Nối đường sắt nhẹ, đột phá kinh tế Đông Nam bộ

26/10/2024 06:21 GMT+7

Nếu có thể hiện thực hóa ý tưởng xây tuyến đường sắt nhẹ (LRT) nối từ TP.HCM đến Tây Ninh, không chỉ 2 địa phương này mà cả vùng Đông Nam bộ sẽ đón cơ hội đột phá du lịch mậu biên, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Kết nối giao thông, du lịch liên vùng

Đề xuất của Tập đoàn Sun Group về việc phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) dài gần 100 km kết nối TP.HCM - Tây Ninh đang thu hút sự quan tâm lớn của cả người dân và các chuyên gia. Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060, TP.HCM sẽ có tuyến giao thông ven sông Sài Gòn 3 - 4 làn xe, tổng chiều dài 78,2 km. Tuy nhiên, để đón đầu tiềm năng phát triển trong tương lai, Sun Group đề xuất cần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, với đại lộ quy mô 8 - 10 làn xe, kết nối TP.HCM với Bình Dương và Tây Ninh, bám theo sông Sài Gòn, tạo liên kết sâu rộng với các tỉnh Đông Nam bộ. 

Cụ thể, tuyến đường đến Tây Ninh đi theo tỉnh lộ 6 (thuộc TP.HCM) hướng về phía Tây Ninh sau đó kết nối vào đường tỉnh 789 (thuộc Tây Ninh). Đây là đường QL22C theo định hướng phát triển mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, tuyến LRT chạy dọc tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ dừng tại H.Củ Chi như dự kiến trong quy hoạch mà sẽ kéo dài toàn tuyến lên Tây Ninh, dài gần 100 km.

Nối đường sắt nhẹ, đột phá kinh tế Đông Nam bộ- Ảnh 1.

Đề xuất tuyến đường sắt nhẹ chạy dọc sông Sài Gòn với chiều dài gần 100 km kết nối TP.HCM - Tây Ninh đang được quan tâm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo đại diện Sun Group, tuyến LRT sẽ bổ sung thêm loại hình giao thông mới, cùng với đường thủy, đường bộ hoàn chỉnh hành lang phát triển kinh tế, du lịch vùng Đông Nam bộ, mở rộng hoạt động giao thương giữa TP.HCM với Bình Dương, Tây Ninh. Điều này góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến đường bộ hiện hữu, giảm tình trạng kẹt xe, thêm nhiều lựa chọn hơn cho người dân, du khách. Khi đi vào hoạt động, tuyến LRT mới sẽ kết nối TP.HCM với các điểm đến hấp dẫn của Tây Ninh như núi Bà Đen, thúc đẩy du lịch Tây Ninh phát triển.

Tập đoàn phát triển du lịch hàng đầu VN sẵn sàng chi số tiền "khủng" đầu tư vào đường sắt để kết nối TP.HCM với Tây Ninh, bởi dù còn ít được nhắc đến trên bản đồ du lịch quốc tế song Tây Ninh là "viên ngọc ẩn" dành cho du khách nước ngoài mê khám phá văn hóa bản địa, lịch sử chiến tranh VN và các di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, đây cũng là nơi sở hữu ngọn núi cao nhất Nam bộ - núi Bà Đen với độ cao 986 m, được mệnh danh là "đệ nhất thiên sơn" với nhiều huyền tích linh thiêng. Trong 5 năm, núi Bà Đen đã vươn lên vào top điểm đến hút khách nhất Nam bộ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đánh giá cần ưu tiên kết nối giao thông từ TP.HCM tới Tây Ninh, đặc biệt là núi Bà Đen vì đây là điểm du lịch vô cùng nổi tiếng. Núi Bà Đen là đỉnh núi cao nhất Nam bộ, là điểm đến tâm linh hiện đã được dựng lên bức tượng Phật bà Quan Âm gắn liền với truyền thuyết Bà Đen vô cùng đặc sắc. Ngọn núi còn gắn liền với các trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ. 

Tây Ninh chính là thủ phủ cơ quan đầu não của Cách mạng thời kháng chiến, nơi đặt đại bản doanh của Trung ương cục miền Nam. Đỉnh núi Bà Đen là nơi đồn trú của lính Mỹ và các cuộc chiến đấu huyền thoại mang giá trị lịch sử rất lớn, là chất liệu vô cùng độc đáo để phát triển các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, Tây Ninh còn là nơi có tòa thánh Tây Ninh là công trình kiến trúc đặc sắc; có hồ Dầu Tiếng là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam bộ, cất trữ nguồn nước từ Campuchia và cao nguyên Lâm Đồng để cấp nước cho TP.HCM; cũng là nơi phát tích mạch nước ngầm kỷ Miocene (5 - 11 triệu năm) - nguồn nước ngầm chất lượng tuyệt hảo…

