“Khi công tác ở Trường Sa trở về, tôi mang về và đặt lên bàn học con trai mình viên đá san hô Trường Sa. Cháu có nhiều lần hỏi: “Ba mang đá san hô về để làm gì và sao lại đặt trên bàn của con?”. Thật sự, tôi luôn cười và chưa trả lời hết nỗi niềm của mình với cháu, chỉ nói rằng: “Nó là quà Trường Sa ba tặng cho con”. Tuy nhiên, với tôi, tôi muốn gửi đến đứa con thân yêu của mình một thông điệp mà nó chỉ gói gọn trong hai từ: Trường Sa. Mỗi tối ngồi dạy con học, nhìn viên đá san hô đó - nó như kim chỉ nam nhắc nhở tôi sống sao cho xứng đáng với những người đồng chí - đồng đội của mình còn đang ở Trường Sa”.
Đó là lời tâm sự của một bác sĩ trẻ vừa trở về từ Trường Sa mà anh đề nghị không cần nêu tên vì lý do trong những năm qua, nhiều bác sĩ của Bệnh viện 175 (TP.HCM, thuộc Bộ Quốc phòng) vẫn đang khoác áo blouse và áo lính nơi biển đảo, vì vậy, Trường Sa là câu chuyện chung của rất nhiều bác sĩ chứ không chỉ riêng của anh.
Sẵn sàng ra khơi
Từ năm 1992, Bệnh viện 175 được Bộ Quốc phòng chỉ đạo đảm bảo hệ thống quân y của đảo Trường Sa Lớn. Bệnh xá trên đảo Trường Sa Lớn được xây dựng và được xem như là cơ sở y tế “tuyến đầu” của huyện đảo Trường Sa. Đã 21 năm qua, mỗi năm 2 đợt, từng đoàn các bác sĩ của Bệnh viện 175 từ đất liền lại luân phiên ra công tác ngoài đảo một năm mới trở về.
|
“Hơn 20 năm nay, khi đưa các bác sĩ, cán bộ y tế ra đảo, tôi chưa thấy ai thoái thác công tác ở Trường Sa. Đó là nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào của người quân y”, đại tá, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện 175, nói.
Thế nên, hiện nhiều bác sĩ, quân y vẫn đang công tác tại Trường Sa, sẵn sàng xa vợ con, gia đình. Bác sĩ Phan Đình Mừng ra Trường Sa làm nhiệm vụ 10 tháng nay, lúc anh đi con gái chỉ mới được 9 tháng. Giờ con đã gần hai tuổi, biết đi, biết nói mà vẫn chưa được gặp cha. Bác sĩ Nguyễn Văn Lành ra đảo khi con chỉ vừa chào đời được 20 ngày. Bác sĩ Ngô Đức Nhật, nhận công tác tại Trường Sa khi vợ có thai đến tháng thứ 8. Vì vậy, bé con đầu lòng của anh chị ra đời sau hơn một tháng anh xa nhà và người bố này chỉ mới thấy mặt con qua hình, chứ chưa được ẵm bồng bé.
|
Đại tá, bác sĩ Phạm Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện 175, một trong những bác sĩ ra Trường Sa làm việc trong những năm đầu thành lập bệnh xá, kể: “Khi bắt đầu một năm công tác ở Trường Sa thì con chỉ mới được 3 tuổi. Đến khi mình về thì con còn lớ ngớ, chỉ kêu bố chứ vẫn chưa nhận ra khi thấy bố rất lạ vì bố đen, khoác ba lô và mặc áo lính”.
Bác sĩ phải... đa khoa
Ban giám đốc Bệnh viện 175 cho biết, bệnh xá đảo Trường Sa Lớn hiện nay luôn duy trì 6-10 quân y (gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê hồi sức). Khi làm việc tại Bệnh viện 175, cũng như các bệnh viện trên đất liền, các bác sĩ mỗi người một chuyên khoa. Thế nhưng, khi ra Trường Sa, một bác sĩ phải đa khoa. Vì vậy, trước khi nhận nhiệm vụ ngoài đảo, các bác sĩ đều được tập huấn chuẩn bị trước đó 2-3 tháng, “đi tour” làm việc tại đủ các chuyên khoa trong bệnh viện để “ôn luyện” thực hành.
“Ở Trường Sa cũng không có khái niệm “Kính chuyển”. Nếu như ở các bệnh viện trong đất liền, bệnh nhân nặng, ngoài chuyên khoa sâu của mình thì bệnh viện tuyến dưới có thể chuyển lên tuyến trên, bệnh viện đa khoa có thể chuyển qua chuyên khoa sâu hơn. Thì ở Trường Sa, mọi nhiệm vụ các y bác sĩ phải bằng mọi cách, mọi nỗ lực xoay sở để hoàn thành”, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 175, nhận nhiệm vụ Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn từ ngày 16.4.2010 - 28.5.2011, kể.
