'Lòng hảo tâm' là cụm từ vinh danh những nghĩa cử tốt đẹp xuất phát từ sự tự nguyện của cá nhân này đối với cá nhân khác hay của cá nhân đối với cộng đồng.
Đại diện Báo Thanh Niên đã trao 152,2 triệu đồng do bạn đọc đóng góp (đợt 1) hỗ trợ gia đình chị Phan Thị Thu Thủy, nhân vật trong bài viết "Một gia đình khốn cùng vì bệnh tật" đăng trên Thanh Niên ngày 17.9 - Ảnh: HXH |
Cụm từ ấy còn bao hàm ý nghĩa “của ít lòng nhiều”, dù sự đóng góp nhiều khi nhỏ bé nhưng tấm lòng là rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Ấy vậy mà lại có chuyện nợ… lòng hảo tâm.
Số là vừa rồi trên có công văn kêu gọi đóng góp, ủng hộ gây quỹ “Khuyến học”. Mức đóng góp bao nhiêu là tùy khả năng và điều kiện từng người, nói cách khác là tùy lòng hảo tâm. Vì lý do tế nhị, và cũng để tránh tình trạng “khó coi” bởi trong danh sách đóng góp thế nào cũng có chuyện kẻ trồi người sụt, kẻ ít người nhiều, thủ trưởng cơ quan tôi động viên mỗi người đóng góp mức bằng nhau là 50.000 đồng.
Tiền đã nộp thì ít lâu sau trên “phản hồi” xuống, đại thể là phải đóng góp mỗi người một ngày lương, sao lại chỉ có 50.000 đồng/người thế này? Như vậy, tùy mức lương của từng người mà số tiền “nợ” ít hay nhiều. Cơ quan tôi buộc phải lên danh sách cán bộ - nhân viên kèm mức lương mỗi ngày để làm căn cứ “truy thu” số tiền còn thiếu.
Có nhiều lời xì xào về sự áp đặt này, về chuyện công văn bảo là tự nguyện nhưng thực hiện thì “định chế”. Nhưng danh sách đóng góp cuối cùng cũng… đầy đủ và đẹp đẽ.
Chuyện rồi cũng qua. Điều “lắng đọng” là bỗng dưng nảy sinh một “khái niệm” mới: nợ… lòng hảo tâm!
Bình luận (0)