Anh N.T.M (35 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết nếu ngày thường anh đã dễ đổ mồ hôi thì những ngày nắng nóng, tình trạng này càng gia tăng.
"Cơ thể tôi hay tiết mồ hôi. Đặc biệt trong trời nắng nóng luôn cảm thấy rất khó chịu do mồ hôi ra nhiều, gây mùi cơ thể nên khá ngại khi đi thang máy. Khi đi làm, đi chơi thể thao, tôi thường phải mang theo áo dự phòng và khăn lau", anh M. cho hay.
Tương tự chị N.T.T (28 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, khi mặc quần áo công sở thường bị ố vàng dưới cánh tay. Chị bị tình trạng này từ khi còn học sinh, đến nay khi đi làm chị rất ngại nên quyết định đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Quang Đình, Khoa Lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong 3 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ người đến bệnh viện khám do tăng tiết mồ hôi tăng tăng 36% so với 3 tháng cuối năm 2023. Khoảng 50% người bệnh có tăng tiết mồ hôi vùng nách kèm theo tăng mùi hôi, làm người bệnh thiếu tự tin khi giao tiếp.
Tiết mồ hôi giúp con người không bị nóng quá mức và được ví von là một chiếc điều hòa tự nhiên của cơ thể. Việc không đổ mồ hôi sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ về bệnh tật như nhiễm trùng, đột quỵ và sỏi thận. Tuy nhiên, việc đổ mồ hôi quá nhiều lại là nỗi phiền toái cho mọi người, nhất là với những bạn trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên.
"Đổ mồ hôi là một phản xạ bình thường của cơ thể. Mồ hôi càng tiết ra nhiều hơn khi thời tiết nóng nực hoặc trong những lúc chúng ta hoạt động nhiều. Hiện tượng này giúp tạo độ ẩm trên da, làm mát, ổn định thân nhiệt cũng như loại bỏ các tạp chất trong cơ thể", bác sĩ Đình chia sẻ.
Tăng tiết mồ hôi (chứng cường giao cảm)
Bác sĩ Đình cho biết, tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều ở các khu vực bàn tay, nách, chân, vùng bẹn,... mà không bắt nguồn từ các hoạt động mạnh như tập thể dục hay ở nơi có nhiệt độ cao được gọi là chứng cường giao cảm. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân trẻ và khởi phát trong độ tuổi dậy thì. Theo thời gian, tình trạng này có thể được cải thiện nhưng cũng có một số trường hợp sẽ sống chung đến suốt đời.
Nguyên nhân chính của bệnh được xác định là do hệ thống thần kinh bên trong cơ thể bị kích thích quá mức và khiến hệ phản xạ của người bệnh không thể tự điều chỉnh được.
Những người trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên cũng sẽ gặp phải hiện tượng cơ thể tiết ra quá nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, hiện tượng này lại là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý hoàn toàn khác như béo phì, cường giáp, viêm khớp, gút, rối loạn tiền mãn kinh, rối loạn tiền sinh dục ở nam, ung thư, bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh lao. Vì vậy, nếu cơ thể bỗng dưng đổ mồ hôi bất thường cần đến bác sĩ thăm khám để được tư vấn.
Điều trị như thế nào?
Bác sĩ Đình cho biết, nếu tình trạng mồ hôi nhỏ giọt xuống tay và làm cơ thể luôn trong tình trạng ướt át, người bệnh sẽ cần thực hiện các phương pháp can thiệp sâu hơn thay vì các cách hạn chế có thể tự thực hiện như trước đó.
Cụ thể, khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh các giải pháp như sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa tiết mồ hôi, điều trị ion hoặc tiêm botox để làm tê liệt các vị trí tiết mồ hôi nhiều. Tuy nhiên những cách làm này chỉ có tác dụng ngắn hạn và hiệu quả ở vài vùng da nhất định. Bên cạnh đó, việc ngâm nước ion cũng dễ xảy ra các biến chứng như viêm da, nấm.
Để giải quyết triệt để, người bệnh sẽ cần thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực để cắt hạch giao cảm. Đây là nơi cơ quan thần kinh chi phối mồ hôi và cũng là phương án cuối cùng nếu các cách trên không cải thiện được tình hình.
"Tuy nhiên, phương pháp nội soi lồng ngực không nên thực hiện ở những người bị dày dính màng phổi, người không chịu được gây mê với thông khí chọn lọc một bên phổi, rối loạn đông máu khó kiểm soát và nhồi máu cơ tim", bác sĩ Đình cho hay.
Bình luận