Nối Cần Giờ - Vũng Tàu - Gò Công thành hành lang ven biển mới

21/02/2023 08:29 GMT+7

Nối liền 3 trung tâm Cần Giờ - Vũng Tàu - Gò Công sẽ tạo hành lang ven biển mới, rút ngắn khoảng cách từ Vũng Tàu về Mỹ Tho, còn một nửa đưa miền Tây về gần với Vũng Tàu.

 Rút ngắn đường từ miền Tây tới Vũng Tàu 

Hiện nay, từ Mỹ Tho sang Vũng Tàu phải đi vòng qua Bến Lức - An Lạc - An Sương - Biên Hòa - Vũng Tàu mất hơn 200 km, trong khi đi tắt qua Cần Giờ chỉ có 80 km. Cự ly vận tải chỉ còn 40%, tiết kiệm được 60% thời gian và chi phí vận tải.

Đưa cảng biển Cần Giờ về thời hoàng kim:Đột phá kinh tế toàn vùng - Ảnh 1.

Trong lịch sử, Cần Giờ đã từng là một cảng biển viễn dương nổi tiếng trên đường hàng hải Á - Âu

T.N

Xe nhỏ cũng có thể đi tắt theo vòng nhỏ hơn từ Mỹ Tho lên An Lạc qua hầm Thủ Thiêm lên Thủ Đức theo đường ô tô cao tốc qua Long Thành, gần thêm một chút. Tuy nhiên, tuyến này phải đi qua trung tâm TP.HCM và trung tâm TP.Thủ Đức, đang kẹt xe nặng. Đường ô tô cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang kẹt cứng vì lượng xe tải khủng của cảng Cát Lái. Trong khi không thể cho phép xe lớn từ miền Đông về Vũng Tàu đi theo tuyến này.

Nhiều người đang trông chờ một tuyến đường "cấp cứu" dang dở là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,1 km có 2 cầu lớn vượt qua luồng tàu biển viễn dương theo sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Tuyến này cũng phải đi vòng thúng theo 2 đoạn Mỹ Tho - Bến Lức - Long Thành và vẫn dài gần gấp đôi đoạn đi tắt Mỹ Tho - Cần Giờ - Vũng Tầu.

Tương tự, hiện nay, từ Mỹ Tho về Cần Giờ phải vòng lên An Lạc sang Nhà Bè, xuống Cần Giờ. Nếu làm xong tuyến đi tắt qua Gò Công sang Cần Giờ thì đường đi giảm còn 1/3. Từ Gò Công cũng phải ngược lên cầu Mỹ Lợi sang Bình Khánh - Nhà Bè xuống Cần Giờ. Nay, nếu có Cầu băng qua sông Soài Rạp sang Cần Giờ chỉ còn 1/4 đường.

Hiện từ Cần Giờ nhìn qua vịnh Gành Rái có thể thấy Vũng Tàu. Nhưng, muốn sang tới đó phải vòng lên Nhà Bè qua Long Thành rồi quành xuống Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu xây xong cầu vượt biển thì Cần Giờ sang Vũng Tàu chỉ còn 1/9 - 1/10 quãng đường dài.

Do tuyến đường nối thẳng Vũng Tàu - Cần Giờ - Mỹ Tho là đoạn đi tắt cho nên có hiệu quả khép kín vành đai, giảm bớt thời gian và chi phí vận tải khách và hàng. Từ đó tiết kiệm lớn cho xã hội, giảm bớt chi phí logistics trong hiện tại và tương lai, nhanh chóng thu hồi chi phí đầu tư.

Giảm áp lực kẹt xe, phát triển chuỗi đô thị vệ tinh

Tuyến đường đi tắt này gánh bớt áp lực lưu lượng dòng xe đường vành đai Bến Lức - Long Thành và mạng lưới toàn khu vực TP.HCM. Đồng thời, giảm bớt lượng xe băng qua rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ môi trường cân bằng sinh thái.

Một lượng hàng lớn thoát trực tiếp qua hướng đông - tây sẽ tránh khỏi dồn về theo hướng bắc, bớt tác động bất lợi cho lá phổi xanh của TP.HCM và giảm bất lợi cho rừng ngập mặn là khu vực bảo tồn thiên nhiên quý hiếm của Việt Nam.

Do lợi thế đi tắt có hiệu quả rất cao cho nên trục đường này cũng có tiềm năng rất lớn để "bán vé nuôi đường", nhanh chóng thu hồi vốn.

Ngoài ra, tuyến đường này sau khi hình thành sẽ thúc đẩy sự phát triển chuỗi đô thị và giao thông công nghiệp Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công - Mỹ Tho, trở thành chuỗi đô thị vệ tinh, góp phần giãn dân ra ngoại vi TP.HCM. Điều đó cũng giúp cho vùng đất Gò Công phát triển theo tầm cao mới.


Đưa cảng biển Cần Giờ về thời hoàng kim:Đột phá kinh tế toàn vùng - Ảnh 2.

Cảng biển Cần Giờ dần dần lụi tàn vì thiếu đường bộ chuyển tiếp vào nội địa

NGỌC DƯƠNG

Cần Giờ, Gò Công có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều di tích khảo cổ, sự tích từ thuở xa xưa đến chiến công hiện đại, có thể mở ra những tour khảo cứu và nghỉ dưỡng hấp dẫn. Nếu có đường thuận tiện để đến nơi và được tái hiện lại đúng tầm các sự tích thì nơi đây sẽ có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nguồn thu không kém những điểm du lịch nổi tiếng khác.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.