Nỗi đau đáu của những người trẻ giữ rùa trên đảo Hòn Cau

18/10/2016 12:36 GMT+7

'Từ tháng 4 âm lịch cho đến tháng 8 là mùa rùa sinh sản . Anh em phải chia nhau trực cả đêm lẫn ngày để canh chừng. Khi chứng kiến rùa đẻ, thấy thương loài động vật này lắm'

Anh Trần Công Lập, nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau rất mến khách, với khuôn mặt sạm nắng, gió bởi cuộc sống hầu như bám đảo quanh năm, không ai nghĩ Lập mới 36 tuổi. Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề đến Hòn Cau để tìm hiểu hệ sinh thái trên đảo, anh Lập đồng ý đưa đi ngay. Chiếc ca-nô chuyên dụng của Ban quản lý vừa nổ máy, hướng mũi ra biển, cũng là lúc Lập giới thiệu “không mệt mỏi” về hệ sinh thái và tính đa dạng của Hòn Cau.
Để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển Hòn Cau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý cho Bình Thuận thành lập “Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau” vào tháng 11.2010 và đi vào hoạt động từ tháng 7.2011. Chỉ với chỉ 10 con người, nhưng từng tấc đất, tấc biển của Hòn Cau đều được anh em “kiểm soát” chặt theo lịch làm việc hằng ngày.

[CLIP]  Những người trẻ 'giữ rùa' trên đảo Hòn Cau - Thực hiện: Quế Hà
Hòn Cau (còn gọi Cù Lao Câu), một hòn đảo nhỏ chỉ 1,4 km2, cách xa bờ biển xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong (Bình Thuận) nửa tiếng đi xuồng máy. Hòn Cau được người dân Tuy Phong quý như “hòn ngọc” trên biển bởi hệ sinh thái đa dạng và vẻ đẹp hoang sơ đến lạ kỳ.
Lập kể, trên Hòn Cau hiện nay gần như hoang sơ, rất ít cây cối vì nắng gió quanh năm. Ban quản lý đang triển khai việc tái tạo lại rừng phi lao đã chết do nắng hạn vài năm trước. Mùa mưa năm nay, hàng nghìn cây phi lao đã được trồng xuống đảo. Nhưng trồng cây trên đảo rất khó vì ít mưa. Trên đảo hiện nay có nhiều loại thằn lằn, rắn, dông và đặc biệt là cua đá (một loài được bảo vệ nghiêm ngặt ở Cù Lao Chàm, có rất nhiều trên Hòn Cau).
Khác trên đảo, những bãi biển bao quanh Hòn Cau lại rất phong phú về hệ sinh thái. “San hô là loài động vật quý giá do biển khơi ban tặng. Nó có nhiều nhất ở biển Hòn Cau hiện nay đấy”- Lập tự hào giới thiệu.
Theo anh Lập, hệ san hô bao phủ dày xung quanh đảo Hòn Cau. Tất cả các loại tàu bè không được tiếp cận Hòn Cau, không chỉ để cấm đánh bắt cá, mà còn là bảo vệ san hô.
Kiểm tra ổ trứng rùa ban ngày Ảnh: Quế Hà
Rùa biển, loài động vật vô cùng quý giá nhưng xung quanh đảo còn khá ít cá thể, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Đấy là chưa kể năm nào cá heo, cá voi cũng vào Hòn Cau, khiến công việc bảo tồn và giữ gìn hệ sinh thái biển trở nên cấp thiết”, anh Lập tâm sự.
Tụi em cũng đọc báo, nghe đài thấy vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay có ở nhiều nơi. Em chỉ lo ngại sau này khi các nhà máy ở Vĩnh Tân đồng loạt hoạt động sẽ ảnh hưởng đến Hòn Cau. Anh biết đấy, hệ sinh thái biển ở đây rất đa dạng và nhạy cảm với môi trường nước biển. Nếu nước biển bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng, đặc biệt là hệ san hô biển sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nước biển ô nhiễm
Trần Công Lập
Để có kiến thức chuyên môn về bảo tồn động vật hoang dã và hệ sinh thái, Lập được cơ quan đưa ra tận Côn Đảo để tập huấn hằng tháng trời. Sau này, chính Lập là người đưa các chuyên gia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đi khảo sát Hòn Cau, lên danh sách những động vật cần bảo vệ khẩn cấp.
