Năm 2000, tôi thi rớt 2 trường ĐH và 1 trường CĐ sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tôi buồn chán và thất vọng cùng cực.
Nỗi buồn như nhân lên khi tôi là một trong những học sinh được kỳ vọng sẽ đậu ĐH ở cái trường phổ thông duy nhất của huyện nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk. Thời đó, mỗi năm trường tôi có rất ít học sinh đậu ĐH. Hình ảnh tôi nhớ nhất thời điểm ấy là có lúc ngẫu nhiên bắt gặp ba tôi ngồi trầm tư hút thuốc giữa khuya. Đốm thuốc cháy lập lòe trong đêm. Tôi biết ông buồn vì kỳ vọng vào tôi quá nhiều. Năm lớp 5, tôi là học sinh đầu tiên của huyện có mặt trong đội tuyển thi quốc gia của tỉnh. Những năm sau đến hết phổ thông, tôi cũng được giải thi học sinh giỏi liên tục. Sau đó, tôi khăn gói xuống Quy Nhơn ôn thi. Đốm thuốc của ba tôi, với tôi là một trong những động lực. Ông nguyện bỏ thuốc khi tôi đậu ĐH dù đã hút liên tục từ năm 17 tuổi. Tôi may mắn đậu vào ngành báo chí và ba tôi bỏ thuốc đến tận bây giờ.
tin liên quan
Học sinh lớp 9 tại TP.HCM nhảy lầu tự tử vì điểm kémXuất phát từ việc bị 3 điểm môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào, một học sinh lớp 9 đã bị trầm cảm kéo dài và đã nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.
Vì sao ư? Ai biết rõ hơn câu chuyện ấy mới hiểu anh cùng vợ đã chiến đấu cùng bệnh trầm cảm của con đến giây phút cuối cùng như thế nào. Có thể em đã trầm cảm trước đó nhưng không phát hiện được. Nhưng đến khi em bị điểm kém là lúc tình hình bất ổn rõ ràng nhất. Những ngày sau điểm 3, thấy con buồn và có biểu hiện lạ, anh để ý theo dõi. Rồi nghe em tâm sự điểm số như vậy nên không muốn sống nữa, ngay lập tức hai vợ chồng đã xin cho em nghỉ học ở nhà. Đi khắp bác sĩ tâm lý. Rồi mặc dù là những người có công việc rất quan trọng và cần nhiều thời gian, hai vợ chồng đã thay phiên nhau nghỉ làm ở nhà để ở cạnh, an ủi con. Nhưng con anh không vượt qua được nỗi buồn. Giây phút định mệnh, anh chỉ quay vào trong nhà để liên hệ công việc vài phút. Lúc ấy, con anh đã buông tay…
Tôi biết anh và vợ đau đớn lắm. Vì chuyện trầm cảm của con đến quá bất ngờ. Chính họ còn không hiểu tại sao con mình rơi vào trầm cảm ở những ngày ấy. Trước đó, con anh rất ngoan, hiếu động, tham gia thể dục thể thao rất tích cực. Chỉ một tháng trước, anh đưa con đi chơi cùng công ty thì con anh vẫn tham gia mọi hoạt động hết sức bình thường.
Nhưng điều đau đớn nhất, tôi sợ rằng anh chị phải đón chịu khi câu chuyện được biết đến nhiều trên mạng xã hội 2 - 3 ngày gần đây. Những lời quy kết đồ dồn lên đầu họ. Anh chị mang tiếng là người gây áp lực học hành cho con đến mức xảy ra bi kịch này. Nó khác hoàn toàn với sự thật. Con anh được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển đồng đều.
Tôi biết những câu chuyện đó khi khai thác thông tin này cho bài viết. Tôi xác minh rõ anh chị là ai, trường lớp nơi nam sinh ấy học, câu chuyện xảy ra như thế nào. Nhưng tôi đã suy nghĩ thật nhiều khi xử lý thông tin. Và cuối cùng, bài viết của tôi chỉ dừng lại ở thông tin có một nam sinh lớp 9 tử vong vì trầm cảm từ điểm kém. Tôi không tìm đến nhà, không đến trường hỏi thêm. Vì tôi sợ mình sẽ khoét sâu vào nỗi đau của cha mẹ em, thầy cô và bạn bè em khi mình hỏi chuyện. Mọi chuyện liên quan đến cá nhân sẽ dừng lại ở đó.
tin liên quan
Học sinh nhảy lầu vì điểm kém: Hãy chấp nhận những hạn chế của con
Sau khi đăng bài Học sinh lớp 9 tại TP.HCM nhảy lầu tự tử vì điểm kém, Thanh Niên nhận được rất nhiều chia sẻ, đồng cảm của bạn đọc về áp lực trong học tập, thi cử của học sinh.
Tôi viết bài này và muốn gửi cho nhiều đồng nghiệp. Để mong có một lời khuyên từ đồng nghiệp mình rằng có cách xử lý câu chuyện hay hơn và đỡ day dứt hơn bài tôi viết hay không?
Bình luận (0)