Nên kéo dài tới thẳng cửa khẩu Mộc Bài

Ủng hộ phương án đề xuất của Sun Group, song Chủ tịch HoREA gợi ý có thể nghiên cứu kéo dài thêm 1 nhánh trên tuyến này kết nối thẳng tới Mộc Bài để hợp thành hệ thống giao thông đa phương thức kết nối tới cửa khẩu. Đây sẽ là tiền đề để thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Xuyên Á hướng từ TP.HCM qua Mộc Bài nối tới Phnom Penh (Campuchia), sang Bangkok (Thái Lan). Kết hợp cùng định hướng thí điểm visa "6 quốc gia - 1 điểm đến", tuyến đường sắt này sẽ hợp lực cùng đường bộ, hàng không tạo nên bước đột phá cho ngành du lịch, đồng thời nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa quốc tế. 

"Dự án này phải nằm trong chiến lược quốc gia, phải được đưa vào quy hoạch. Hiện nay, quy hoạch đường sắt quốc gia cũng đã có tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh nối tới Mộc Bài nhưng đó là một hướng vòng. Tuyến TP.HCM - Tây Ninh tới Mội Bài là con đường ngắn nhất, kết nối thuận tiện nhất, nên được nghiên cứu triển khai", ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.

Khẳng định giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, người dân được lợi tới đó, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng khi doanh nghiệp đề xuất thực hiện một dự án lớn, chắc chắn sẽ phải tính toán rất kỹ về nhu cầu, khả năng thu hồi vốn, khả thi thì họ mới làm. Đây cũng không phải là công trình bất động sản, nhà ở thương mại thông thường để mà đặt vấn đề "chiếm đất". 

Dự án nếu được triển khai và hoàn thiện, không chỉ giúp kết nối khách tới khu du lịch của họ mà còn giúp việc đi lại, giao thương của người dân TP.HCM với Tây Ninh và các tỉnh dọc sông Sài Gòn thuận lợi. Nếu làm thêm 20 - 30 km nữa, đưa cả tuyến đại lộ 8 - 10 làn xe và đường sắt nhẹ kết nối TP.HCM - Tây Ninh chạy đến thẳng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sẽ tạo thêm đà để phát triển du lịch, thông thương, phát triển kinh tế toàn vùng Đông Nam bộ. Vì thế, cần có cơ chế mở cửa, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông như vậy.

Nói sâu hơn về du lịch, ông L.V.C, giám đốc một doanh nghiệp du lịch đã nhiều năm theo đuổi phát triển du lịch đường bộ mậu biên, cho rằng khách Campuchia, khách Lào, khách từ phía bắc Thái Lan trước đây đã từng có giai đoạn ồ ạt sang VN. Tuy nhiên, nhu cầu khi đó chủ yếu là khám chữa bệnh và mức chi tiêu rất thấp nên đây không phải thị trường hấp dẫn để ngành du lịch "bỏ công chăm bẵm". Ngay cả giai đoạn sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch muốn vực dậy thật nhanh thì cũng chỉ dồn lực tập trung vào các thị trường hàng không. Các sản phẩm du lịch đường bộ liên tuyến như từ Tây Ninh đưa khách Campuchia đi TP.HCM, Đà Lạt hay đón khách Campuchia qua cửa khẩu Đà Nẵng nếu có, cũng chỉ mang tính chất "mang đồ cũ ra dùng lại"; vẫn dùng được nhưng không hấp dẫn.

Trong khi đó, nhu cầu du lịch của người Campuchia, Lào hiện đã có nhiều thay đổi. Họ muốn tham quan nhiều hơn, mức chi tiêu cũng cải thiện nhiều hơn. Ngành du lịch cũng cần thay đổi góc tiếp cận để thu hút các thị trường này. "Khách Campuchia thích đi Đà Lạt chơi vì có núi, thích đến TP.HCM để chữa bệnh, lại đi qua cửa khẩu Mộc Bài đến Tây Ninh - điểm đến du lịch tâm linh mới nổi. Tại sao chúng ta không liên kết lại để hình thành sản phẩm du lịch bài bản, để khách đến có luồng, có tuyến và lưu trú dài ngày? Sắp tới có đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giảm tải QL22, nếu có thêm cả tuyến đường sắt nhẹ nữa, ngành du lịch sẽ có đầy đủ "đồ chơi" hấp dẫn để sáng tạo nhiều sản phẩm, kích hoạt du lịch vùng mậu biên liên tuyến", ông L.V.C kỳ vọng.

Hành lang du lịch, kinh tế dọc sông Sài Gòn từ TP.HCM kéo dài qua Bình Dương, lên Tây Ninh cũng còn rất nhiều tiềm năng để khai phá. Do đó, nếu làm được tuyến đường sắt nhẹ kết nối TP.HCM - Tây Ninh sẽ là cú hích rất lớn đối với Tây Ninh nói riêng cũng như kích hoạt cả vùng Đông Nam bộ nói chung.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.