Nỗ lực đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025

Phạm Đức
Phạm Đức
28/12/2023 18:13 GMT+7

Cả hệ thống chính trị và người dân ở Hà Tĩnh đang nỗ lực, dốc sức để hoàn thành các tiêu chí nhằm sớm đưa tỉnh này trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2025.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Hà Tĩnh là một trong số các tỉnh, thành đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021 - 2025. Nhiệm vụ mà Hà Tĩnh phải hoàn thành để được công nhận là phải có 100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm.

Nỗ lực đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025- Ảnh 1.

Hà Tĩnh luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sống ở các vùng quê trong xanh, sạch đẹp

PHẠM ĐỨC

Ông Ngô Đình Long, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nên từ khi bắt tay vào thực hiện đề án, cả hệ thống chính trị và người dân đã đồng lòng, dốc sức để sớm đạt được kết quả.

“Quá trình thực hiện dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng cả hệ thống chính trị vẫn đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được những chỉ tiêu, tiêu chí đề ra”, ông Long khẳng định.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ, đến nay Hà Tĩnh mới chỉ có 2/10 tiêu chí cơ bản đạt, gồm: quy hoạch và an ninh trật tự xã hội; 3/10 tiêu chí có khả năng hoàn thành, gồm: dịch vụ hành chính công, giáo dục và y tế.

Có 5 tiêu chí khó hoàn thành nếu không có sự nỗ lực và nguồn lực hỗ trợ, gồm: cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; văn hóa; môi trường và cảnh quan nông thôn; việc làm, thu nhập và hộ nghèo.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã có 7/10 huyện đạt chuẩn NTM; 3 huyện chưa đạt chuẩn gồm: Lộc Hà, Kỳ Anh và Hương Khê. Trong đó, 2 huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đã có 100% số xã đạt chuẩn; Lộc Hà cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện, đang chờ thẩm định và Kỳ Anh đang nỗ lực đạt chuẩn vào cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh nói rằng, kết quả thực hiện đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM chưa đạt mục tiêu đề ra của năm 2023 do huy động nguồn lực thực hiện đề án còn khó khăn, nhất là ngân sách T.Ư mới đạt 24 % kế hoạch. (1.168 tỉ đồng/4.820 tỉ đồng).

“Năm 2024, Hà Tĩnh dự kiến xây dựng 28 chỉ tiêu, trong đó một số chỉ tiêu trọng tâm như: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8 - 8,5 %; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.500 tỉ đồng; phấn đấu 100 % huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 0,6 - 1 %...”, ông Lĩnh nói.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số sở, ngành, địa phương có những thời điểm thiếu quyết liệt, chậm đổi mới; một số nơi có biểu hiện chùng xuống. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động người dân về thực hiện đề án chưa thực sự hiệu quả.

Tăng tốc chặng nước rút

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho hay theo lộ trình đã được xác định, trong năm 2023, phấn đấu 4 xã còn lại của H.Hương Khê đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 100%. Đặc biệt, sẽ yêu cầu các xã tập trung củng cố, cập nhật theo yêu cầu bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025 và tiếp tục tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để đảm bảo tính liên tục, bền vững.

Cũng theo ông Lĩnh, khối lượng công việc hiện còn rất lớn, các địa phương, đơn vị phải thay đổi tư duy, cách làm, sáng tạo trong giai đoạn mới. Bên cạnh sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đưa phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất thì còn phải tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu. Trong đó, ưu tiên cao thực hiện các tiêu chí thiết thực với cuộc sống của người dân; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách các cấp và đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực.

“Các sở, ngành cũng cần kết nối với các bộ, ngành T.Ư để hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn địa phương trong quá trình thực hiện. Phấn đấu đến năm 2024, toàn bộ 13/13 huyện, thị, thành đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”, ông Lĩnh chia sẻ.

Nỗ lực đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.