Nỗ lực duy trì tiếng Việt trên đất Mỹ

28/02/2021 14:21 GMT+7

Cộng đồng người Việt tại TP.San Jose (bang California, Mỹ) tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em gia đình gốc Việt tại đây trong nỗ lực duy trì tiếng mẹ đẻ cho thế hệ tiếp theo.

Trường tiểu học Ben Painter là trường đầu tiên trong Học khu Alum Rock Union (ARUSD) ở phía đông San Jose (bang California, Mỹ) triển khai chương trình hòa nhập tiếng Việt, để học sinh học cả tiếng Anh và tiếng Việt trong chương trình song ngữ được giảng dạy hằng ngày.

Được hưởng ứng

Bang California từng ban hành luật hạn chế các trường dạy những môn học bằng tiếng nước ngoài trừ khi có đủ phụ huynh ký giấy đăng ký cho con em mình theo học chương trình song ngữ. Sau khi đạo luật Giáo dục đa ngôn ngữ California được thực thi vào năm 2016, chương trình song ngữ trở lại và được nhiều gia đình gốc Việt chào đón.
Cũng kể từ đó, mọi học khu ở bang California nhận được ngân sách từ tiểu bang để mở rộng chương trình song ngữ. Tại TP.San Jose, Học khu Franklin-McKinley là nơi đầu tiên mở chương trình song ngữ tiếng Việt và đã giúp các giáo viên tại Trường tiểu học Ben Painter xây dựng chương trình giảng dạy.
ARUSD từng mở các lớp tiếng Việt sau giờ học chính khóa cách đây hai thập niên nhưng đã ngưng sau hai năm hoạt động do thiếu kinh phí, mặc dù có rất đông học sinh Việt trong học khu. Để con có thể nói tiếng Việt ở nhà, các gia đình ở đây đưa con đến học các lớp dạy tiếng Việt được mở tại những ngôi chùa trong vùng.
Khi Ban lãnh đạo ARUSD đề nghị với Hiệu trưởng Le Tran của Trường tiểu học Ben Painter mở chương trình song ngữ tiếng Việt vào năm 2016, cô Le Tran đã chớp lấy cơ hội này. Cô Le Tran từng rất lúng túng khi nói tiếng Việt vì lớn lên ở Mỹ, nhưng giờ cô đang tham gia các lớp học tiếng Việt và học hỏi thêm từ những đồng nghiệp của mình.
“Chương trình này rất quan trọng. Tôi không muốn những đứa trẻ Việt sinh ra ở đây phải trải qua những khó khăn như tôi”, cô Le Tran bày tỏ. Cô hiệu trưởng này đã tuyển dụng một nhóm giáo viên của ARUSD, bao gồm cô Qui Pham, từng dạy ở VN và có bằng giảng dạy chương trình song ngữ, và cô Thu-Hong Tran, từng dành những ngày cuối tuần để dạy tiếng Việt tại chùa Đức Viên ở TP.San Jose trong suốt 2 thập niên qua.
Cả hai cô giáo trên đang giảng dạy hai lớp song ngữ tại Trường tiểu học Ben Painter. “Đó quả là một trải nghiệm tuyệt vời khi có thể đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng. Tôi rất vui mừng khi chương trình được mở cho con em người Việt”, cô Qui Pham chia sẻ.

Cầu nối văn hóa và kết nối gia đình

Đối với bà Bach Yen Pham, biết được chương trình song ngữ tiếng Việt trên là một “may mắn” đối với gia đình bà. Trước khi tham gia chương trình song ngữ, con trai của bà là Kenneth (4 tuổi) chỉ biết từ tiếng Việt là quả bơ. Trong vòng vài tuần sau khi nhập học, Kenneth đã biết đếm số bằng tiếng Việt và hát bảng chữ cái tiếng Việt. Bà Pham bộc bạch: “Tôi rất tin tưởng cô Tran. Chương trình không chỉ giúp những đứa trẻ tiếp tục cải thiện tiếng Việt, mà còn giúp những trẻ chưa từng có cơ hội học tiếng Việc lúc nhỏ”.
Đôi khi Kenneth hát thành lời các bài hát tiếng Việt ở nhà và trong những tuần gần đây, cậu bé thậm chí còn đọc được nhiều từ tiếng Việt. Nhưng đối với bà Pham, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi con trai bà lần đầu tiên thốt lên: “Con thương mẹ” bằng tiếng Việt. “‘Con thương mẹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con tôi nói được câu này. Đối với tôi, điều này còn hơn cả trúng số”, bà Pham hân hoan kể.
Sau một năm lên kế hoạch và xây dựng chương trình giảng dạy song ngữ với cộng đồng người Việt tại địa phương, các cô Thu-Hong Tran và Qui Pham vẫn đang tìm cách cải thiện chương trình song ngữ này. Bất chấp những thách thức từ dịch Covid-19 trong năm nay, các giáo viên thuộc Trường tiểu học Ben Painter đã tìm cách để triển khai chương trình giảng dạy từ xa. Để giữ cho học sinh của mình thích thú việc học, cô Qui Pham đã lồng thêm phần vũ đạo vào các bài hát tiếng Việt mà cô dạy, trong khi cô Thu-Hong Tran tích cực nhắn tin hướng dẫn phụ huynh các cách giúp con họ luyện tiếng Việt tại nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.