyển cho dự án có khả năng triển khai, cấp bách, cần kíp hơn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đất nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư lớn trong khi tiền và nguồn lực có hạn. Địa phương nào cũng bức xúc về hạ tầng giao thông, ứng phó khí hậu, thanh toán nợ đọng, ô nhiễm môi trường...
Ông Dũng cho biết, trong 9.600 dự án triển khai ở kế hoạch đầu tư năm nay thì 8.000 dự án là chuyển tiếp; chỉ mới khởi công 400 dự án; còn lại là trả nợ và thanh toán. “Riêng ngành giao thông, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ nhưng hiện nay vẫn đang còn tồn nợ của ngành trên 20.000 tỉ đồng. Nếu như vậy, còn phải giải quyết tiếp và nhiệm kỳ tới - và có khi nhiệm kỳ nữa - cũng chưa hết”, ông Dũng lo ngại.
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, nhiều dự án không triển khai được. Theo ông Dũng, mỗi năm tốc độ giải ngân mới chỉ đạt 80%; 20% không giải ngân hết. Các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia hiện nay như: sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, chỉ còn hơn 1 năm nữa là triển khai, nhưng hiện có hơn 80.000 tỉ đồng không giải ngân hết.
Do đó, Bộ KH-ĐT xin QH cho thực hiện theo đúng nghị quyết; giao Chính phủ rà soát lần nữa các dự án chưa cần thiết
hoặc không đúng Nghị quyết 71. Sau đó sẽ thông báo lại cho các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các thủ tục đầu tư và căn cứ vào tình hình chi đầu tư thực tế của ngân sách có được trong năm 2020 rồi mới giao vốn đểtriển khai.

Chưa chốt được Chính phủ hay Quốc hội quyết danh mục

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, QH bỏ phiếu xin ý kiến các ĐB 3 nội dung còn ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo sửa đổi luật Đầu tư công, trong đó có nội dung quan trọng, mấu chốt trong lần sửa luật này liên quan thẩm quyền của QH hay Chính phủ trong việc quyết các danh mục đầu tư công trung hạn.
Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH sau khi tiếp thu đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, QH quyết định tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, QH có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo tại kỳ họp gần nhất.
Phương án 2, QH chỉ quyết định danh mục dự án quan trọng quốc gia còn lại, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các nguồn từ ngân sách T.Ư. Ở phương án 1, có 424 ĐB tham gia bỏ phiếu, chỉ có 234 đồng ý, tương đương tỷ lệ 48,35%. Phương án 2, 423 ĐB tham gia bỏ phiếu và chỉ có 206 đồng ý, tương đương 42,56%. Như vậy, cả 2 phương án đều không quá bán, do đó QH sẽ tiếp tục tiếp thu và xin ý kiến lại.
 

Chưa quyết “đã uống rượu bia thì không lái xe”

Chiều 3.6, QH lấy ý kiến các ĐB về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu, bia, trong đó có quy định về lái xe sau khi uống rượu bia. Theo đó, phương án 1 quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu và khí thở. Phương án 2, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, khí thở có nồng độ cồn vượt quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Tuy nhiên, cả 2 phương án mà ban soạn thảo đưa ra đều không nhận được tỷ lệ phiếu trên 50% ĐB đồng ý để đưa vào dự luật theo quy định. Trong đó, phương án 1 dù được lấy ý kiến tới 2 lần nhưng tỷ lệ phiếu vẫn chỉ đạt hơn 40%.
Lê Hiệp

Đề nghị sửa luật Đất đai vào năm 2020

Trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh năm 2019 của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Khắc Định cho hay, liên quan tới việc dự án luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị rút dự án luật này ra khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình QH vào thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, qua xem xét, UBTVQH nhận thấy, đây là dự án luật đã được đưa vào chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 36 ngày 6.9.2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Do đó, UBTVQH đề nghị không rút dự án luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình QH sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2020).
Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.