Nỗi đau tai nạn giao thông - Kỳ 3: Cuộc chiến cam go

07/12/2013 13:30 GMT+7

(TNO) Nhiều bác sĩ chia sẻ, với họ, cuộc chiến giành giật lại sự sống cho nạn nhân bị tai nạn giao thông thật sự cam go và đầy ám ảnh.

(TNO) Khoa Cấp cứu của nhiều bệnh viện (BV) tại TP.HCM thường là nơi tiếp nhận những nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT). Nhiều bác sĩ (BS) chia sẻ, với họ, cuộc chiến giành giật sự sống cho nạn nhân bị TNGT cam go và đầy ám ảnh.

>> Nỗi đau tai nạn giao thông - Kỳ 1: Ám ảnh 'thần chết' trên đường
>> Nỗi đau tai nạn giao thông - Kỳ 2: Những chuỗi ngày ác mộng  


BS đang xem vết thương cho một bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy - Ảnh: Hà Minh

Hai giờ tại Khoa Cấp cứu

20 giờ, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy đã có rất nhiều taxi, xe cứu thương tấp vào, tiếng còi hụ liên tục. Một xe cứu thương (biển số tỉnh) đỗ xịch ngay sát lối ra vào khoa. Một nạn nhân được chuyển từ trên xe xuống với phần chân dập nát, máu me bê bết. Người nhà đi theo nước mắt ngắn dài nhìn thân nhân được đẩy vào trong.

Kế đó, một taxi cũng đỗ xịch ngay cổng trước của Khoa Cấp cứu. Tài xế mở vội băng ghế sau và đưa một người quần áo dính đầy máu và đất ra khỏi xe.

BS Trương Thế Hiệp, Phó Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, cho biết mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 50-70 trường hợp bị TNGT (chiếm 25% tổng số ca); tỷ lệ tử vong chiếm 1-2% trong tổng số bệnh nhân.

 
Khi một người lớn tuổi bị bệnh rồi chết diễn ra theo quy luật cuộc sống, đau buồn cũng sẽ ít hơn so với những người bị tử vong bất ngờ. Nhưng sẽ đau lòng hơn khi đó lại là những người trẻ trong độ tuổi lao động và là trụ cột của gia đình
BS Lê Ngọc Huy, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy

Theo BS Hiệp, phần lớn các ca TNGT là do người điều khiển xe gắn máy lúc say xỉn và thường rơi vào độ tuổi thanh niên, trung niên - tuổi lao động chính trong xã hội.

Theo các y, bác sĩ, những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, người lao động có thời gian tiệc tùng nhậu nhẹt nhiều nên số ca bị TNGT thường tăng lên đột biến.

Sống mòn, chết dần

BS Lê Ngọc Huy (Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy), cho biết chấn thương sọ não do TNGT là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các Khoa Cấp cứu.

“Khi một người lớn tuổi bị bệnh rồi chết diễn ra theo quy luật cuộc sống, đau buồn cũng sẽ ít hơn so với những người tử vong bất ngờ. Nhưng sẽ đau lòng hơn khi đó lại là những người trẻ trong độ tuổi lao động và là trụ cột của gia đình...”, BS Ngọc Huy nói.


Khi tham gia giao thông chỉ cần chậm lại vài giây thì sẽ cứu được rất nhiều người - Ảnh: Đ.N.Thạch

Cách đây không lâu, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, tiếp nhận một trường hợp người đàn ông đi nhậu về khuya gặp tai nạn trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM). Do tự đâm vào cầu trong thời điểm người lưu thông ít nên lúc sau nạn nhân mới được tài xế taxi phát hiện và đưa đến BV.

Các BS phòng hồi sức xác định nạn nhân này đã tử vong trước khi vào viện. Khi thông báo sự việc với gia đình, cha vợ của nạn nhân phải vào dặn các BS: “Đừng nói cho con gái tôi biết, nó đang có thai, nó sốc”.

Khi người đàn ông này trở ra cổng, con gái ông cứ níu ông hỏi: “Chồng con sao rồi cha”. Lúc này, người cha chỉ biết động viên: “BS đang cứu nó con ạ, con đừng lo”.

Vậy là, đứa trẻ sắp ra đời sẽ không thể thấy mặt cha mình và rồi cuộc sống của người phụ nữ có chồng đã tử vong kia sẽ bội phần vất vả khi một mình nuôi con.

 
Những nạn nhân nước ngoài đều bày tỏ sự sợ hãi khi lưu thông trên đường, đặc biệt là việc chạy ẩu của nhiều người lái xe khi tham gia giao thông
Một bác sĩ BV Chợ Rẫy

Nói về TNGT, BS Nguyễn Thanh Sử, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định, cho biết thời gian về đêm là lúc có nhiều trường hợp chuyển vào BV do TNGT, và thường có độ tuổi từ 18 đến 50.

Cũng theo BS Sử, đa phần TNGT thường liên quan tới rượu bia. Khi có cồn trong máu rất dễ mất kiểm soát, lái xe không tự chủ, không chỉ gây tổn thương cho bản thân mà còn làm nguy hại đến người khác.

Những di chứng mà TNGT để lại, theo BS Sử cũng khôn lường.  

BS Sử kể, không hiếm những trường hợp học sinh, sinh viên bị chấn thương sọ não do TNGT sau khi điều trị thì để lại di chứng như chậm phát triển, động kinh liên tục làm tăng gánh nặng cho gia đình, chặn đứng con đường học hành của các em.

Là nơi chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân bị TNGT nặng, BS Nguyễn Kim Chung, Phó khoa Ngoại thần kinh, BV Chợ Rẫy, cho biết ông từng điều trị cho nhiều nạn nhân bị TNGT ảnh hưởng đến thần kinh. Sau đó, khi tái khám, nhiều người lại như trẻ chậm phát triển, giảm nhận thức.

“Đây thực sự mới là hậu quả kéo dài, khiến người bị nạn phải sống mòn, chết dần”, BS Chung nói.

Theo một BS của BV Chợ Rẫy, nơi đây cũng thường tiếp nhận nhiều ca người nước ngoài bị TNGT nặng và phần lớn là khách du lịch được chuyển từ các BV tỉnh lên.

“Những nạn nhân này đều bày tỏ sự sợ hãi khi lưu thông trên đường, đặc biệt là việc chạy ẩu của nhiều người lái xe khi tham gia giao thông”, vị BS này nói.

Hà Minh

>> Cấm xe máy ở các đô thị lớn sẽ giảm tai nạn giao thông?
>> Bắt tạm giam tài xế gây tai nạn khiến 2 người chết
>> Cung đường đen' lại xảy ra tai nạn chết người
>> Tài xế gây tai nạn thảm khốc lãnh 10 năm tù
>> Lái xe gây tai nạn làm 7 người chết lãnh 10 năm tù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.