Hội nghị năm nay có sự tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay, với 21 nhà lãnh đạo thành viên G20, 19 khách mời và 15 tổ chức quốc tế chủ chốt.
Hình mẫu thành công xóa đói nghèo
Hội nghị mở đầu với Lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo. Tại đây, Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định "xóa đói giảm nghèo không chỉ bảo đảm công bằng xã hội mà chính là điều kiện cốt lõi để xây dựng xã hội thịnh vượng và thế giới hòa bình", đồng thời, công bố danh sách các nước sáng lập Liên minh, trong đó có VN.
Các nhà lãnh đạo đã thảo luận nhằm thúc đẩy nhiều giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp để triển khai những dự án xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển bền vững hiệu quả hơn. Hỗ trợ các nước đang phát triển tận dụng tốt hơn các cơ hội phát triển số, xanh và thông minh. Cạnh đó là tầm quan trọng phải giải quyết bất bình đẳng về giới tính, sắc tộc, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế, bao gồm người bản địa và phụ nữ, để giảm khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước cần có quyết tâm chính trị cao hơn, nguồn lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn cho các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn. Theo người đứng đầu Chính phủ VN, xóa đói nghèo không chỉ có ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là một trong những nền tảng quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định trên toàn cầu.
Thủ tướng đã nêu bật những thành tựu của VN như một hình mẫu thành công trong xóa đói giảm nghèo. Từ một nước nghèo đói, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau gần 40 năm chiến tranh, 30 năm bị bao vây cấm vận, với đường lối đổi mới, VN đã đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, đi đôi với khắc phục thiếu hụt về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, môi trường sống.
Nhờ đó, VN đã về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 58% vào đầu những năm 1990 xuống khoảng 1,9% năm 2024. VN đã vươn lên thuộc nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhất là lúa gạo. Thủ tướng khẳng định VN sẽ xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025, về đích trước 5 năm so với mục tiêu đề ra.
Từ kinh nghiệm VN, Thủ tướng đã chia sẻ với các nước 3 bài học kinh nghiệm trong xóa đói giảm nghèo: không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Coi trọng an ninh lương thực và xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; lấy con người làm trung tâm, chủ thể ưu tiên đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, thành công của VN trong các chương trình giảm nghèo được nhiều tổ chức quốc tế công nhận và đánh giá cao. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo cùng cực ở VN đã giảm từ 45% năm 1992 xuống chỉ còn 1% hiện nay. Còn theo nghiên cứu của UNDP và Sáng kiến Nghèo đói và Phát triển con người của Oxford, VN là một trong 25 quốc gia đã giảm 50% chỉ số nghèo đa chiều (MPI).
Bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu
Thủ tướng đã đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu. Thứ nhất là bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm. G20 cần phát huy vai trò đi đầu trong bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, không chính trị hóa khoa học - công nghệ, các vấn đề phát triển, nhất là thương mại, nông nghiệp và an ninh lương thực.
Thứ hai là bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài. Thủ tướng kêu gọi G20 cần tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính ưu đãi, quản trị thông minh cho các nước chậm và đang phát triển trong chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững và hỗ trợ bảo đảm các chuỗi cung ứng lương thực cho các nước thu nhập thấp.
Thứ ba, bảo đảm đầu tư cho con người, lấy GD-ĐT, an sinh xã hội làm nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực cho phát triển bền vững; ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách thiết thực, khả thi, hiệu quả cho xóa đói, giảm nghèo, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Dẫn đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đoàn kết là sức mạnh vô địch", Thủ tướng khẳng định VN cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế chặt chẽ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung xây dựng một thế giới không còn đói nghèo lâu dài, một thế giới bền vững. VN sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với các nước G20 và các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình Nam - Nam và 3 bên về bảo đảm an ninh lương thực, chống đói nghèo toàn cầu.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự phiên thảo luận "Cải cách các thể chế quản trị toàn cầu". Trong Năm Chủ tịch G20, Brazil đã đưa ra Lời kêu gọi hành động về cải cách quản trị toàn cầu, đây là văn kiện đầu tiên do G20 thúc đẩy và mở cho tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tham gia. VN là một trong những nước đang phát triển tiên phong ủng hộ lời kêu gọi, góp phần thúc đẩy cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu bình đẳng và hiệu quả hơn.
Thủ tướng gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ
Trong khuôn khổ G20, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế lớn. Tại cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng khẳng định phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của VN.
Ông Tập Cận Bình cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Chính phủ hai nước thời gian qua và mong muốn tiếp tục có các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các thỏa thuận và nhận thức chung giữa hai bên. Tăng cường hợp tác thực chất, trước nhất là trong xây dựng 3 tuyến đường sắt kết nối hai nước.
Gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự ủng hộ của ông Biden với sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Thời gian tới, dù trên cương vị nào, mong Tổng thống Joe Biden cũng ủng hộ và đóng góp thiết thực cho quan hệ song phương. Ông Biden khẳng định Thủ tướng là một người bạn tốt của Mỹ và khẳng định luôn ủng hộ cho mối quan hệ Mỹ - Việt không ngừng phát triển.
Đề nghị Nhật Bản, Hàn Quốc cung cấp ODA quy mô lớn
Trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho VN, có các chính sách nâng cao chất lượng, điều kiện sống, làm việc cho cộng đồng người VN tại Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tiếp tục cung cấp ODA quy mô lớn, điều kiện ưu đãi, giúp VN phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch đạt 100 tỉ USD vào năm 2025 và 150 tỉ USD vào năm 2030.
Với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định VN khuyến khích các dự án đầu tư lớn của Ấn Độ trong các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng giao thông vận tải, logistics, công nghệ cao, dầu khí, năng lượng tái tạo…
Bình luận (0)