Nợ công năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 4 triệu tỉ đồng

Vũ Hân
Vũ Hân
19/10/2020 07:29 GMT+7

Nhiệm kỳ tới đây sẽ đầy thách thức với tài chính công, khi dư địa thu ngân sách khó khăn, áp lực trả nợ lớn và các nguồn vốn vay ưu đãi không còn.

Mỗi người dân gánh 37 triệu đồng nợ công

Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, hàng loạt thách thức cho năm 2021 và giai đoạn tới đã được chỉ ra. Nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỉ đồng. Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công.
Năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép. Đây là một chỉ số Chính phủ cho rằng cần được lưu ý.
Theo dự kiến về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng để cân đối ngân sách T.Ư, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách T.Ư khoảng 318.870 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách T.Ư khoảng 260.902 tỉ đồng. Như vậy, tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn.
Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước với khoảng 323.093 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách. Chỉ số này vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016 - 2020 là 25%, chủ yếu do các khoản trái phiếu chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 - khoảng 187.001 tỉ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách.
Dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại), chưa vượt trần, nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4% là mức mà Chính phủ cho rằng “cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này”.

Rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn

Đánh giá về rủi ro, Chính phủ cho biết rủi ro thanh khoản cho ngân sách trong giai đoạn tới chủ yếu phát sinh từ các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm và một số thời điểm trong năm.
Trong giai đoạn tới, các khoản vay IDA từ Ngân hàng Thế giới (WB, kể từ tháng 7.2021) và ADF từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, kể từ năm 2023) sẽ bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, kỳ hạn trả nợ gốc rút ngắn còn một nửa so với điều kiện vay ban đầu. Các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc trong 5 năm tới, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cao cho đầu tư phát triển.
Ngoài số trái phiếu chính phủ dự kiến được phát hành là khoảng 300.000 tỉ đồng (dự kiến sẽ phát hành khó khăn); giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 94.230 tỉ đồng, thì số vốn cần huy động từ các nguồn trong nước khác dự kiến khoảng 227.357 tỉ đồng cũng chưa xác định được nguồn cụ thể.
Rủi ro lãi suất cũng được đánh giá là tăng đáng kể, do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, trong khi tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng (trừ bảo hiểm xã hội) còn hạn chế, khiến việc chỉ tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài trong dài hạn là tương đối khó khăn.
Trong thời gian tới, việc dịch chuyển sang huy động theo cơ chế thị trường (do thiếu hụt nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài) cũng làm tăng đáng kể rủi ro và chi phí huy động vốn vay của Chính phủ. Đánh giá những thách thức với tài chính công trong thời gian tới, Chính phủ chỉ ra 5 vấn đề, trong đó đáng chú ý có việc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh và có nguy cơ vượt ngưỡng vào một số năm trong giai đoạn tới. Vấn đề này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách để trả nợ đến hạn (chủ yếu là nợ trái phiếu chính phủ) là không nhỏ trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả nhu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách T.Ư, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động (như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn...), đặc biệt trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.