Nội bộ OPEC ‘khẩu chiến’ vì giá dầu giảm

24/11/2015 13:11 GMT+7

Giá dầu giảm mạnh vừa thổi bùng ngọn lửa bất hòa giữa Ả Rập Xê Út và các nước khác yếu thế hơn trong nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Giá dầu giảm mạnh vừa thổi bùng ngọn lửa bất hòa giữa Ả Rập Xê Út và các nước khác yếu thế hơn trong nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem El-Badri (bìa trái), Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi (bìa phải) và Bộ trưởng Năng lượng và công nghiệp Qatar Mohammed Bin Saleh al-Sada - Ảnh: ReutersTổng thư ký OPEC Abdalla Salem El-Badri (bìa trái), Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi (bìa phải) và Bộ trưởng Năng lượng và công nghiệp Qatar Mohammed Bin Saleh al-Sada - Ảnh: Reuters
Theo CNN, một cuộc “khẩu chiến” giữa Ả Rập Xê ÚT - quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong OPEC - và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác nhỏ hơn vừa nổ ra. Các nước nhỏ mong muốn OPEC mau chóng cắt giảm sản lượng để nâng giá thành dầu thô vốn đang ở mức rất thấp, nhằm vực dậy nền kinh tế đã và đang gặp khó khăn của họ.
Là nhà sản xuất hàng đầu, Ả Rập Xê Út có tiếng nói lớn trong OPEC. Nước này đang đặt cược vào chuyện có thể gây sức ép lên các nhà sản xuất Mỹ bằng cách giữ giá dầu thấp. Như thế, Ả Rập Xê Út có thể giành lại thị phần đã mất vào tay giới sản xuất dầu của Mỹ trong thời gian qua.
10 năm trước, Ả Rập Xê Út là nước sản xuất dầu mỏ số một thế giới với sản lượng gần gấp đôi Mỹ. Song trong những năm gần đây, cuộc cách mạng đá phiến sét đã định hình lại cục diện ngành năng lượng thế giới. Mỹ đang sản xuất dầu thô ở mức ngang với Ả Rập Xê Út. Nguồn cung ồ ạt từ Mỹ đã đẩy giá cả từ hơn 100 USD/thùng vào giữa năm 2014 xuống chỉ còn khoảng 40 USD/thùng hiện nay.
Giá dầu giảm làm tổn thương đặc biệt đến các nước có sức ảnh hưởng nhỏ hơn trong OPEC như Algeria, Angola, Ecuador, Nigeria và Venezuela. Đến nay, mọi nỗ lực kêu gọi Ả Rập Xê Út thay đổi chiến lược của các nước này vẫn chưa có kết quả.
“Nội bộ OPEC chưa bao giờ bị chia cắt hơn thế”, nhà phân tích Fadel Gheit thuộc hãng Oppenheimer, người theo sát thị trường dầu mỏ trong 35 năm qua cho biết.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela cảnh báo rằng giá dầu có thể hạ xuống đến 25 USD/thùng, nếu OPEC không hành động nhanh. Algeria kêu gọi mức giá sàn cho dầu mỏ, trong khi Bộ trưởng Dầu mỏ của Ecuador khẳng định cách duy nhất để cân bằng thị trường là cắt giảm sản lượng.
Gần đây, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria Muhammad Sanusi II thẳng thắn lên tiếng cho rằng quyết định “làm ngập” thị trường của Ả Rập Xê Út là một sai lầm. “Điều đó chẳng giúp cho Ả Rập Xê Út, cũng chẳng giúp được cho ai”, ông nói.
Tất cả thành viên tỏ ra gay gắt trong vấn đề sản lượng của các nước thành viên OPEC đang chuẩn bị cho cuộc họp có thể sẽ căng thẳng vào ngày 4.12 sắp tới tại Vienna (Áo). Ít người nghĩ rằng Ả Rập Xê Út chịu xuôi theo ý các nước khác và dự đoán về một cuộc “khẩu chiến” giữa các nước thành viên.
Một nguồn tin từ Ả Rập Xê Út cho hay nước này sẽ không có bất cứ động thái nào nếu Nga tiếp tục bơm khoảng 11 triệu thùng mỗi ngày và Iraq từ chối chấp nhận hạn ngạch sản xuất của OPEC. Các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập Xê Út, không muốn chia thêm miếng bánh thị phần cho Mỹ, Nga và một số nước đối thủ trong OPEC.
“Tất nhiên, đó là một nguy cơ”, Philipp Chladek, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, người quan sát ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi nói. OPEC có thể tan rã vì mâu thuẫn nội bộ trên.
Mức giảm 60% trong giá dầu đã thổi bay 500 tỉ USD trong doanh thu của OPEC một năm qua, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ả Rập Xê Út và các láng giềng giàu có như Qatar, Kuwait có đủ khả năng tài chính để chịu đựng những thùng dầu giá rẻ, ít nhất là trong vài năm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.