Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm cùng thời điểm cắt giảm hàng ngàn dòng thuế nhập khẩu hàng hóa về 0% từ Nhật, từ khu vực ASEAN vào VN đang đặt ra lo ngại, liệu các nhà đầu tư ngoại có chuyển từ đầu tư sản xuất sang nhập khẩu hàng vào nội địa bán hay không?
Nếu điều này thực sự trở thành một xu hướng, ngoài việc thu hút vốn FDI mới bị ảnh hưởng, chúng ta còn phải tính đến khả năng nhiều nhà sản xuất hiện tại có thể rút đi. Bởi doanh nghiệp (DN), mục đích cuối cùng vẫn là lợi nhuận. Nếu nhập khẩu có lợi, chắc chắn họ sẽ chọn cách này. Chiếm tỷ trọng rất lớn trong kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu, sự rút lui hay chuyển hướng của các DN FDI nếu xảy ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ chân cũng như thu hút vốn ngoại trong thời gian tới, nên tăng cường các chính sách ưu đãi. Cách này có thể hiệu quả trong ngắn hạn nhưng không phải giải pháp bền vững. Chúng ta đều biết, ưu đãi cho các nhà đầu tư ngoại trên thực tế cũng là con dao 2 lưỡi. Mặt tích cực, ưu đãi giúp chúng ta thu hút được nguồn vốn FDI lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mặt tiêu cực cũng rất nhiều.
Chất lượng dòng vốn này theo đánh giá của lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài trong cuộc hội thảo về tác động của vốn FDI mới đây là không như mong đợi. Cụ thể, công nghệ tiên tiến còn ít; có tới gần 30% DN FDI chuyển giá trốn thuế; không ít DN chiếm độc quyền, có xu hướng làm méo mó thị trường... Nhưng điều đáng lo ngại nhất là các chính sách ưu đãi hết sức lớn về thuế, về tiền thuê đất, về cơ hội tiếp cận... đã giúp khối DN ngoại ở nhiều lĩnh vực đè bẹp các DN nội. Rõ nhất là ở xuất khẩu. Nếu như trước đây, DN nội "cầm trịch" mảng này thì nhiều năm nay đã phải nhường vai cho DN FDI thống lĩnh.
Đơn cử năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI chiếm tới trên 67% tổng kinh ngạch của cả nước. 2 năm VN xuất siêu liên tiếp thì thành tích này hoàn toàn đến từ các DN FDI. Không chỉ thế, ở các lĩnh vực trọng yếu như phân phối, thuốc thú y, thức ăn gia súc... đều là DN ngoại chiếm thị phần chi phối. DN nội yếu về vốn, nghèo về kinh nghiệm lại không được hưởng các ưu đãi như DN ngoại tất nhiên cạnh tranh không nổi nên ngày càng teo tóp, thu hẹp.
Vì vậy giải pháp quan trọng nhất để vừa cạnh tranh với hàng hóa ngoại được dỡ bỏ thuế quan cũng như "vá" lỗ hổng nếu xảy ra tình trạng nhiều DN FDI chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu, thay vì tăng ưu đãi cho vốn ngoại, tốt nhất vẫn là "bồi bổ" sức khỏe cho các DN nội. Phải có các chính sách hỗ trợ phù hợp, có chiến lược cho từng ngành, từng nhóm DN cụ thể. Bên cạnh đó, phải lọc lại chính sách ưu đãi đối với vốn FDI. Nói không với các yêu sách ưu đãi vượt khung; chỉ ưu đãi vào những dự án, những ngành định hướng phát triển kinh tế mà trong nước còn yếu. Những ngành mà DN trong nước có thể làm được, làm tốt nên cắt bỏ ưu đãi để cạnh tranh lành mạnh.
FDI vẫn là nguồn vốn quan trọng phải tăng cường thu hút trong thời gian tới nhưng bất kỳ quốc gia nào cũng phải dựa vào nội lực mới có thể phát triển bền vững được.
Bình luận (0)