Ủng hộ quan điểm này nhưng các chuyên gia đều cho rằng việc quan trọng trước mắt là phải thông qua cơ chế DPPA.
Nghiên cứu thêm điện rác và sinh khối tham gia cơ chế DPPA
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cơ chế DPPA sẽ là thay đổi mang tính cách mạng, nhất là trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Luật Điện lực và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng đưa ra mục tiêu phát triển thị trường điện cạnh tranh với các nguồn khác nhau. Thế nên, Phó thủ tướng cho rằng cần tạo thêm nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo và đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu mở rộng với các nguồn sinh khối, điện từ rác…
Cùng thời điểm, Bộ Công thương cũng chuyển Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Tại bản dự thảo mới này, Bộ Công thương đã bỏ quy định điện mặt trời mái nhà đầu tư để sử dụng, thừa phát lên lưới sẽ được ghi nhận với giá 0 đồng, tôn trọng các hộ, tổ chức trong việc lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống. Nhưng dự thảo vẫn quy định "không bán điện vào hệ thống điện, không bán điện cho tổ chức cá nhân khác".
Nới cửa cho mua bán trực tiếp điện tái tạo
Theo Bộ Công thương, với cơ sở hạ tầng lưới điện của VN vẫn còn hạn chế, chưa thể bằng các nước phát triển như Mỹ, Úc, các quốc gia EU...; tỷ trọng năng lượng tái tạo của VN vào khoảng 33%, nếu tính cả thủy điện như một số nước thì tỷ lệ này khoảng 54%, đây là tỷ lệ quá cao đối với nước chưa phát triển, dễ mất an toàn, chi phí hệ thống tăng. Thế nên, nhà nước có thể không khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định hệ thống điện. Tuy nhiên, vẫn khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, "đầu tư để mua sự tiện ích" chứ không phải để kinh doanh.
Như vậy, với đề nghị mới nhất từ Phó thủ tướng, Bộ Công thương có thể tiếp tục nghiên cứu để 2.270 MW điện sinh khối, điện rác… trong Quy hoạch điện 8 có cơ hội tham gia cơ chế DPPA từ nay đến 2030.
Nên sớm có cơ chế mua bán trực tiếp
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình chỉ ra rằng dự thảo có nói đến các nguồn điện sinh khối (chưa đề cập điện rác), sóng biển… nhưng trên thực tế, có loại chưa có nguồn như sóng biển, thủy triều... "Việc bàn tính mở rộng thêm đối tượng tham gia cơ chế DPPA là câu chuyện tương lai. Như trong trình bày của Bộ Công thương, sau khi cơ chế được ban hành, vận hành trơn tru rồi, có thể tiếp tục xem xét, bỏ giới hạn hoặc giới hạn công suất thấp hơn so với quy định tại dự thảo là nguồn cung ứng của các nhà máy năng lượng gió, mặt trời tham gia cơ chế DPPA phải trên 10 MW nếu nối lưới.
Tương tự, đối tượng tham gia bán điện trực tiếp cũng sẽ được mở rộng sau này. Còn trước mắt, cơ chế DPPA nên sớm được thông qua. Mục đích là tạo thêm người mua trong thị trường điện cạnh tranh thay vì chỉ có Tập đoàn điện lực VN (EVN) và các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN như hiện nay. Vì có cơ chế DPPA rồi mới tạo cơ hội cho đầu tư phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo và từ đó tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đó mới là vấn đề lớn", ông Đình phân tích.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đào Nhật Đình: Giá FIT mua điện mặt trời và điện gió trước đây cũng là thí điểm trong bối cảnh nguồn thiếu trầm trọng. Nay nguồn năng lượng tái tạo được đầu tư mạnh mẽ chứng tỏ cơ chế này đã thành công. Với cơ chế DPPA cũng vậy, nên sớm được ban hành, bởi là mới nên cũng coi như thí điểm. Nhưng nếu không sớm có cơ chế, cứ bàn, sửa, bổ sung, chờ đến hoàn thiện thì biết bao giờ mới hoàn thiện được?
"Bởi trong thực tế, dự thảo cũng có một số lỗ hổng chưa được khắc phục như mua điện qua lưới, giao ngay để an toàn cho điều độ lưới điện. Đa số ủng hộ mua điện giao ngay, giá mua điện trực tiếp chắc chắn đắt hơn giá mua qua lưới, nhưng đắt hơn là bao nhiêu, giá truyền tải đến nay cũng chưa rõ ràng… Việc giá cả cứ để hai bên mua bán bàn tính sau. Quan trọng là có cơ chế đã, từ đó, nguồn điện tái tạo sẽ được tăng thêm một chút, giúp bổ sung vào nguồn đang thiếu và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong dân và doanh nghiệp…", ông Đình tỏ ra sốt ruột.
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cũng cho rằng có 2 mục đích liên quan cơ chế DPPA. Đó là khuyến khích doanh nghiệp dùng điện tái tạo nhiều hơn, tiến đến mục tiêu giảm phát thải ròng, để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… như quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. Thế nên, mong muốn của chuyên gia là cần có cơ chế mua bán điện trực tiếp được xây dựng dài hơi hơn, giảm dần sự phân biệt khách hàng lớn hay nhỏ, tăng nguồn điện tái tạo vào tham gia, không chỉ có điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, đây là cơ chế được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài mong đợi, đề xuất. Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt tiến đến thị trường mua bán điện cạnh tranh bắt buộc phải có. Vì vậy, "cơ chế DPPA cứ xem như thí điểm đã. Nếu tốt, bổ sung chưa muộn", theo ông Lâm.
Ngoài ra, các chuyên gia trong hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng VN (Hiệp hội Năng lượng VN) cũng đề cập một số ý kiến trước đây cho rằng các dự án thủy điện lớn cũng nên được cho phép tham gia cơ chế DPPA. Bởi thủy điện lớn có tính chất quan trọng quốc gia trong điều độ điện, là nguồn tích trữ để hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, giá điện bán lẻ có được giá thấp như hiện nay chính là nhờ các nhà máy thủy điện. Vì tầm quan trọng quốc gia, nên dù nhiều doanh nghiệp muốn mua thủy điện trực tiếp với giá cao hơn giá thủy điện đang cấp lên lưới hiện nay, nhưng nhà nước không nên cho phép thủy điện lớn bán điện trực tiếp.
Theo Bộ Công thương, khách hàng sử dụng điện lớn với ngưỡng bình quân 500.000 kWh/tháng có thể tham gia cơ chế DPPA, là phù hợp với năng lực cung cấp điện năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời hiện nay. Số này khoảng 3.021 khách hàng dùng điện, chiếm 30,2% tổng tiêu thụ điện của 5 tổng công ty phân phối điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội và TP.HCM. Theo tính toán riêng của chuyên gia Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), 500.000 kWh/tháng là hợp lý với hệ thống điện hiện có của VN, sẽ không gây rủi ro cho điều độ điện. Nếu cho phép khách hàng ở mức 200 kWh/tháng tham gia sẽ gây rủi ro cho an toàn lưới điện, vì tỷ lệ năng lượng tái tạo quá cao không điều độ được. Còn mức 1 triệu kWh/tháng thì sẽ có quá ít doanh nghiệp có thể tham gia cơ chế DPPA.
Bình luận (0)