Nồi bánh chưng phố thị

Thúy Hằng
Thúy Hằng
03/02/2019 17:54 GMT+7

'Bây giờ tết nhất chẳng thiếu gì, nhưng bố mẹ tôi vẫn duy trì phong tục gói bánh chưng mấy chục năm qua. Bố nói, gói là gói kỷ niệm, để sau này các con nhớ về cội nguồn, gia đình'.

Chị Nguyễn Thu Hà, 35 tuổi, làm ở phòng khám Hạ Long, trú ở phố Bạch Đàn, TP Hạ Long, Quảng Ninh tất bật rửa rồi cắt lá dong, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt chiều 27 tết. Buổi tối, bố chồng chị phụ trách gói, các con và cháu quấn quýt ngồi xung quanh, mỗi người một tay một chân, người gấp lá, người đưa lạt, người xếp bánh vào nồi. Chúng ríu rít bảo “ông ơi, ông gói cho cháu một chiếc bánh chưng bé nhé”.
Sáng 28 tết, các con còn đang ngủ say, bố mẹ chị đã dậy sớm nhóm lửa, bắc nồi bánh. Đến 6 giờ đã thấy mùi khói thơm ngan ngát trong không khí. Đúng 6 giờ tối thì vớt bánh, rồi ép bằng tấm gỗ lớn để bánh ráo nước, phẳng lại, đến hôm sau thì tặng cho mỗi người vài chiếc, gọi là bánh nhà làm, để thờ cúng tổ tiên, bày tỏ tấm lòng.
“Tôi về làm dâu 6 năm nay, năm nào nhà cũng gói bánh. Cứ đến gần tết, trong nhà ngoài ngõ xôn xao, ai cũng hỏi nhà tôi bao giờ gói bánh chưng để sang xem cho vui. Nhiều nhà hàng xóm của tôi bỏ tục lệ gói bánh chưng cả chục năm nay, lâu dần, con cái họ cũng chẳng biết thế nào là một chiếc bánh chưng truyền thống cần những nguyên liệu gì, gói ra sao, tượng trưng cho điều gì”, chị Hà nói.
Rửa lá dong...
Chiếc bánh chưng xanh gói ghém những mong ước một năm mới đủ đầy, mọi thứ vuông tròn Thúy Hằng
Chị xúc động: “Bây giờ tết nhất chẳng thiếu gì, ra siêu thị một cái là mua đủ thứ nhưng bố mẹ tôi vẫn duy trì phong tục gói bánh chưng mấy chục năm qua. Bố nói, gói là gói kỷ niệm, để sau này khi bố chết đi các con cũng nhớ về cội nguồn, gia đình”.
Năm nay, anh Nguyễn Mạnh Trường, 32 tuổi, trú phố Anh Đào, TP.Hạ Long thì cùng nhà hàng xóm gói bánh chưng tối 28 tết. Cha của anh Trường biết gói bánh chưng đã lâu năm, một số năm trước do gia đình quá bận rộn không thể làm nghi thức này chờ năm mới nhưng năm nay, các con của anh Trường đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi đều đi nhà trẻ và hỏi ông bánh chưng là gì, họ quyết định chung nhau làm một nồi bánh.
“Lúc chuẩn bị gói bánh và chờ bánh chín là lúc vui hơn cả. Trong tiết trời lạnh giá, mọi người có thể vùi vào bếp ít khoai, ngô rồi rôm rả nói câu chuyện vui. Tôi còn nhớ những ngày rất bé, rất khó khăn, có chiếc bánh chưng ăn tết là háo hức thèm thuồng vô cùng, chỉ chờ lúc bố cho phép mở lạt, bóc ra, xắn mỗi người một góc nhỏ, ăn với dưa hành muối…”, anh Trường bồi hồi.
Chị Minh chuẩn bị mọi nguyên liệu, lần đầu tự tay gói bánh chưng
Khoảnh khắc chờ bánh chín là ngóng trông hơn cả Thúy Hằng
Trong khi đó, tết này với chị Đinh Hồng Minh, 39 tuổi, trú khu đô thị An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội khá đặc biệt khi lần đầu tiên chị gói bánh chưng cùng đại gia đình của mình tại ngay căn hộ mới chuyển tới.
Chị Minh bảo: “Tôi chưa hề biết gói bánh, một tuần trước khu tôi ở nhiều nhà hàng xóm đã rục rịch gói bánh, tôi sang chung vui, 'xin' một chân cắt lá nhưng sau đó thiếu người gói, thế là tôi xem rồi học, gói luôn. Không ngờ, tối qua tôi đã tự tay gói được hơn 20 chiếc bánh rất ưng ý. Không khí cả nhà ngồi quây quần với nhau, nói đủ chuyện xưa nay bên chiếc bánh chưng mới quý giá, hơn bất kỳ điều gì...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.