Chuyên san Science Advances vừa đăng tải nghiên cứu vô cùng quy mô của du học sinh Huỳnh Thị Mai Lâm (29 tuổi) đang theo học tiến sĩ ngành Khoa học phát triển bền vững và sáng kiến lãnh đạo toàn cầu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).
Báo cáo có tựa đề “Liên kết các khía cạnh phi vật chất của những mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và hạnh phúc mà con người thụ hưởng thông qua các dịch vụ hệ sinh thái văn hóa”.
Mai Lâm (hàng dưới ngoài cùng bên trái) cùng các sinh viên trong khoa |
NVCC |
Nỗ lực “vá” lỗ hổng kiến thức
Chia sẻ khi trả lời Thanh Niên, Lâm cho biết đã tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học phát triển bền vững và quản lý môi trường của Đại học Leeds (Anh) tại Vương quốc Anh. Sau thời gian làm việc ở Đà Nẵng, tháng 4.2019, Lâm nhận được học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT) để theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Khoa học phát triển bền vững và sáng kiến lãnh đạo toàn cầu tại Đại học Tokyo. Hiện cô đã hoàn thành bậc thạc sĩ và tiếp tục học tiến sĩ cùng chuyên ngành tại trường.
Lâm cho hay trong quá trình công tác và học tập, cô đã có may mắn tham gia nhiều dự án liên quan đến nghiên cứu và phát triển đô thị, quản lý hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Thông qua đó, cô càng nhận thức rõ tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người. Bên cạnh những lợi ích vật chất mà ai cũng biết đến, con người dù biết nhưng có vẻ như chưa thật sự trân trọng những lợi ích phi vật chất đến từ thiên nhiên. Chẳng hạn, gia đình và bạn bè gắn kết nhau hơn qua những chuyến cắm trại; hoạt động dã ngoại mang đến lợi ích thiết thực cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất…
Trong bối cảnh đó, Lâm phát hiện một trong những lỗ hổng kiến thức lớn nhất liên quan đến nghiên cứu về chủ đề này là khó làm sáng tỏ các cơ chế mà các lợi ích phi vật chất mà thiên nhiên mang lại. Theo cô, việc hệ thống hóa khối lượng kiến thức liên quan chủ đề này rất cần thiết nếu muốn phát triển khoa học và tối ưu hóa chính sách quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Huỳnh Thị Mai Lâm |
Thông điệp quan trọng cho con người
Vào thời điểm bắt đầu thực hiện nghiên cứu, dù ủng hộ, giáo sư hướng dẫn Alexandros Gasparatos vẫn đặt ra đây là hướng đi rất khó thực hiện, cần một phương pháp nghiên cứu sáng tạo và hướng tiếp cận mới lạ. Với sự kiên trì của Lâm, hai thầy trò cùng nhau thiết kế phương pháp định lượng hóa các giá trị định tính và chuẩn hóa giá trị để tạo ra quy chuẩn phân tích các dữ liệu từ các nguồn tài liệu khác nhau.
Theo Lâm, điểm mới của nghiên cứu này là đội ngũ của cô đã sử dụng một phương pháp sáng tạo để trích xuất, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ 301 nghiên cứu về mối liên kết giữa con người và tự nhiên. Báo cáo của nhóm cũng là nghiên cứu đầu tiên định lượng hóa và tính toán tác động của các lợi ích phi vật chất từ thiên nhiên đối với những khía cạnh khác nhau của cuộc sống con người. Nói cách khác, Lâm và nhóm của mình đã kết nối những kiến thức rời rạc từ những chuyên ngành khác nhau để tạo thành bức tranh tổng thể về các mối liên kết giữa con người và tự nhiên. Kết quả thu được hứa hẹn sẽ đóng góp vào nỗ lực phát triển các khái niệm và lý thuyết nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường, cũng như là tài liệu tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách liên quan đến quản lý cảnh quan và môi trường.
Thành viên Đông Nam Á duy nhất
Từ năm 2019 đến nay, Lâm là thành viên nghiên cứu của dự án “Sáng kiến lập bản đồ về giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu toàn cầu”. Đây là một dự án quy mô toàn cầu lớn với mạng lưới 126 nhà khoa học về biến đổi khí hậu trên thế giới. Mục tiêu là thu thập và tổng hợp một cách có hệ thống dữ liệu toàn cầu về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Lâm cho hay cô là thành viên duy nhất đến từ Đông Nam Á và có điều kiện tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Thông qua nghiên cứu, Lâm muốn gửi đi thông điệp đầu tiên, đó là khẳng định thiên nhiên rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống và sự hạnh phúc của con người. Báo cáo đã chỉ ra 227 cách mà thiên nhiên ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống. Kết quả cho thấy lợi ích lớn nhất thiên nhiên mang đến cho con người là lợi ích đối với sức khỏe về tinh thần và thể chất. Tiếp đến là lợi ích về việc phát triển các mối quan hệ cá nhân, và thứ ba là đóng góp đến sự phát triển cá nhân của con người. Những phát hiện thu được từ quá trình nghiên cứu có thể áp dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống con người thông qua những trải nghiệm trong môi trường thiên nhiên.
Hiện ở Mỹ và Canada, giới bác sĩ tâm thần và trị liệu đang đề xuất bổ sung mục “trị liệu từ thiên nhiên” (chẳng hạn như tản bộ trong công viên, ngắm cảnh thiên nhiên) để hỗ trợ các bệnh nhân có vấn đề tâm lý và stress. Sau khi đọc báo cáo, bác sĩ Elizabeth Haase, Chủ tịch Ủy ban về biến đổi khí hậu và sức khỏe tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, cho rằng có thể đưa những nội dung của báo cáo vào Sổ tay Chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần ở Mỹ.
Thông điệp thứ hai chính là việc bảo vệ thiên nhiên cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ chất lượng cuộc sống và sự hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng. “Theo kết quả nghiên cứu, thiên nhiên đóng góp rất lớn đến hạnh phúc con người, nên chúng ta có thể đấu tranh cho quyền mưu cầu hạnh phúc bằng việc đòi hỏi chính phủ và quốc gia phải bảo vệ môi trường và bảo tồn không gian tự nhiên ở địa phương nơi mình sinh sống”, Lâm kêu gọi.
Bình luận (0)