Nỗ lực đạt, vượt các mục tiêu tăng trưởng

Mai Hà
Mai Hà
04/04/2024 07:00 GMT+7

Sáng 3.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Tại phiên họp, báo cáo của Bộ KH-ĐT chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP quý 1 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2 - 5,6%), là mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất siêu 8,08 tỉ USD; xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỉ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm)... Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỉ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý 1 đạt 178 tỉ USD..., góp phần bảo đảm cán cân thanh toán.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế VN. ADB dự báo năm 2024 VN tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%... Dù vậy, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 - 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, các năm trước đều tăng trên 9%. Theo khảo sát xu hướng kinh doanh quý 1 của Tổng cục Thống kê, 55,1% và 49,8% số doanh nghiệp (DN) đánh giá gặp khó khăn về nhu cầu thị trường trong nước và tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Đặc biệt, trong quý 1, có gần 74.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là DN nhỏ và vừa.

Nỗ lực đạt, vượt các mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 1.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đang cơ bản bảo đảm tiến độ để hoàn thành vào tháng 6.2024

TTXVN

Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Tính đến ngày 1.4, chênh lệch giá lên tới 12,7 triệu đồng/lượng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%), làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cho vay...

Trên cơ sở quý 1, Bộ KH-ĐT dự báo 2 kịch bản tăng trưởng, gồm kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%. Theo đó, 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, thì 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Bộ KH-ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản 2.

THÔNG XE 2 CAO TỐC VÀO 30.4

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý nhiều thách thức trong thời gian tới cả trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn...

Nỗ lực đạt, vượt các mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần tích cực, chủ động và làm việc nào dứt điểm việc đó, có trọng tâm, hiệu quả. Ví dụ như các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc sử dụng hóa đơn điện tử hiện đã đạt 99,96%, việc này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng, thay vì 2 năm như báo cáo của các bộ, ngành. Tương tự, dự án đường dây 500 KV mạch 3 chậm trễ nhiều năm nhưng đang cơ bản bảo đảm tiến độ để hoàn thành vào tháng 6.2024.

Nêu quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần phấn đấu, nỗ lực đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trên tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm" và "5 đẩy mạnh" trong thời gian tới. Theo đó, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".

Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần quyết tâm hoàn thành đường dây 500 KV mạch 3 vào 30.6 tới và 2 dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30.4 tới đây. Về vĩ mô, giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. Tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán VN trong thời gian sớm nhất. Dứt khoát không để thiếu điện...

TỶ GIÁ CÓ THỂ "NÓNG THÊM"

Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm nay, vấn đề tỷ giá đang "nóng" thêm. Nguyên nhân do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ bằng hạ lãi suất. Giá trị đồng USD những ngày qua tăng rất cao, tác động đến giảm giá của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, vì thế tác động đến đồng tiền VN trong quan hệ tỷ giá với đồng USD. Ngoài ra, thời gian qua, chính sách hạ lãi suất của VN rất mạnh, đã và đang tạo ra sự bất cập chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục âm. Điều này càng tạo sức ép cho tỷ giá nóng hơn...

Song lãnh đạo NHNN khẳng định điều hành tỷ giá "vẫn đang đảm bảo sự ổn định, cân đối cung - cầu ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế, đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho nhu cầu nhập khẩu cũng như nhu cầu chung của nền kinh tế. Tỷ lệ mất giá của VND so với USD so với các nước khác là thấp". NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo cơ chế hết sức linh hoạt, làm sao đảm bảo tỷ giá có thể lên - xuống phù hợp xu thế chung; đảm bảo mục tiêu đặt ra là sự ổn định, ngoại tệ luôn luôn duy trì trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.

Liên quan đến lộ trình triển khai 2 dự án luật Kinh doanh bất động sản và luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Chính phủ đã ban hành kế hoạch, danh mục nhiệm vụ triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn dưới luật. Ông Sinh cho hay Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến của các địa phương, DN, hiệp hội, các bộ, ngành… và đã ghi nhận, tổng hợp và tiếp thu các ý kiến. Dự kiến, sẽ gửi Bộ Tư pháp ngày 20.4 cho ý kiến thẩm định sau đó sẽ hoàn chỉnh để đầu tháng 5 báo cáo Chính phủ xem xét thông qua các nghị định liên quan đến 2 dự án luật trên.

Thủ tướng yêu cầu Điều tra vụ tai nạn tại hầm lò tại Quảng Ninh

Hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn cháy khí metan trong lò than tại Công ty Than Thống Nhất (Quảng Ninh) khiến 4 công nhân tử vong. Trước đó, khoảng 0 giờ 20 ngày 3.4, tại Công ty Than Thống Nhất - TKV (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn cháy khí metan nghiêm trọng làm chết 4 công nhân. Nguyên nhân ban đầu được xác định do cháy khí metan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN hỗ trợ các nạn nhân; rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, vận hành hầm lò trong các đơn vị thuộc tập đoàn, kịp thời khắc phục các hạn chế để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động trong sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.