Nở rộ liên kết đại học ở địa phương khác

23/11/2018 07:03 GMT+7

Đang có tình trạng UBND TP.HCM liên tiếp kiến nghị với Bộ GD-ĐT cho các trường cao đẳng, trung cấp tại thành phố thực hiện liên kết đào tạo với một số trường đại học địa phương khác dù nguồn nhân lực chủ yếu phục vụ cho TP.HCM và các trường đại học tại đây đang có thế mạnh về những ngành này.

Trường xa…dễ liên kết hơn !
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM (một trường đang được UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cho liên kết với Trường ĐH Đại Nam), cho biết: “Sở dĩ chúng tôi xin liên kết với những trường xa là vì các trường ở TP.HCM khó hơn. Đối tượng mà chúng tôi hướng đến là những học sinh tốt nghiệp không đậu ĐH hoặc học trung cấp trong và ngoài trường đã tốt nghiệp đi làm, nay muốn học liên thông để lấy bằng ĐH. Theo quy định liên kết thì trường ĐH sẽ chủ trì còn trường trung cấp chúng tôi chỉ phối hợp về cơ sở vật chất, chỗ ở cho giảng viên bay từ Hà Nội vào”.
Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Nam Cần Thơ cho biết lý do quan trọng để trường ĐH này thực hiện liên kết đào tạo với Trường CĐ Miền Nam (TP.HCM) bởi hai trường này cùng một… chủ. Do đó, việc thực hiện liên kết giữa 2 trường sẽ dễ dàng hơn…
Theo đại diện Trường ĐH Nam Cần Thơ, việc liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học ngành quan hệ công chúng với Trường CĐ Miền Nam thực hiện vì nhu cầu người học tại TP.HCM. “Việc giảng dạy sẽ triển khai tại Trường CĐ Miền Nam nhưng đội ngũ chúng tôi mời giảng viên thỉnh giảng từ Hà Nội, TP.HCM và cả từ Trường ĐH Nam Cần Thơ”, người này nói thêm.
Lý giải về việc tại sao liên kết với trường ngoài công lập ở tỉnh, liệu có phải việc thi cử dễ dàng hơn không, tiến sĩ Trần Mặc Khách, Hiệu trưởng Trường trung cấp Mai Linh, cho rằng vì đa phần các trường ĐH tại TP.HCM không còn chỉ tiêu trong khi các trường ở tỉnh còn nhiều.
Tuy nhiên, đại diện một trường ĐH công lập lớn lại khẳng định: “Không có chuyện trường chúng tôi không có nhu cầu đào tạo liên kết mà do các trường không có đề nghị. Chỉ cần UBND TP.HCM có nhu cầu đặt hàng đào tạo, trường sẽ đồng ý triển khai và đảm bảo chất lượng”.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH khác tại TP.HCM nói: “Nhiều ngành được đề xuất liên kết đào tạo với địa phương hiện đang được đào tạo phổ biến tại các trường ĐH tại TP.HCM. Nếu đề xuất này về một ngành nghề mà TP.HCM chưa có, đang trong thời gian thí điểm hoặc có nhưng trường của thành phố không thể đáp ứng kịp thì mới hợp lý”.
Để trường trung cấp thuận lợi hơn trong tuyển sinh
Hàng loạt kiến nghị liên kết với trường địa phương
Đầu tháng 11 vừa qua, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT chấp thuận cho Trường CĐ Miền Nam liên kết với Trường ĐH Nam Cần Thơ đào tạo trình độ ĐH hệ vừa làm vừa học ngành quan hệ công chúng. Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM liên kết với Trường ĐH Đại Nam đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH các ngành: dược, kế toán, công nghệ thông tin và đào tạo văn bằng 2 các ngành ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh. Trường trung cấp Mai Linh liên kết với Trường ĐH Trà Vinh đào tạo ngành luật, điều dưỡng…
Theo ông Nguyễn Văn Sáng, liên kết với trường ĐH để đào tạo sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh cho trường do nhu cầu của người học trung cấp muốn lấy bằng ĐH là rất cao.
Trong khi đó, Trường trung cấp Mai Linh cũng đang được UBND TP.HCM kiến nghị Bộ cho liên kết với Trường ĐH Trà Vinh. Tiến sĩ Trần Mặc Khách thông tin: “Trường đang xin phép liên kết ngành luật, điều dưỡng. Nếu được chấp thuận, trường sẽ tuyển sinh và đào tạo tại trường và giảng viên Trường ĐH Trà Vinh sẽ về dạy. Vì là hệ vừa làm vừa học nên được phép đào tạo ngoài cơ sở chính của trường ĐH”.
Ông Khách cũng cho rằng trước tình hình tuyển sinh trung cấp hết sức khó khăn, việc liên kết với trường ĐH sẽ giúp cho trường thu hút thí sinh hơn vì giúp người học có thêm cơ hội lấy bằng ĐH ngay tại trường sau khi tốt nghiệp trung cấp.
Trước thực trạng này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng nhà nước nên có lộ trình quy hoạch lại và đầu tư để phát triển các trường trung cấp, giúp họ đủ tiềm lực để đào tạo tốt bậc trung cấp, hơn là để các trường phải loay hoay tìm cách tồn tại bằng cách liên kết đào tạo.
Lo ngại chất lượng và nhu cầu mất cân đối
Mặc dù đại diện các trường trung cấp khẳng định sẽ tổ chức thi đầu vào theo quy định nhưng nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo theo kiểu liên kết sẽ khó đảm bảo.
Ông Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), chia sẻ: “Thông thường chúng tôi chỉ tuyển dụng nhân sự từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp đào tạo cấp bằng chính quy. Kinh nghiệm cho thấy những trường uy tín, đào tạo ngành y lâu năm thì chất lượng đảm bảo hơn. Trước đây, Bệnh viện Nguyễn Trãi chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH đào tạo y dược ở TP.HCM, nhưng 3 năm nay có mở rộng tuyển cả người tốt nghiệp các trường tỉnh.
Tuy nhiên không phải sinh viên học y ở trường tỉnh nào cũng đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, các chương trình liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học hoặc liên thông, lại tổ chức ở các trường trung cấp, tôi lo ngại chất lượng sẽ khó đảm bảo vì ngành y là ngành đặc thù nên có những yêu cầu khắt khe về cả chuyên môn lẫn đạo đức”.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn cho rằng những ngành nghề như dược, điều dưỡng, công nghệ thông tin, luật, sư phạm mầm non… thì thị trường lao động tại TP.HCM và các tỉnh lân cận luôn luôn cần, vấn đề là đào tạo có đạt chất lượng hay không. “Hơn nữa, theo dự báo thì trình độ CĐ, trung cấp đang thiếu nhân lực trong khi ĐH thì không thiếu. Vậy việc liên kết để đào tạo trình độ ĐH có phù hợp hay không hay lại làm cho thị trường lao động mất cân đối thêm?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.