Nỗ lực cứu bé trai lọt xuống cọc bê tông sâu 35 m

02/01/2023 06:33 GMT+7

Ngày 1.1, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp , tiếp tục có mặt tại hiện trường để chỉ đạo cứu hộ bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) bị rơi xuống móng cọc bê tông mố cầu Rọc Sen ở độ sâu 35 m.

Liên tiếp bơm ô xy và truyền nước uống

Theo UBND H.Thanh Bình, khoảng 11 giờ 30 ngày 31.12.2022, khoảng 4 trẻ em ở xã Phú Lợi (trong đó bé Hạo Nam) vào chơi ở công trình thi công cầu Rọc Sen, thuộc tuyến đường ĐT-857 trên địa bàn ấp 2, xã Phú Lợi, H.Thanh Bình. Trong lúc chơi, Nam bị lọt xuống móng cọc bê tông mố cầu rỗng đường kính bên trong 25 cm, đã được đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Phát hiện sự việc, các em đi cùng Nam tri hô để người lớn gần đó cùng gia đình ứng cứu, tuy nhiên không thành nên báo cho lực lượng chức năng địa phương để xử lý.

Xem nhanh 20H ngày 2.1: Toàn cảnh ngày thứ ba cứu nạn bé trai dưới móng cầu | Việt Nam giảm 1 tỉ phú USD

Cọc bê tông đường kính rỗng chỉ 25 cm bé Nam bị lọt xuống

Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp đã có mặt tại hiện trường triển khai nhiều phương án cứu hộ. Lực lượng đã dùng nhiều phương án và liên tiếp bơm ô xy, truyền nước uống để bé cầm cự.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, có mặt liên tục tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. 3 máy đào và 1 cần cẩu được huy động đến hiện trường liên tục đào đắp mở rộng một hố rộng khoảng 10 m tại vị trí bé Nam bị rơi vào. Do móng cọc bê tông mố cầu được đóng sâu trong lòng đất, vị trí cọc có kết cấu là đất sét dày chịu lực tốt, nên rất khó nhổ cọc lên để cứu cháu bé.

Cố gắng nhổ cọc, hoàn thành cứu nạn bé Hạo Nam trước sáng mai

Từ khoảng 23 giờ ngày 31.12.2022 trở về sau, lực lượng cứu hộ dùng máy khoan địa chất được điều từ nơi khác đến khoan đất xung quanh móng cọc để làm nhão đất nhằm dùng cần cẩu nhổ móng cọc bê tông lên. Tuy triển khai phương án khoan rất cật lực, nhưng lực lượng cứu hộ chỉ khoan được vài lỗ khoan. Đến khoảng 17 giờ ngày 1.1.2023, lực lượng cứu hộ đã điều máy khoan cọc nhồi có đường kính lớn của công trình thi công đường từ H.Tháp Mười đi theo đường thủy đến hiện trường để khoan một số lỗ quanh móng cọc để làm giảm ma sát nhằm kéo móng bê tông lên.

Theo trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng Đội công tác cứu hộ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đồng Tháp, khi tiếp cận hiện trường có nhiều phương án đặt ra, trong đó có việc thả dây chuyên dụng xuống cọc bê tông kéo bé lên. Thế nhưng đường kính cọc bê tông quá nhỏ, nạn nhân bị kẹt cứng và nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận được để luồn dây qua người nên không thể thực hiện phương án này.

Chạy đua với thời gian

Khi hay tin con gặp nạn, vợ chồng anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (34 tuổi) lao ngay đến hiện trường. Bé Nam là con trai lớn của anh chị, dưới Nam còn em gái 1 tuổi. Anh Tài cho biết lúc anh chạy đến hiện trường thì vẫn nghe tiếng con kêu cứu, khoảng 10 phút sau thì không còn nghe tiếng của bé. Suốt đêm qua, anh túc trực tại hiện trường với gương mặt thất thần. Riêng chị Linh ngất xỉu nhiều lần.

Hoàn cảnh khốn khó của gia đình bé trai rơi xuống cọc bê tông ở Đồng Tháp

Vị trí móng cọc (khoanh tròn) nơi cháu Nam 10 tuổi bị lọt xuống có độ sâu 35 m

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết: “Khi phát hiện sự cố, tại hiện trường, tôi đã huy động mọi nguồn lực thiết bị, con người để cứu cháu bé. Sự cố này rất hy hữu, các phương tiện huy động được tại hiện trường chưa cứu hộ được nên chúng tôi phải huy động thêm phương tiện từ nơi khác đến. Cái khó khăn nhất trong công tác cứu hộ hiện nay là chúng tôi đang chạy đua với thời gian, anh em đã nỗ lực với phương châm còn nước còn tát để bằng mọi cách cứu cháu”.

Tính đến 13 giờ 30 ngày 1.1, ô xy vẫn được truyền liên tiếp vào cọc bê tông bé lọt vào. Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, cho biết: “Trước mắt là phải làm sao cứu hộ cháu bé, còn sai thì chúng tôi sẽ xử lý sau. Công trình có biển báo cảnh báo nguy hiểm, vòng bằng dây. Đơn vị thi công có đuổi các cháu ra, tuy nhiên khi anh em nghỉ trưa thì mấy cháu quay lại là ngoài mong muốn của tất cả. Qua đây, chúng tôi phải chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn thi công công trình. Bên cạnh đó là trách nhiệm người dân quản lý con em của mình. Tôi khẳng định việc xảy ra tai nạn là không ngờ, đau lòng. Chúng tôi phải tập trung phương tiện, thiết bị và nhân lực để cứu hộ đây là việc đầu tiên. Còn trách nhiệm sai phạm các bên liên quan ra sao sẽ xử lý tiếp”.

Theo Sở GTVT Đồng Tháp, công trình cầu Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 thuộc dự án xây dựng tuyến ĐT.857 đoạn QL30 đường ĐT.845 do Sở GTVT Đồng Tháp làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp quản lý dự án; Viện Khoa học và Công nghệ GTVT giám sát thi công xây dựng. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T.

Đến 0 giờ 30 ngày 2.1, công tác cứu hộ vẫn đang được ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp khẩn trương tiến hành xuyên đêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.