Nội lực sân khấu kịch nói TP.HCM ở đâu?

Hoàng Kim
Hoàng Kim
24/06/2022 16:13 GMT+7

Sáng 24.6 tại 5B Võ Văn Tần, TP.HCM đã diễn ra cuộc tọa đàm với chủ đề Nội lực sân khấu kịch nói hiện nay do Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức.

Cái được cũng có…

Theo nhà báo Ngọc Tuyết (báo Phụ Nữ TPHCM) tuy sân khấu khó khăn nhưng đến Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 thì có đến 20 đơn vị tham gia với 26 vở diễn, nhiều hơn dự kiến của mọi người một cách bất ngờ. Điều này chứng tỏ nội lực sân khấu vẫn còn, người yêu sân khấu vẫn còn.

NSND Kim Xuân cũng nói: “Thành phố chúng ta đầy tiềm năng, nhưng tại sao đến liên hoan mới bung ra? Ngay cả một vài sân khấu như IDECAF, Thế Giới Trẻ bây giờ bán vé online trước cả tháng, khán giả mua trước hết sạch, như vậy sân khấu vẫn còn sức hút chứ đâu phải hoàn toàn kiệt quệ”.

Vở Người lạ người thương rồi người dưng là một trong những vở bán vé rất chạy của sân khấu IDECAF

h.k

Với nhà thiết kế kiêm “ông bầu” Sĩ Hoàng, người thành lập Công ty Sử Việt chuyên dựng vở sử thì: “Tôi tham gia vở Yêu là thoát tội của “bà bầu” NSND Hoàng Yến nay đã đến suất 106. Còn vở Khóc giữa trời xanh của Công ty Sử Việt thì hợp đồng với quân đội và trường học, hoặc các doanh nhân đã chịu bỏ tiền ra bao rạp với giá vé 500.000 đồng để thưởng cho nhân viên của họ đi xem. Chúng tôi còn chuẩn bị ra Hà Nội diễn trong mùa hè này”. Như vậy, sân khấu còn nội lực không ít.

Nhưng cái chưa được cũng nhiều

NSND Kim Xuân cho rằng thành phố thiếu hệ thống điểm diễn cho sân khấu, một vài nhà hát thì giá thuê quá cao, những trung tâm văn hóa thì hợp đồng ngắn hạn làm sao ông bà bầu dám đầu tư. Xin Nhà nước hãy hỗ trợ điểm diễn, đặc biệt có những rạp đầy đủ cơ sở vật chất để cho các nhóm được đăng ký hát thoải mái, và giá cũng vừa phải.

Nghệ sĩ Quốc Thảo cùng tâm trạng này, anh nói: “Thành phố cần hệ thống rạp đủ chuẩn và giá nhè nhẹ để các nhóm luân phiên biểu diễn, chứ một đơn vị phải thuê nguyên mặt bằng thì ngán tiền quá. Mà nếu không thuê trọn gói thì mình không “có nhà” để diễn. Cầm cự không nổi cũng phải đóng cửa như sân khấu Hoàng Thái Thanh và Phú Nhuận thôi. Chưa biết sắp tới sẽ có đơn vị nào đóng cửa…”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF thì cho rằng: “Nói về cơ sở vật chất thì Hà Nội cũng rất nhiều rạp đẹp và trang bị đầy đủ, nhưng rốt cuộc có khán giả đâu. Còn ở TP.HCM có những điểm diễn cũng khá, chẳng hạn sân khấu Phú Nhuận, nhưng sao vẫn bán vé ít? Tôi nghĩ mình đừng đổ hết cho mặt bằng, mà nên xem lại lực lượng sáng tác của mình. Tất nhiên từ 2005 khi phim truyền hình xuất hiện hàng loạt, rồi 2006 game show xuất hiện, và bây giờ là YouTube, rõ ràng sân khấu bị cạnh tranh gay gắt, lao đao vô cùng. Nhưng chúng ta phải tìm mô hình mới, phong cách mới để phù hợp với thời đại mới. Chúng ta cứ lười sáng tạo, cứ loay hoay với cái cũ, thì khó mà tồn tại. Tóm lại, chúng ta cần mô hình mới”.

Nhà báo Nguyễn Chương ý kiến rằng cái chưa được nằm ở kịch bản. Hiện nay thiếu những kịch bản hay, chạm tới trái tim khán giả, chạm tới những băn khoăn, bức xúc, bởi công tác xét duyệt còn chưa thoáng, còn trại sáng tác thì luôn bị định hướng, viết rồi cũng đem cất kho chứ không đơn vị nào chịu dàn dựng. Anh đề nghị thay vì tổ chức trại sáng tác thì nên lập quỹ đầu tư để làm việc trực tiếp với đơn vị sân khấu và tác giả, các bên tìm được tiếng nói chung thì sẽ chọn được kịch bản phù hợp.

Vở Yêu là thoát tội đạt 106 suất với khán giả hầu hết là trẻ

h.k

Đạo diễn NSUT Ca Lê Hồng nhấn mạnh một điểm: “Có lẽ chúng ta thiếu những nhà kinh doanh sân khấu một cách chuyên nghiệp. Tình trạng nghệ sĩ đứng ra làm bầu có khi không ổn, vì họ thường cảm tính”.

Hướng tháo gỡ

Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, khẳng định: “Dứt khoát sân khấu phải tự thân vận động chứ không thể trông chờ Nhà nước. Ở các nước người ta cũng như vậy. Hội Sân khấu, Sở Văn hóa chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể “gánh” sân khấu. Hỗ trợ bằng cách nào thì sắp tới chúng tôi sẽ bàn tính, chẳng hạn đầu tư đặt hàng vở diễn, đấu thầu kinh phí vở diễn, hoặc hỗ trợ giá vé… Thật ra sân khấu xã hội hóa phải hãnh diện vì mình sống được bằng sức lực của mình. Nhà nước tất nhiên phải hỗ trợ nhưng chính các sân khấu phải giỏi, chứ Nhà nước không thể mang khán giả tới rạp được”.

Đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu: “Nhiều lần chúng tôi mời các đơn vị sân khấu đến gặp gỡ để bàn hoặc chọn lựa kịch bản của trại sáng tác, nhưng không ai chịu tới. Vậy sau này các đơn vị thử tới xem sao, biết đâu có hướng ra cho các cây bút lẫn các sân khấu”. Với nghệ sĩ Hạnh Thúy, sân khấu cần những vở đi vào lòng khán giả chứ không chỉ vui vui cười cười nhè nhẹ. Không cần đao to búa lớn, có thể đi vào đề tài gia đình, thân phận con người là đề tài muôn thuở. NSND Trần Minh Ngọc cũng ý kiến: “Tác giả đang tìm sự an toàn hơn là xoáy sâu vào ngõ ngách cuộc đời. Giải trí gì thì cũng cần chạm tới trái tim người ta”.

Và có lẽ mỗi sân khấu cũng cần chủ động đi tìm khán giả hơn là chờ đợi khán giả tới rạp. Công việc của ông bầu Sĩ Hoàng và bà bầu Hoàng Yến như một minh chứng. Họ không hề có rạp, cũng không có ngôi sao, nhưng họ cũng sáng đèn thường xuyên. Tất nhiên, mỗi kiểu hoạt động sân khấu đều có cái lợi và bất lợi riêng, nhưng dù sao ở rạp hay ở nơi không có rạp thì vẫn lóe lên sự sáng tạo đáng khen ngợi, còn hơn khép hẳn cánh màn nhung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.