Ngoài ra, biển Hòn Cau hiện có rất nhiều tôm hùm, cá mú, cá mú đỏ nên việc anh em đội tuần tra phải canh giữ, không cho tàu bè tiến lại khai thác trong khu vực cấm đã khoanh vùng.
“Dù rất nhỏ, nhưng Hòn Cau trở thành 'hòn ngọc' của người dân Tuy Phong, cần được chở che, gìn giữ. Nó là tài sản vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng”- Lập tự hào về đảo nhỏ quê mình.
Trắng đêm vì rùa đẻ
Theo anh Lập, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban quản lý bảo tồn biển Hòn Cau hiện nay là phải bảo tồn và nhân giống loài rùa biển (vích) ở đây. “Đặc điểm của rùa biển Hòn Cau là rất to, nặng. Năm 2013, chúng tôi bảo tồn và cho đẻ thành công một cá thể rùa biển nặng tới hơn 100 kg. Rùa biển ở đây vài chục ký là chuyện thường”.
Trần Công Lập, chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật bảo tồn rùa biển Hòn Cau Ảnh: Quế Hà
Mấy ngày qua, tụi em đọc báo thấy có thêm dự án nhà máy thép gì đó ở Ninh Thuận. Anh thấy đó, từ Cà Ná, chỗ kia kìa, vào đây có mấy hải lý đâu
Lưu Yến Phi
Theo anh Lập, từ đầu năm đến nay, anh em của Ban quản lý đã bảo tồn và chăm sóc được 17 cá thể rùa biển. Cho ấp thành công trên 1.200 trứng rùa, tỷ lệ ấp thành công khoảng 80% và thả về môi trường biển Hòn Cau hàng nghìn rùa con. Không năm nào rùa đẻ nhiều như năm nay.
“Bắt đầu tháng 4 âm lịch cho đến tháng 8 là mùa rùa sinh sản. Anh em phải chia nhau trực cả đêm lẫn ngày. Những lúc rùa đẻ, phải thức cả đêm để canh chừng. Khi chứng kiến rùa đẻ, thấy thương loài động vật này lắm”. Theo anh Lập, rùa Hòn Cau hay sinh sản ở các bãi cát như Bãi Nhất, Mũi Tàu, Tràng Dảo…vì những bãi này có nhiều hang đá sát biển.
“Nhân viên thì ít, chúng tôi phải chia nhau đi thăm rùa. Có khi mỗi đêm có vài ổ rùa đẻ anh em lội bộ cả chục cây số trong đêm là chuyện thường. Rất mệt, nhưng được cái là anh em say mê, quên hết nhọc nhằn”- Lập kể.
Lưu Yến Phi, cô gái “hoa khôi” của Hòn Cau Ảnh: Quế Hà
Lưu Yến Phi, một trong hai cô gái ở Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau, kể: “Làm công việc này, không yêu động vật không làm được anh ạ”.
Lưu Yến Phi, từ một cô gái làm ngành quản trị du lịch, đã bỏ nghề chuyển về quê làm việc khi Ban quản lý biển Hòn Cau thành lập. Chẳng thua kém các đồng nghiệp nam, hết lặn lội từ dưới biển lên trên bờ, thì thức trắng đêm với những ổ trứng rùa. Yến Phi ra vào đảo như con thoi. Là con gái nhưng Yến Phi không hề bị say sóng dù chiếc ca-nô chao đảo trên sóng cấp 6.
“Khi đã biết có rùa đang đẻ thì ngồi nhà cũng không yên, nóng ruột lắm. Vì mình không thăm nom, có thể tỷ lệ trứng ấp thành công không cao, tiếc lắm anh ạ”. Theo Lưu Yến Phi, một năm rùa đẻ chừng ba lứa. Mỗi lứa chừng trên trăm trứng. Những lứa sau, trứng ít hơn lứa đầu.