Thế mới có chuyện, bác sĩ trên đảo vừa chữa bệnh cho người lớn, trẻ em từ nóng sốt, đau đầu, đau bụng đến mổ ruột thừa và đặc biệt là “đỡ đẻ” và kiêm luôn nhiệm vụ… thú y.
|
Mặc dù Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã được trang bị thêm nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X-quang, máy xét nghiệm sinh hóa… nhưng cũng không thể đầy đủ như ở bệnh viện trong đất liền. Thế nên mỗi ca bệnh nặng, khó, hầu như các bác sĩ đều thay phiên túc trực theo dõi bệnh nhân.
Thời gian qua, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã giải quyết được cơ bản các vấn đề cấp cứu nội ngoại khoa, đã có rất nhiều ca cấp cứu thành công như mổ viêm ruột thừa, chấn thương do tai nạn lao động trên ngư trường, có ca bệnh nhân bị ngưng tim, suy hô hấp do thay đổi nhiệt độ dưới hầm tàu cá, sốt xuất huyết bội nhiễm, chảy máu dạ dày… Đặc biệt phẫu thuật, hội chẩn qua truyền hình trực tuyến với Ban giám đốc, các bác sĩ tại Bệnh viện 175. Trong đó, ca sinh mổ đầu tiên của thai phụ có bệnh lý đi kèm, ở ngoài đảo Trường Sa, đã được các bác sĩ “đỡ đẻ” thành công, với sự hội chẩn trực tuyến từ các bác sĩ Bệnh viện 175 ở đất liền.
Không chỉ làm chuyên môn y tế, các bác sĩ mặc áo lính cũng luyện tập chiến đấu, tăng gia sản xuất mỗi ngày như tất cả những người lính đảo khác.
Rèn y đức từ sóng gió
Đã 19 năm qua kể từ khi bác sĩ Hải trở về từ Trường Sa nhưng ấn tượng, kỷ niệm và những bài học trong thời gian làm việc ngoài đảo vẫn còn in đậm. “Bệnh xá lúc đó là một căn nhà gỗ, nền xi-măng, mái tôn xi-măng phi-rô và trên đảo Trường Sa Lớn vẫn còn đang xây dựng cầu cảng. Thời đó, không có liên lạc điện thoại cá nhân, chỉ có liên lạc quân sự. Ở đảo, chỉ có thể liên lạc với đất liền qua thư tay và mấy tháng mới có tàu ra vô, có thư một lần”, bác sĩ Hải kể.
Với các bác sĩ, Trường Sa khắc nghiệt bởi cái nóng. Ngồi trong nhà cũng nóng, ra ngoài cũng nóng, gió cũng nóng. Đến giờ vẫn thế, các y bác sĩ trên đảo trong khi phẫu thuật, khám, mặc áo blouse, áo phẫu thuật cũng đều ướt đẫm mồ hôi vì nóng.
|
Sự khắc nghiệt của Trường Sa ấn tượng trong tâm trí bác sĩ Hà Ngọc là “trong những ngày tháng cuối năm 2010, mưa bão liên miên, ba tuần liền, chúng tôi chưa thấy được mặt trời, giữa nơi muôn trùng sóng gió, biển động, mưa dầm, gió lớn…, tất cả các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa - nơi tôi đang công tác - đang ngày đêm vật lộn trong mưa bão, khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện thiếu thốn, tuần tra, canh gác để bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương, nhìn các đồng đội của mình bốn ngày dầm mình ướt lạnh mà tôi chạnh lòng”.
Thế nhưng, với các bác sĩ, quân y, kinh nghiệm quan trọng nhất khi ra đảo là được cọ xác thực tế, rèn luyện tư tưởng sống và mới thấu hiểu hết được những vất vả, khó khăn của người dân, người lính nơi đây.
“Ở đảo, tôi mới thấu hiểu sâu sắc thế nào là “đơn vị”, tình đồng chí, đồng đội để khi trở về đất liền mình thấy phải có trách nhiệm hơn với cương vị của mình - là một bác sĩ quân y, không chỉ trong chuyên môn mà còn trong cách sống. Đó là thời gian công tác rất có ý nghĩa và môi trường rèn luyện rất tốt. Bác sĩ trẻ nên đi để rèn luyện, thấu hiểu người dân, bệnh nhân, nhiều hoàn cảnh khổ thế nào để có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp - đặc biệt là nghề y”, bác sĩ Phạm Thanh Hải nói.
Viên An
>> Mổ trực tuyến ca sinh khó ở Trường Sa
>> Gặp lại Trường Sa, nhớ về Gạc Ma
>> Ngư dân Cà Mau mở rộng ngư trường đến Trường Sa
>> Gặp gỡ Hoàng Sa, Trường Sa
>> Gửi xuân đất liền ra biển đảo quê hương
>> Bác sĩ trẻ tình nguyện về bệnh viện nghèo
Bình luận (0)