Nỗi đau sông nước

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/05/2020 07:31 GMT+7

Con sông Thu Bồn giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân xã Duy Nghĩa sau vụ chìm ghe vào chiều 8.5, khiến 5 người tử vong. Với những người ở lại, nỗi đau sông nước luôn dai dẳng.

Thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ lật ghe ở hạ nguồn Thu Bồn (xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) được tìm thấy vào sáng 10.5. Con sông Thu Bồn giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân xã Duy Nghĩa sau vụ chìm ghe vào chiều 8.5, khiến 5 người tử vong. Thu Bồn nay nhuộm màu tang tóc khi những dự định, ước mơ của các chàng trai tuổi đôi mươi vẫn còn dang dở.
Chưa đầy 3 tháng, Quảng Nam đã xảy ra hai vụ lật ghe trên sông khiến 11 người tử vong, trước đó là vụ lật ghe trên sông Vu Gia ở H.Đại Lộc vào tháng 2. Một hồi chuông báo động thảm họa vùng sông nước lại tiếp tục được gióng lên.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, có mặt tại hiện trường vụ lật ghe, chia sẻ đây là lần thứ hai ông trở lại Quảng Nam nhưng đều làm một công việc: thăm hỏi, động viên người thân các nạn nhân xấu số. Vụ tai nạn lật ghe này cũng tương tự như vụ việc xảy ra tại H.Đại Lộc. Các nạn nhân cũng đi trên phương tiện dân sinh và không có áo phao cũng như những dụng cụ cứu sinh nên mới dẫn đến hậu quả thương tâm. Ông Hùng nói rằng nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đau lòng một phần do các chế tài xử phạt phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn hiện nay còn rất nhẹ, khiến người dân chủ quan. Vì vậy, cần phải có chế tài xử lý thật nặng.
Hai lần tác nghiệp, chứng kiến nỗi đau đến tận cùng của thân nhân khiến chúng tôi không kìm được nước mắt. Nạn nhân còn quá trẻ. Còn bao nhiêu điều phía trước đang chờ họ... Cả 2 lần, đều chung câu hỏi: Chiếc ghe mỏng manh làm sao đủ sức chứa 10 - 11 người? Với chừng đó người trên ghe, chỉ cần một cơn sóng xô ngang cũng đã đủ tròng trành. Biết thế, tại sao họ vẫn đánh đu mạng sống của mình?
Bên cạnh lỗ hổng trong việc quản lý an toàn các phương tiện sông nước, thì cần kíp là làm sao để người dân ý thức được mối lo sông nước, tự bảo vệ mình trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Với những người ở lại, nỗi đau sông nước luôn dai dẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.