Nỗi lo cai nghiện 'tại gia'

03/07/2020 05:16 GMT+7

Người nghiện ma túy tổng hợp (thường gọi là ma túy đá) dẫn đến 'ngáo đá' đang khiến xã hội bất an với nhiều vụ án mạng, thậm chí nạn nhân lại chính là người thân của kẻ ' ngáo đá '.

Hậu quả của nghiện ma túy đá rất khó lường cho xã hội nhưng pháp luật hiện hành có những văn bản chưa thống nhất, khiến cho việc đưa một người đi cai nghiện bắt buộc là điều không dễ dàng.
Dù biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng là nhân văn và góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng trong báo cáo gửi Bộ Công an mới đây, UBND TP.HCM nêu thực tế cơ sở vật chất phục vụ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không đạt yêu cầu nên phương pháp này không mang lại hiệu quả. Do đó, người nghiện vẫn cứ thản nhiên sử dụng ma túy bên ngoài cộng đồng, chực chờ gây họa cho người dân.
Tại TP.HCM, có 25.870 người nghiện ma túy nhưng chỉ 13.237 người đang cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh.
Một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nói rằng điều đáng lo ngại là tỷ lệ người sử dụng ma túy đá khá cao (khoảng 82% số người nghiện ma túy) và có xu hướng trẻ hóa, tập trung ở độ tuổi dưới 35. Sẽ ra sao khi ngày càng nhiều thanh thiếu niên sa chân vào ma túy đá từ ngày này qua năm khác, nhất là trong bối cảnh chất kích thích này lén lút mua bán ngày càng nhiều ở tụ điểm vui chơi, giải trí như bar, vũ trường, karaoke; thậm chí, ma túy đá còn được một số người trẻ coi là thú vui thời thượng và đem ra “đãi tiệc” nhân dịp sinh nhật, hội họp hòa trong tiếng nhạc xập xình? Trong khi đó, không chỉ làm thể trạng người sử dụng suy yếu, ma túy đá còn khiến tinh thần mê muội, dễ gặp ảo giác dẫn đến hành vi lệch lạc.
Với tính chất nguy hiểm của ma túy đá và những hạn chế yếu kém của cơ sở cai nghiện tại cộng đồng thì việc áp dụng cai nghiện bắt buộc là cần thiết để điều trị, tiến tới cai nghiện thành công, giúp người nghiện trở thành người bình thường, hòa nhập thực sự với cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.