Nỗi niềm dạy học cùng dịch bệnh

04/03/2022 11:40 GMT+7

Giờ đã sang tháng ba, chỉ còn vài tháng nữa thôi là kết thúc năm học theo thường lệ và mặc dù trường học gần như hoạt động bình thường nhưng áp lực của việc dạy và học trong mùa dịch vẫn còn.

Giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến

N.T

Học trực tuyến hay trực tiếp?

Chắc chắn đây là câu hỏi luôn có trong suy nghĩ của mỗi người dù cao điểm mùa dịch đã trôi qua.

Một học kỳ đã kết thúc với bao trăn trở. Với giáo viên, đó là nỗi lo khi kiến thức mình truyền tải đến với học sinh được bao nhiêu khi chỉ qua màn hình vô giác và kết quả điểm số có thể chưa phản ánh đúng thực lực của học sinh. Với học sinh, đó là cảm giác thiếu thốn một không gian vui đùa, một không khí học tập gần gũi chan hòa cùng bạn bè và những kiến thức khó mà lĩnh hội với đủ mọi lý do khi phải học trực tuyến. Nhưng mọi người đều chấp nhận khi tình hình dịch bệnh thời điểm ấy theo như phụ huynh nói “ Khỏe là mừng rồi cô ơi, học tính sau”.

Học kỳ hai bắt đầu với sự tính toán thật cẩn thận và cân nhắc của các cơ quan chức năng để giảm thiểu mọi ảnh hưởng dịch bệnh, để hoạt động dạy và học trở về đúng nghĩa vốn có.

Nhưng con số F0 cứ tăng dần sau mỗi ngày đến lớp đã trở thành nỗi lo và áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục, trong đó đặc biệt là giáo viên và học sinh .

Thương nhất có lẽ là các em học sinh, háo hức đến trường sau nhiều tháng giam mình trong nhà, nỗi vui mừng chưa bao lâu thì việc học tập lại lơ lửng giữa ngã ba. Nhìn các em học, vui đùa và khi cả ngủ trưa lúc nào cũng khẩu trang bịt kín mà thấy thương, chỉ giờ ăn mới được bỏ ra và cũng chỉ nhiêu đó thời gian cũng đủ khả năng lây nhiễm. Thế là vô hình trung những đứa trẻ vốn vô tư lự ấy là nguồn lây cho gia đình và cộng đồng. Cứ mỗi ngày trôi qua mỗi lớp học lại có nhiều học sinh vắng có thể do nhiễm cũng có khi do phụ huynh cho nghỉ vì lo sợ.

Niềm vui được đến trường sau nhiều ngày học ở nhà vì dịch bệnh

ngọc dương

Còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa

Câu hỏi về chất lượng

Đã có nhiều trường hợp cả lớp phải nghỉ vì có nhiều em bị nhiễm. Thế là việc dạy và học giờ mới thật sự khó khăn vì hoạt động không đồng bộ. Điều đó đồng nghĩa kiến thức các em tiếp thu sẽ có nhiều lỗ hổng nhất, là đối với các môn mà kiến thức phải cần xâu chuỗi tiếp nối. Điều này tạo nhiều áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Trước hết là sự loay hoay đến chóng mặt của một số giáo viên khi phải vừa dạy trực tiếp song song với trực tuyến để bảo đảm nội dung. Kiến thức dù đã tinh giản nhưng chất lượng vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Lại còn vấn đề xét thi đua trong mùa dịch bệnh cũng là áp lực không nhỏ với giáo viên. Bên cạnh nỗi lo về chuyên môn thì cũng như mọi người, giáo viên còn phải đối phó với cuộc sống trong mùa dịch, sự an toàn, sức khỏe cho bản thân và gia đình khi ngày ngày trực tiếp tiếp xúc với học sinh - nguồn lây nhiễm khá lớn hiện nay.

Vẫn biết giờ phải chấp nhận "đồng hành" cùng dịch bệnh nhưng việc giảm bớt áp lực cho giáo viên và học sinh dù là học trực tuyến hay trực tiếp thiết nghĩ là vấn đề cần thiết .

Bản thân là giáo viên đứng lớp, tôi luôn quan niệm học là phải đến lớp nhưng đến lớp với nhiều nỗi lo âu nhất là an toàn cho sức khỏe thì chất lượng chắc chắn là điều ai cũng hiểu rõ. Ngược lại nếu bắt buộc phải học trực tuyến thì hiệu quả phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Nếu ta truyền được cảm hứng cho học sinh thông qua sự đầu tư bài giảng, trách nhiệm và một chút thủ thuật trong giảng dạy thì dù là màn hình hay bảng đen phấn trắng đều có thể thu hút được học sinh và khi học sinh yêu thích thì khả năng theo dõi và lĩnh hội kiến thức sẽ tốt hơn.

Trong những ngày này tôi vẫn nhận rất nhiều câu hỏi từ phụ huynh “Học hay nghỉ cô ơi?”, lại còn có những câu hỏi liên quan đến chiến sự tận trời Âu nhưng cũng ảnh hưởng đến đời sống, trong đó bao gồm sự học của bọn trẻ. Và với tôi khó có một câu trả lời trọn vẹn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.