Nỗi đau trẻ tự kỷ bị bạo hành

05/03/2024 07:01 GMT+7

Sau khi phụ huynh ở TP.Đà Nẵng lên tiếng tố cô giáo bạo hành trẻ tự kỷ, nhiều người có con tự kỷ tỏ ra lo lắng về môi trường giáo dục đặc biệt này. 'Các con bị khuyết tật đã rất thiệt thòi, mong rằng sẽ có môi trường học yêu thương để bù đắp cho các con', một phụ huynh tâm sự.

"KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI"

Dư luận và nhất là những phụ huynh có con tự kỷ không khỏi thất vọng trước hình ảnh đứa trẻ tự kỷ bị cô giáo kéo tóc, đánh đập… tại Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà (số 83 Tôn Quang Phiệt, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Vụ việc này được chính vị phụ huynh có con bị bạo hành tố trên mạng xã hội hôm 1.3. Cụ thể, chị Trần Ngọc Gia Hy (29 tuổi, trú P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) đăng bài viết lên mạng xã hội kèm hình ảnh phản ánh việc con gái mình bị cô giáo bạo hành.

Nỗi đau trẻ tự kỷ bị bạo hành- Ảnh 1.

Phụ huynh tố cáo cô giáo chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà thuộc Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt có hành vi bạo hành trẻ khuyết tật

TRÍCH TỪ CAMERA

Anh Phan Minh Tuấn (trú P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) có con bị tự kỷ theo học tại Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà tỏ rất lo lắng khi xem hình ảnh cô giáo bạo hành bạn học của con mình. Vì theo anh Tuấn, trẻ khuyết tật không thể tự bảo vệ bản thân khi bị bạo hành. Sau vụ việc này, gia đình anh không dám đưa con đi học ở bất cứ trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ nào nữa. "Gia đình quá lo lắng, vì tiếp tục đi học thì liệu con có bị bạo hành hay không? Sự việc xảy ra ở Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà khiến tôi và rất nhiều phụ huynh bức xúc", anh Tuấn nói.

Điều khiến nhiều phụ huynh có con theo học tại chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà bức xúc hơn nữa là bởi trước đó, trung tâm này quy định không cho phụ huynh xem camera giám sát lớp học vì lý do "bảo mật" thông tin giảng dạy và hình ảnh cho học sinh khuyết tật. "Ban đầu, phụ huynh rất tin tưởng các cô và ủng hộ những phương pháp giảng dạy của cơ sở nuôi dạy trẻ tự kỷ này. Nhưng thật sự không còn gì để nói trước hành vi bạo hành trẻ khuyết tật như vậy", anh Tuấn nghẹn ngào.

Anh Nguyễn Ngọc Tâm (trú H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) có con gái 10 tuổi mắc tự kỷ cũng mong muốn các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật cho phụ huynh xem camera hằng giờ để kịp thời xử lý tình huống xấu xảy ra đối với con. "Các con có những biểu hiện lạ thì chỉ có phụ huynh là người hiểu cháu nhất. Ví dụ trong lúc sinh hoạt với nhau, chỉ cần một hành động nhỏ của bạn cũng đủ khiến các cháu mất bình tĩnh, dễ gây nên hậu quả nghiêm trọng", anh Tâm nói. Nơi con anh Tâm theo học là một trường chuyên biệt ở TP.Đà Nẵng, nhiều cô giáo cũng có con tự kỷ nên thấu hiểu được cảm xúc của phụ huynh.

LỖ HỔNG TRONG QUẢN LÝ

Ngày 4.3, lãnh đạo UBND Q.Sơn Trà cho biết liên quan đến vụ việc nghi bạo hành một học sinh tại chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà, hiện cơ quan công an vẫn đang điều tra vụ việc.

Nỗi đau trẻ tự kỷ bị bạo hành- Ảnh 2.

Phụ huynh tố cáo cô giáo chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà thuộc Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt có hành vi bạo hành trẻ khuyết tật

TRÍCH TỪ CAMERA

Sau khi phụ huynh tố cáo giáo viên bạo hành trẻ tự kỷ, cơ quan chức năng Q.Sơn Trà xác định cơ sở Cầu Vồng Sơn Trà chưa được cấp phép thành lập và hoạt động giữ trẻ tại địa chỉ 83 Tôn Quang Phiệt. Bà Lê Thị Thục, Phó giám đốc Sở KH-CN TP.Đà Nẵng, cho biết trước đó chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà có nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. "Nhưng đến nay chúng tôi khẳng định vẫn chưa cấp phép cho chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà thuộc Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt, vì nhiều lý do theo quy định", bà Thục thông tin. Đại diện lãnh đạo Sở KH-CN TP.Đà Nẵng cho biết thêm, Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt thuộc sự quản lý của Sở KH-CN TP.Hà Nội. Tại TP.Đà Nẵng, Sở KH-CN TP.Đà Nẵng sẽ cấp phép hoạt động cho các chi nhánh.

