|
Đó cũng chính là một trong nhiều trăn trở tại Hội thảo khoa học Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt (diễn ra trong 2 ngày 28 và 29.10 tại Cơ sở 2 Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM). Hội thảo do Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức với sự tham gia của hơn 140 nhà khoa học, nhà phê bình nghiên cứu mỹ thuật - văn hóa, họa sĩ, nhà sưu tầm, nghệ nhân, các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, các cơ sở đào tạo mỹ thuật.
Lai căng và bắt chước kém duyên
ThS - họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú đã đơn cử về việc “Nhận diện yếu tố ngoại lai qua đối sánh hình tượng con nghê và con lân trong mỹ thuật cổ truyền Việt”. Theo ông, con nghê Việt - một trong những đồ án trang trí đặc sắc thường thấy trong các chốn uy nghiêm như: lăng tẩm, cung điện, đền, khán thờ, tẩm chạm, cột, trên đầu đao đình làng và hiện diện gắn liền trên các đồ vật mang tính “mỹ thuật ứng dụng” như: hoành phi câu đối, đỉnh hương, chân đèn, dấu, ấn, triện, nắp chóe, vật bày thờ, nóc bình vôi, hay thậm chí trên cả cái chặn giấy... Nhiều nhà nghiên cứu trong giới mỹ thuật đã coi con nghê như một biểu tượng tạo hình đặc sắc thuần Việt, và hiển nhiên nó hoàn toàn khác hẳn khi đối sánh với con lân của Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra sự khác biệt trên, thậm chí ngay cả nhiều nghệ nhân, thợ mỹ thuật cũng không quan tâm. “Chính vì thế, mới có chuyện sư tử đá được rập khuôn theo mô típ tạo hình Trung Hoa đầy nhan nhản trong đình, chùa, miếu mạo ở nước ta”, ông nhận định.
|
Còn họa sĩ Nguyễn Trọng Thái khẳng định: “Tôi sẽ rất thích thú nếu các bạn trẻ loại bỏ tất cả các kiểu phông chữ “thư pháp tiếng Việt” trong máy tính, không phải chỉ vì chúng trông rất diêm dúa nhưng vô hồn mà còn vì bản thân “thư pháp tiếng Việt” chính là một sự lai căng và bắt chước kém duyên từ nghệ thuật thư pháp Trung Hoa kinh điển, khiến người ta hiểu nhầm về thị hiếu thẩm mỹ của người Việt thật quá tầm thường”.
Theo họa sĩ Nguyễn Quân, “việc cóp, nhái tràn lan các mô típ, hoa văn, chủ đề, kiểu dáng mỹ thuật Trung Hoa trong đồ mỹ thuật thủ công là đáng báo động mà nạn dịch “sư tử Tàu” là đỉnh điểm đánh động toàn xã hội. Ta đang tự Hán hóa mình do không nhận thức, thiếu hiểu biết, không yêu quý trân trọng truyền thống dân tộc”.
ThS - họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Văn Lang, còn thừa nhận VN đang chịu ảnh hưởng mạnh văn hóa ngoại lai. “Có rất nhiều cửa hàng bán sản phẩm phong thủy thi nhau truyền thông, riêng về linh vật và trang sức thì tràn ngập. Điều đáng buồn ở đây là sự mê muội của một bộ phận người dân. Ngay cả một số chức sắc vẫn tin vào may mắn, ham mê tiền tài, vô tình đẩy sản phẩm ngoại lai lên ngôi. Sự kiện “linh vật” là cao trào. Nói theo một số nhà nghiên cứu khoa học như TS Đinh Hồng Hải thì thực trạng này chính là sự “xâm lăng văn hóa”, ông Dũng nói.
Theo Nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: “Các hình tượng mỹ thuật ngoại lai có thể là: hệ thống tượng trên bàn thờ (Quan Công, ông Thần Tài, Phúc Lộc Thọ...), tranh vẽ các điển tích Tàu (tranh giấy dán tường nhà, tranh kiếng trên các xe hủ tiếu, nước mía...), linh vật lạ (sư tử Tàu, nghê Tàu...)...”. Đồng tình với họa sĩ Uyên Huy, ông Phan Quân Dũng bổ sung thêm: “Người VN biết sử Trung Quốc rất nhiều, nhất là qua các điển tích: Tam Quốc chí, Tam cố thảo lư, Triệu Tử Long đơn đao phò nhị tẩu, Lưu-Quan-Trương kết nghĩa vườn đào, Phong thần, Đông Chu liệt quốc, Thủy hử, Bát tiên, thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh... Đó là kết quả của sự giao thoa văn hóa nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có ảnh hưởng Trung Hoa là không tránh khỏi...”.
|
“Văn hóa Việt không giống văn hóa Hán như ta tưởng”
Họa sĩ Nguyễn Quân cho rằng cần: Gia cố nền tri thức xã hội, nhân văn, văn hóa dân tộc rộng hơn và cụ thể hơn cho sinh viên bằng các chuyên đề và chứng chỉ phụ trợ. “Thiếu tri thức nền thì không có tầm văn hóa của một trí thức (chỉ là anh thợ cả là cùng). Sự thiếu hụt trí thức nhân văn xã hội và văn minh VN là nguyên nhân không có các ý tưởng thiết kế sâu sắc ở mọi cấp độ. Không cảm nhận sâu rộng văn hóa dân tộc, “thuộc lòng” lịch sử mỹ thuật VN... là nguyên nhân chính của tình trạng tự Hán hóa, sao chép, cóp nhái mẫu mã “của Tây”... Tình trạng sùng bái chữ Hán, thờ Tam đa, Quan Công, Quan Âm áo trắng, lặp lại các tích truyện Trung Hoa, các nghi lễ, lễ hội, biểu tượng, linh vật và hoa văn ngoại lai là mặt tiêu cực tất nhiên của mọi quá trình giao tích văn hóa, hội nhập. Thực ra văn hóa Việt không giống văn hóa Hán như ta tưởng”, ông khẳng định.
Ông Phan Quân Dũng cho biết ngay từ ngày đầu thành lập, Trường ĐH Văn Lang luôn tạo điều kiện cho sinh viên xuống thực tế tại các làng nghề truyền thống dưới sự kèm cặp hướng dẫn của các nghệ nhân như: đi thăm làng gốm Bình Dương, đi xuống các đình làng để ghi chép hoa văn đình chùa, cảm nhận những giá trị văn hóa của chúng... “Đối với sinh viên cần đi từng bước, từng cách thức đào tạo, phải dẫn dắt từng bước để am hiểu, để các em dần hiểu được giá trị mỹ thuật thuần Việt và dần loại trừ các yếu tố ngoại lai”, ông Dũng nói.
“Những giá trị gì mà tổ tiên ta đã có công Việt hóa, ta vẫn nên có trách nhiệm bảo tồn và tiếp tục phát huy. Đó chính là lối ứng xử có văn hóa, có trình độ đối với di sản của tiền nhân. Với những yếu tố “ngoại lai” mới, tuy không nên cấm, nhưng các cấp quản lý mỹ thuật cần kiểm soát chặt chẽ và thẩm định trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, tránh việc hoàn toàn thả nổi để chúng được tự do nhân bản ồ ạt theo phong trào”, ThS - họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú. |
Hà Đình Nguyên - Ngọc Bi
>> Đề xuất khu tàu cổ đắm là di sản văn hóa biển quốc gia
>> Triển lãm di sản văn hóa dưới nước
>> Công nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
>> Đề nghị công nhận lễ hội vía Bà là di sản văn hóa phi vật thể
Bình luận (0)