Xem đồng hồ cũng hỏi ý kiến giám thị
Đó là hành động của những thí sinh ở những huyện giáp biên giới, huyện nghèo và xa nhất của nhiều tỉnh như Đắk Nông, Đắk Lắc, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên… nơi cách điểm thi có khi lên tới hàng trăm km do địa bàn rộng.
Giảng viên Phạm Thị Thu Thanh, khoa Kỹ thuật tàu thủy, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: “Mình rất thích đi coi thi ở những nơi như thế này vì nơi đây coi thi rất nhàn. Giám thị không phải vất vả tìm bắt tài liệu và các thiết bị tinh vi, cả điểm thi tìm mỏi mắt không thấy một tờ tài liệu nào. Không khí thi cử rất yên bình. Ngoài cổng trường thì không có cảnh ba mẹ ăn trực nằm chờ, chắc tại nơi đây các em không bị áp lực thi cử vì thế các em rất ngoan và không bắt buộc đỗ đạt bằng mọi giá”.
Chị Thanh và các đồng nghiệp của trường được giao nhiệm vụ hỗ trợ kỳ thi tại tỉnh Đắk Nông. Cảm nhận của chị Thanh là học sinh ở vùng cao rất hiền, chân thật và đáng yêu. “Có em còn hỏi cô ơi em có được quay xuống xem đồng hồ không, vì trong phòng thi có cái đồng hồ treo dưới lớp”, chị Thanh kể.
Ấn tượng nhất với cán bộ coi thi Huỳnh Thúc Định (Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH kinh tế TP.HCM) là hình ảnh những thí sinh của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước khi đi thi đã bỏ hết giày dép bên ngoài, đi chân đất lên hành lang để vào phòng thi. Tương tự, những thí sinh ở huyện Đắk Glong, Đắk RLấp (tỉnh Đắk Nông) cũng phải đi thi trên đường đất đỏ nên đều bỏ dép bên ngoài phòng thi.
tin liên quan
Cán bộ coi thi nghỉ trọ xa điểm thi hơn chục km“Do đường đi ở đây là đường đất đỏ rất dơ, nên các em tự động làm như vậy để giữ sạch phòng thi. Các em rất ngoan hiền, gặp giám thị ở đâu cũng lễ phép chào”, ông Định cho hay.
Giảng viên Đỗ Hùng Chiến (coi thi tại Hội đồng thi Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, Đắk Nông) thì thấy thương thí sinh vùng cao như thương chính học trò của mình. “Có nhiều em mệt quá, không làm được nữa, hỏi thầy xem còn bao nhiêu thời gian để được ra về. Một số gục đầu xuống bàn, cán bộ coi thi thương quá đến động viên để thí sinh bớt mệt mỏi. Mình chọc “bây giờ các em hãy vận hết nội công xuất chiêu cuối cùng hạ gục đối phương (môn cuối) cho thầy”, thí sinh bật cười xua tan căng thẳng”.
Thí sinh H. Bù Đăng (Tỉnh Bình Phước) để dép bên ngoài phòng thi Ảnh Đào Ngọc Thạch
|
Nói “không” với gian lận
Theo ông Lê Văn Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, cho dù không làm được bài, thì thí sinh ở những vùng sâu vùng xa cũng không bao giờ gian lận. “Vì đa số các em thi để xét tốt nghiệp. Nhiều em nhà nghèo còn dự định đi làm kiếm tiền sau đó mới đi học nghề. Hơn nữa, sự chân thật và không màng ganh đua đã khiến các em đến với kỳ thi rất nghiêm túc”, ông Lượng cho hay.Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lại rất xúc động với thí sinh 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. “Nhìn các em học sinh lớp 12 đi thi mà nhỏ xíu như học sinh lớp 8, 9 ở khiến chúng tôi thương vô cùng. Một số em còn không đi thi vì nếu có thi thì nhà cũng không có tiền để học tiếp. Trước những hoàn cảnh đó, thầy cô ở một số điểm thi đã tự nguyện đóng góp học bổng cho học sinh nghèo ở các trường chúng tôi đến coi thi hoặc góp phần cải tạo cơ sở vật chất”, ông Dũng chia sẻ.
Bình luận (0)