Bức xúc khi xem hình ảnh cô giáo bạo hành trẻ tự kỷ tại chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà, anh Hoàng Thanh Lực (trú Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đề xuất: "Trung tâm dạy trẻ tự kỷ thuộc viện nghiên cứu thực tế lại không được ngành giáo dục của địa phương quản lý về mặt chuyên môn… Đó là một bất cập. "Lỗ hổng" đó cũng là lý do khiến các con bị bạo hành".

DẠY TRẺ CẦN CẢ SỰ HIỂU BIẾT VÀ THƯƠNG YÊU

Những vụ bạo hành trẻ em, nhất là bạo hành trẻ tự kỷ khiến những người làm trong ngành bức xúc. Trẻ đặc biệt đã chịu nhiều thiệt thòi hơn các bé khác, việc chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt càng cần cả sự hiểu biết (kiến thức) và tình thương yêu. Nếu thiếu bất cứ yếu tố nào thì đều sai cách.

Bạn học của con bị bạo hành, phụ huynh bật khóc: Tôi không dám cho con đi học nữa!

Ông Nguyễn Minh Phụng, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý và phát triển kỹ năng New Life, TP.Đà Nẵng (nơi chăm sóc, hỗ trợ trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt: tự kỷ, tăng động - kém tập trung, chậm phát triển…), cho biết ông đặt yếu tố an toàn cho trẻ lên hàng đầu. Theo ông Phụng, trẻ đặc biệt thường yếu về sức khỏe thể chất và về nhận thức, chức năng xã hội, các bé sẽ không nhận thức được những nguy hiểm trong sinh hoạt hằng ngày. Do đó, trung tâm càng quy định chặt chẽ về cách chăm sóc của giáo viên, chuyên viên hay bảo mẫu, tuyệt đối không được bạo hành trẻ. Điều này được quy định tại mục đầu tiên trong nội quy trung tâm.

Các giáo viên dạy trẻ phải có bằng cấp phù hợp và chuyên môn tốt, tốt nghiệp từ các trường ĐH chính quy và đúng chuyên ngành như tâm lý học, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội. "Trên hết là đạo đức, cái tâm của giáo viên và lòng yêu trẻ phải đặt lên hàng đầu. Chăm sóc và dạy trẻ đặc biệt là một công việc khó, vì cần có chuyên môn, cần có kinh nghiệm và quan trọng nhất là yếu tố yêu trẻ, yêu nghề kèm theo sự kiên trì. Đây là một công việc rất vất vả, các giáo viên thường cảm thấy rất mệt trong một ngày làm việc, tôi luôn động viên, quan tâm và vực dậy tinh thần yêu nghề, yêu trẻ ở các giáo viên. Để tránh xảy ra những điều đáng tiếc trong quá trình chăm sóc, dạy trẻ, tôi luôn nhắc nhở về thái độ của giáo viên trong các cuộc họp nội bộ. Hệ thống camera giám sát được đặt khắp phòng học và các cô giáo luôn ý thức làm việc dưới tinh thần trách nghiệm, đạo đức của người làm công tác giáo dục", ông Nguyễn Minh Phụng trao đổi.

Những điều cha mẹ cần biết khi gửi con

Ông Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki (Hà Nội), cho biết phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trung tâm, đơn vị mà con em mình sắp học tập, can thiệp… có đầy đủ giấy tờ pháp lý hay không, bằng cách tra cứu các giấy phép, quyết định thành lập…

Phụ huynh đừng ngại, hãy hỏi về CV, trình độ, bằng cấp chuyên môn của giáo viên can thiệp cho con em của mình, để biết người sẽ dạy dỗ, can thiệp cá nhân cho con mình có đảm bảo đủ chuyên môn hay không.

Ông Nguyễn Minh Phụng cho biết trẻ đặc biệt cần được phối hợp can thiệp và đồng bộ giữa nhà trường và gia đình. Để làm được điều đó trung tâm và trường học phải báo cáo và chia sẻ cách dạy trẻ cho cha mẹ ở nhà. Phụ huynh cần được biết những bài tập, phương pháp, kỹ thuật…dạy trẻ tại nhà phù hợp, để hỗ trợ cho con em của mình.

Cha mẹ cũng được quyền xem trực tiếp các cô giáo can thiệp trẻ hoặc xem camera khi cần.

"Về nguyên tắc bảo mật thông tin trẻ đặc biệt, xem trẻ khác thì phụ huynh không được phép, nhưng con mình thì chắc chắn sẽ được xem và kiểm soát. Những cách thức, phương pháp dạy trẻ tại trung tâm luôn được kiểm chứng dưới góc độ khoa học và phù hợp với từng trẻ riêng biệt nên phụ huynh có quyền thắc mắc, tham khảo và bàn luận cùng chuyên viên, giáo viên của trung tâm để cả đôi bên phối hợp hỗ trợ trẻ tốt nhất", ông Nguyễn Minh Phụng cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.