Chị Trần Hương Tình kể lại mấy ngày mất liên lạc với cha mẹ đã 70 tuổi ở thôn 2, Thạch Thắng khiến chị bồn chồn mãi chẳng thể ngủ yên. Chị Hương Tình nói, sáng sớm nghe tin lũ, liền gọi về hỏi ba mẹ. Vậy mà đến gần trưa thì mất liên lạc vì ngoài đó sóng yếu, điện thoại thì hết pin. Sốt ruột, chị không ngừng kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội cũng như liên hệ các số điện thoại được cung cấp. “Ngồi đọc tin trên báo mà bồn chồn, nghĩ dại mãi mà chẳng thể làm gì. Nhà chỉ có hai ông bà tuổi già sức yếu, nước mà chạm nóc thì không biết phải làm sao”.
|
Sau một ngày nóng ruột nóng gan, cuối cùng chị Hương Tình cũng được thở phào nhẹ nhõm vì biết tin cha mẹ đã được giải cứu. “Nghe tin hàng xóm chèo thuyền sang giúp đỡ ông bà mà lòng mình vui lắm. Ông bà bảo là ca nô đến đưa người di chuyển sang chỗ an toàn nên em còn vui hơn”. Với chị Tình nói riêng và những người miền Trung tha hương nói chung, không gì quý giá hơn là nhận được một cuộc gọi thông báo an toàn lúc này.
Trong khi đó, chị Thanh Xuân, hiện đang sống ở TP.HCM, những ngày trước cũng không ngừng chia sẻ thông tin về nơi ở của gia đình tại thôn Trần Phú, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên. Theo lời chị kể, gia đình chị ở thôn có cả người già, con nhỏ tàn tật mà lại thiếu thốn thức ăn. Cuối cùng sau 2 ngày ngóng đợi, tin vui cũng đến khi gia đình chị được đưa đến nơi an toàn.
|
Không may mắn như vậy, nhiều người con Hà Tĩnh vẫn đang lo lắng trước tình hình quê nhà. Chị Hồ Thị Thủy (28 tuổi) cho biết đang ráo riết tìm cách giải cứu ba của chị cùng với hơn 30 đồng nghiệp của ông đang mắc kẹt tại trường dạy nghề trên đường Nguyễn Biên, TP.Hà Tĩnh. Chị chua xót: “Nhà em có 6 đứa con, em là con lớn đi lấy chồng xa. Ba ở nhà làm thợ xây đi khắp nơi kiếm tiền để các em có thể tiếp tục ăn học. Vậy mà giờ đây ba bị kẹt giữa nước lũ thế này em là con lớn chẳng giúp được gì, em thấy có lỗi lắm”.
Khu vực nơi ba của chị Hồ Thị Thủy bị mắc kẹt, nước sâu và chảy xiết, đoàn cứu trợ đã ghé qua nhưng chỉ có thể phân phát lương thực ở khu vực ngoài rìa chứ không vào được sâu bên trong.
|
Trong khi đó, dù gia đình ở thôn 7, Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên đã an toàn nhưng chị Lê Võ Quỳnh Hương (23 tuổi) vẫn không ngừng lo lắng vì khu vực này nước rất sâu, các đoàn cứu trợ khó tiếp cận được. Chị đang khẩn thiết tìm kiếm các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ lương thực cho những người dân địa phương hiện đang kiệt sức vì đói khát.
Tương tự, chị Nguyễn Thúy (24 tuổi), hiện đang sống ở Đà Nẵng, sau khi biết tin gia đình ở Cẩm Quang, Cẩm Xuyên đã liên tục đăng tải thông tin lên trang cá nhân và chia sẻ vào các hội nhóm cầu cứu. Liên hệ với phóng viên Thanh Niên, chị chia sẻ: “Em đã gọi điện hơn 100 số điện thoại khác nhau những không hề có số nào liên lạc được vì nghe nói đường dây ngoài đó đều đã quá tải. Trong khi đó, khu nhà em mọi người đều đã ở trên gác xép, không có điện và cạn kiệt lương thực. Người già và trẻ em đều phải ăn mì tôm sống, lương thực cạn kiệt dần. Em chỉ mong có ca nô nào tới hỗ trợ di dời thật sớm thôi”.
|
Hiện nay, chị Thúy cùng nhiều đồng hương đang gom góp lương thực và tìm cách gửi về quê để tiếp tế cho người nhà. "Nhưng nơi đây nước ngập sâu quá, thuyền bè không tiếp cận được. Giờ người dân trong khu chỉ biết nương tựa hỗ trợ nhau qua ngày thôi,” chị nói.
|
Bình luận (0)