Chỉ với cái giá 100 USD, một người Bangladesh nghèo khổ có thể bị đồng hương của mình bán cho bọn buôn người. Và gia đình họ sẽ phải tốn gấp vài chục lần số tiền đó để chuộc về...
Người Rohingya trên một chiếc thuyền ở gần đảo Koh Lipe, phía nam Thái Lan - Ảnh: AFP
|
Chiêu phỉnh dụ phổ biến nhất của bọn buôn người là: “Hãy lên thuyền sang Malaysia. Tại đấy, các bạn sẽ nhận được một công việc lương cao, dư dả tiền gửi về quê. Nếu siêng năng, các bạn còn đủ tiền để xây nhà cho mình nữa”.
Trại giam trên biển
Đối với những người dân quê chân chất, một ngày làm việc quần quật cũng không kiếm nổi vài USD thì đấy quả là một giấc mơ. Shafiq Mia (23 tuổi) là một trong số hàng ngàn người Bangladesh, Rohingya bị dụ lên thuyền của bọn buôn người bằng chiêu như thế. “Ở Bangladesh, tôi chỉ được trả lương 7.000 taka/tháng (khoảng 90 USD). Nghe họ nói như thế, tôi đi ngay”, anh nói với AP. Chưa kể, ai đem được một người đến cho chủ tàu đều được thưởng 100 USD. Số tiền này cũng đủ làm mờ mắt khiến nhiều người đẩy đồng hương mình vào tay bọn buôn người.
Tuy nhiên, sự thật khác hẳn. Chiếc thuyền sẽ chở nạn nhân đến Thái Lan và giam giữ họ trong rừng. Muốn hồi hương hoặc tiếp tục được đưa sang Malaysia, gia đình họ phải trả tiền chuộc lên đến 2.400 USD/người. Người nào không trả nổi sẽ bị giam, bị đánh đập và “sang tay” cho các nhóm buôn người khác để làm nô lệ trên tàu cá hoặc thậm chí bị bỏ đói cho đến chết. Phụ nữ không được gia đình trả tiền chuộc sẽ bị bán cho các nhà chứa.
Trong tháng 5, chính phủ các nước Đông Nam Á ra quân rầm rộ để truy quét bọn buôn người, khiến những chiếc tàu của chúng không thể cập bến dễ dàng như trước. Vì thế, bọn buôn người thay đổi chiến thuật, biến các chiếc thuyền trở thành những “trại giam nổi”, tống tiền họ và người thân ngay trên biển.
“Chúng tôi bị đánh đập, bỏ đói. Phụ nữ bị hãm hiếp. Những người chết vì không chịu nổi sự tra tấn bị quăng xác xuống biển. Chúng tôi bị buộc phải gọi điện về kêu người thân nộp tiền chuộc qua tài khoản. Khi nhận được tiền chúng mới tạm tha”, nạn nhân thoát nạn từ một “trại giam trên biển” kể.
Liên minh ma quỷ
Mohamed Rubel (19 tuổi, người Rohingya) kể với AP, chiếc tàu từ Myanmar đã thả anh cùng vài trăm người xuống một bờ biển Thái Lan. Từ đây, họ phải tiếp tục đi bộ vào rừng. Trên đường đi, Rubel cùng mọi người bị cảnh sát Thái bắt giữ và đưa về đồn. Tưởng sẽ bị tù hoặc trục xuất về nước, nhưng không, chỉ ngay sau đó họ lại tiếp tục bị “sang tay” cho một nhóm buôn người khác.
Đó có thể chỉ là lời nói một chiều từ người tị nạn, nhưng không ai có thể phủ nhận việc nhiều quan chức địa phương nhúng tay vào đường dây buôn người. Ngày 18.5, một cựu quan chức Thái Lan bị cáo buộc là đầu sỏ buôn người đã đầu thú. Đó là Pajjuban Aungkachotephan (còn gọi là Ko Tong), từng là một chức sắc “có ảnh hưởng lớn” ở tỉnh Satun (nơi được xem là trạm trung chuyển của bọn buôn người). Theo cảnh sát, Ko Tong là đầu mối quan trọng trong đường dây tội ác này. Nếu bị tuyên có tội, Ko Tong phải chịu mức án lên đến 15 năm và 1 triệu baht tiền phạt (khoảng 660 triệu đồng).
Chưa hết, việc phát hiện 33 thi thể trong những hố chôn tập thể tại khu lán trại giam giữ tù nhân của bọn buôn người tại tỉnh Songkhla (gần biên giới Malaysia) đã khiến Thái Lan mở cuộc điều tra gắt gao. Và kết quả là đến nay hơn 50 cảnh sát đã bị thuyên chuyển công tác, hàng chục cảnh sát bị điều tra. Đến đầu tháng 6, trung tướng Manus Kongpan, sĩ quan tham mưu cấp cao của quân đội Thái Lan, bị bắt vì dính líu đến đường dây buôn người.
Phía Malaysia, thoạt đầu Bộ Nội vụ cho biết cảnh sát đã tổ chức nhiều cuộc điều tra nhưng không phát hiện bất cứ khu lán trại hoặc hố chôn tập thể nào của bọn buôn người tại nước này. Tuy nhiên, theo Malaysian Insider, cách đây vài ngày, 12 cảnh sát Malaysia đã bị bắt vì có liên quan đến đường dây buôn người Rohingya và 139 hố chôn tập thể quanh 28 trại buôn người mới phát hiện tại Malaysia hồi cuối tháng 5.
Không những thế, trong khi mọi cặp mắt đều đổ dồn vào nạn nhân trên biển thì xuất hiện một mánh khóe mới của bọn buôn người là câu kết với quan chức nhà nước làm giả giấy tờ để vào châu Âu hợp pháp. Theo The Daily Star, sự việc chỉ bị phanh phui khi Thổ Nhĩ Kỳ gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Bangladesh thông báo về 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng hộ chiếu công vụ giả. Những giấy tờ này được làm tinh vi đến nỗi nhân viên cửa khẩu cũng không thể phát hiện. Khi Bangladesh bắt tay vào điều tra mới lộ ra những giấy tờ này đều được chính... Giám đốc Phòng Xuất nhập cảnh và hộ chiếu cùng 3 thuộc cấp làm giả. (Còn tiếp)
Theo thống kê của Global Slavery Index (GSI), toàn cầu có khoảng 36 triệu nạn nhân của bọn buôn người, trong đó 2/3 từ châu Á, với Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Thái Lan là những nước có nạn mua bán người hoành hành nhất.
Theo báo cáo của LHQ, 3 năm gần đây, hơn 120.000 người Rohingya đã lên thuyền vượt biển trốn sang nước khác, đem lại doanh thu khoảng 250 triệu USD cho bọn buôn người trên vịnh Bengal.
|
Bình luận (0)