Mỹ khẳng định tuyên bố và hành động của Trung Quốc về Biển Đông đi ngược mục tiêu giảm căng thẳng, trong khi dân Philippines lo sợ xảy ra xung đột.
Hình ảnh cho thấy tốc độ bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở đá Xu Bi thuộc Trường Sa
- Ảnh: The Diplomat |
Trong cuộc họp báo hôm qua 19.6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nhấn mạnh tuyên bố mới đây từ Trung Quốc về hoạt động xây đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN gây lo lắng cho các nước trong khu vực.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên tuyên bố nước này sắp hoàn tất hoạt động bồi đắp trên một số bãi đá thuộc Trường Sa và sau đó sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở phục vụ mục đích quân sự lẫn dân sự. “Sự thật là tuyên bố lẫn hành vi như vậy đều không góp phần giảm căng thẳng. Chắc chắn khả năng quân sự hóa các tiền đồn (do Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa - NV) đi ngược lại mục tiêu giảm căng thẳng. Đó là lý do chúng tôi lúc nào cũng yêu cầu Trung Quốc dừng bồi đắp, không xây thêm các cơ sở và không quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông”, ông Russel khẳng định. Ông cho biết thêm vấn đề Biển Đông sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung diễn ra ở Mỹ từ ngày 22 - 24.6.
Tranh chấp tại Biển Đông cũng là chủ đề của hội thảo quốc tế ở Moscow, Nga ngày 18.6 (giờ địa phương).
Theo Hãng tin Sputnik, một số đại biểu nêu tình trạng Trung Quốc đưa thông tin sai lệch về Trường Sa. Cùng ngày, trang tin quân sự Sina (Trung Quốc) ngang nhiên đăng tải 17 bức ảnh về công trình phi pháp của Bắc Kinh ở đá Chữ Thập thuộc Trường Sa. Chuyên san The Diplomat thì công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 5.6 cho thấy Trung Quốc mở rộng phần đất ở đá Xu Bi thêm 74% trong vòng chưa đầy 2 tháng, lên tới 3,87 km2.
Cũng trong ngày 19.6, tờ The Philippine Star dẫn kết quả khảo sát cho thấy người dân Philippines đang lo sợ xảy ra đụng độ vũ trang với Trung Quốc liên quan đến bãi cạn Scarborough.
Cụ thể, trong số 1.200 người tham gia cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội Philippines SWS, có 49% trả lời họ rất lo sợ về nguy cơ đụng độ và 35% nói họ có phần lo sợ. Trong Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2015 vừa được công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình (Úc) cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra đụng độ nhỏ tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông đang ở mức cao.
Bình luận (0)