Hòn Cau trong xanh đa dạng hệ sinh thái Ảnh: Quế Hà
Hòn Cau chỉ cách bờ 9 km, nhưng trên đảo thiếu nước ngọt, không có điện, anh em bám đảo với tinh thần yêu nghề. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ bảo vệ tính đa dạng sinh học trên đảo, mà quan trọng là giữ cho được thảm cỏ biển ở vùng lõi, vùng đệm với diện tích khoảng 12.500 ha và loài rùa biển ở Hòn Cau đã được đưa vào sách đỏ
Ông Huỳnh Văn Thải
Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau
“Không chỉ để rùa tự đẻ, tự ấp, mà hiện nay tụi em có khu ấp trứng riêng cho rùa với kĩ thuật ấp được các chuyên gia hướng dẫn. Áp dụng tốt kỹ thuật thì tỷ lệ trứng thành công cao hơn để ấp tự nhiên”- Yến Phi kể.
Chính vì yêu loài rùa biển, nên dù chỉ cách bờ chừng 30 phút ca-nô, nhưng có anh em cả tuần không được về nhà. “Do đặc thù công việc trên đảo, yêu nghề nên anh em phải chấp nhận. Không thể làm việc như cán bộ hành chính được anh ạ”- Yến Phi nói.
Lo ngại ô nhiễm môi trường biển
Khi nghe chúng tôi nhắc đến khu nhiệt điện Vĩnh Tân, liệu Hòn Cau có bị ảnh hưởng không. Trần Công Lập quay ngoắt nhìn về bờ, nơi có các ống khói của khu nhiệt điện Vĩnh Tân.
“Từ đây vào đó có bao xa đâu anh. Tụi em cũng đọc báo, nghe đài thấy vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay có ở nhiều nơi. Em chỉ lo ngại sau này khi các nhà máy ở Vĩnh Tân đồng loạt hoạt động sẽ ảnh hưởng đến Hòn Cau. Anh biết đấy, hệ sinh thái biển ở đây rất đa dạng và nhạy cảm với môi trường nước biển. Nếu nước biển bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng, đặc biệt là hệ san hô biển sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nước biển ô nhiễm”.
Hòn Cau chỉ cách Khu nhiệt điện Vĩnh Tân chừng 9 km Ảnh: Quế Hà
Theo Trần Công Lập, không chỉ san hô, ngay cả loài rùa biển mà các anh dày công bảo tồn mấy năm nay sẽ “biến mất” khi biển ở đây ô nhiễm.
Nếu có ô nhiễm, mọi công lao của anh em trong năm sáu năm qua có thể trôi sông trôi biển. Lo là lo thế thôi, chứ tụi em biết làm sao được anh!
“Mấy ngày qua, tụi em đọc báo thấy có thêm dự án nhà máy thép gì đó ở Ninh Thuận. Anh thấy đó, từ Cà Ná, chỗ kia kìa, vào đây có mấy hải lý đâu”- Lưu Yến Phi trầm giọng chỉ tay về phía Cà Ná nói.
Theo anh Lập, hiện nay chưa hề xuất hiện tình trạng ô nhiễn môi trường, chưa thấy ảnh hưởng nào từ các nhà máy ở nhiệt điện Vĩnh Tân. “Nhưng chúng em rất lo. Nếu có ô nhiễm, mọi công lao của anh em trong năm sáu năm qua có thể trôi sông trôi biển. Lo là lo thế thôi, chứ tụi em biết làm sao được anh!”.
Trời đã chập choạng tối. Biển Hòn Cau nước xanh đậm. Sóng vỗ nhẹ nhàng trên những phiến đá có hình thù quái lạ. Bà Nguyễn Thị Mươi, người phụ nữ duy nhất sinh sống trên đảo cắt ngang câu chuyện bằng lời mời chúng tôi ở lại ăn cơm trên đảo. Từ phía xa xa, ánh đèn sáng rực cả một vùng trời ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân chẳng khác gì một thành phố nhỏ bên bờ biển xanh. Chúng tôi lên ca-nô để về bờ, mang theo niềm thương nhớ Hòn Cau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.