Nỗi lo sạt lở bờ sông

19/08/2014 10:49 GMT+7

ĐBSCL đang bước vào mùa mưa lũ nên tình trạng sạt lở bờ sông càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.

 Vụ sạt lở bờ sông ở H.Châu Phú (An Giang) - Ảnh Đình Tuyển

Nhiều điểm nóng

 

Để ứng phó với sạt lở bờ sông, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang đề xuất T.Ư hỗ trợ kinh phí xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư để bố trí cho hàng ngàn hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn. Trong đó, tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ 800 tỉ đồng từ kinh phí dự phòng thiên tai để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở. Còn 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp thì đang cần khoảng 1.000 tỉ đồng để xây dựng mới cụm, tuyến và thực hiện, di dời dân vùng sạt lở vào nơi ở an toàn.

Vụ sạt lở bờ sông gần đây nhất xảy ra tại ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) làm 7 căn nhà sụp xuống sông Nàng Mau và 10 căn liền kề khác bị sụt lún, nứt tường nghiêm trọng. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng vụ sạt lở đã khiến hàng trăm hộ dân trong khu vực đứng ngồi không yên. Ông Trần Anh Dũng, có nhà bị sạt lở ở ấp Thạnh Lợi A1, nói: “Vợ chồng tôi rất lo, muốn chuyển đến nơi ở an toàn nhưng chưa biết chuyển đi đâu. Ban đêm không thể ngủ vì cứ nhắm mắt là nhớ lại cảnh nửa căn nhà mình sụp xuống sông”.

Cùng thời gian này, trên sông Tiền tại P.11 (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng xảy ra vụ sạt lở bờ sông dài hơn 100 m, ăn sâu vào đất liền hơn 25 m, đe dọa nhà cửa của hàng trăm hộ dân. Cách điểm sạt lở này không xa là kho chứa xăng dầu 5 triệu lít của Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp. UBND tỉnh Đồng Tháp phải khẩn cấp chỉ đạo Sở NN-PTNT xác định vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực đang có sự cố sạt lở và gia cố để ứng phó sạt lở; đồng thời di dời nhà cửa, hàng hóa, trang thiết bị trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Tại Vĩnh Long, những điểm nóng sạt lở nằm ở các cù lao và ven sông Tiền, sông Hậu. Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TX.Bình Minh (Vĩnh Long), trên địa bàn hiện có 4 tuyến sạt lở, tổng chiều dài 9,4 km, ảnh hưởng đến 570 hộ dân. Đáng kể nhất là đoạn từ chợ Cái Vồn đến cầu Thành Lợi (thuộc 2 phường Thành Phước và Cái Vồn) sạt lở kéo dài 4 km; đoạn từ cầu Cái Vồn Lớn đến cầu Chà Và Lớn sạt lở 3 km; đoạn từ cầu Chà Và Lớn đến vàm Phù Ly cũng sạt lở 2 km. Trong khi đó, tại H.Trà Ôn, hệ thống đê bao của 2 xã cù lao là Lục Sĩ Thành và Phú Thành thường xuyên bị đe dọa trong mùa lũ.

Chưa có giải pháp khả thi

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, trên địa bàn hiện có 110 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 6,6 km và đang diễn biến phức tạp thêm mỗi ngày. Đồng Tháp đang có 34 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị, thành đã và đang bị sạt lở, với tổng chiều dài 38,74 km; nhiều nơi ăn sâu vào đất liền 10 - 40 m, đe dọa cuộc sống của 4.000 hộ dân, trong đó có hơn 1.300 hộ trong vùng nguy hiểm. Tỉnh An Giang đang có khoảng 6.000 hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm, chưa được di dời vào nơi an toàn. Tại TP.Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN- PTNT, cho biết: “Ngành chức năng đã ghi nhận 25 điểm có nguy cơ sạt cao nằm rải rác trên toàn địa bàn, chưa tính hàng trăm điểm sạt lở nhỏ mới phát sinh thêm. Mặc dù Sở đã chủ động trong việc gia cố những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhưng rất khó kiểm soát hết được rủi ro”.

Theo ngành chức năng các tỉnh, thành ĐBSCL, tình trạng sạt lở bờ sông hiện đang đến mức báo động nhưng giải quyết vấn đề thì không hề đơn giản. Và theo ông Quỳnh, cái khó nhất vẫn là kinh phí hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. “Nhiều vụ sạt lở chết người đã xảy ra và địa phương đề xuất xin kinh phí di dời dân mấy năm nay nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp. Vì thế, tiến độ di dời các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở vẫn rất chậm”, ông Quỳnh nói.

 Đình Tuyển - Thanh Đức

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.