Cảnh báo này không thừa bởi chuyện bớt xén, ăn chặn tiền hỗ trợ sau các đợt thiên tai, địch họa... đã từng xảy ra ở một số địa phương trong những năm qua.
Như chuyện mua máy xét nghiệm dịch Covid-19 mới đây, Chính phủ cho phép chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian mua sắm để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, sàng lọc nguy cơ dịch bệnh trong lúc “nước sôi lửa bỏng”. Thế nhưng, nhiều cán bộ lợi dụng, cấu kết với doanh nghiệp (DN) nâng khống giá trị khiến ngân sách bị thiệt hại.
Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, đây là lần đầu tiên được sử dụng để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn. Tuy giá trị đối với mỗi người được thụ hưởng không lớn nhưng đó là sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ để người dân, DN có thêm sức mạnh, ý chí trụ vững vượt qua đại dịch, từng bước khôi phục kinh tế. Do vậy, việc đưa khoản hỗ trợ này đến đúng đối tượng phải được làm chặt chẽ, không để xảy ra trục lợi nhưng cũng không để ai bị bỏ sót; đồng thời chuyển nhanh, kịp thời đến tay người thụ hưởng. Câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” càng mang nhiều ý nghĩa trong trường hợp này.
Để làm được điều này, ngoài sự công tâm, khách quan của chính quyền địa phương thì còn phải nhắc đến vai trò giám sát xã hội của Ủy ban MTTQ VN các cấp và các đoàn thể... Những ai kê khống danh sách hoặc làm khó người dân, DN tiếp cận gói an sinh xã hội giống như kẻ “đánh cắp niềm tin” - trong trường hợp này là niềm tin của xã hội.
Bởi vậy, lời cảnh báo của vị đại biểu Quốc hội là không thừa. Đó cũng là lời nhắc nhở những cán bộ, công chức phải làm việc công tâm, đặt mình vào vị trí của người dân, DN để hành xử.
Bình luận (0)