Nỗi niềm… hát bội

09/03/2013 11:02 GMT+7

Dành cả cuộc đời theo nghiệp hát bội, đến khi tuổi xế chiều ông bầu Răng (Huỳnh Văn Răng, 79 tuổi) vẫn không khỏi ưu tư…

Nỗi niềm… hát bội
Bầu Răng chỉ cách vẽ các loại mặt trong tuồng hát bội

Nỗi niềm… hát bội
Bầu Răng hướng dẫn hai cháu tập tuồng San Hậu

Cả đời theo nghiệp tổ

Dân rành hát bội Nam bộ không ai xa lạ với ông bầu Răng của gánh hát Đồng Thinh (H.Mang Thít, Vĩnh Long). Là con nhà nòi trong lĩnh vực hát bội, cả ông nội, cha ông, rồi đến đời ông đều theo nghề bầu hát. Mấy chục năm làm kép, làm bầu, ông cùng gánh hát Đồng Thinh đi khắp Bắc Nam, sang đến tận Mỹ diễn những tuồng tích nổi tiếng như: San Hậu, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Phụng Nghi Đình, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ…

Mân mê bộ áo giáp, mão, lông công của võ tướng, bầu Răng hồi tưởng lại quá khứ vàng son: “Hồi xưa bà con mình mê hát bội lắm. Gánh Đồng Thinh đi tới đâu, người ta kéo nhau rần rần coi tới đó”. Hồi đó, mấy chục thành viên của gánh Đồng Thinh, cả đàn ông, đàn bà, con nít rong ruổi khắp miệt Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… để phục vụ bà con. Đường xá khó khăn, có lúc đoàn di chuyển bằng cộ (xe trâu), có lúc chèo ghe tam bản vẹt lục bình, ô rô mà đi. Mắt ông không giấu được niềm vui khi nhớ lại mỗi lần ghe gánh hát vừa cập bến, “ông làng” đã áo dài, khăn đóng, tàn lọng chỉnh tề đợi thỉnh tổ. “Ông nhưng” của gánh đi trước bưng bàn thờ, đào, kép bước theo sau vào đình trong tiếng trống kỳ rục rục, tung tung giòn giã. Những đêm diễn kéo dài đến tận 2, 3 giờ sáng. Người xem được yêu, ghét, khóc, cười, tức giận thỏa thuê với những Lữ Bố, Điêu Thuyền, Trịnh n, Lưu Kim Đính…

Sau tiếp thu, hát bội rơi vào giai đoạn khó khăn, bầu Răng phải dắt cả gánh đi hát dạo “cứu đói”. Có khi gánh hát cắm sào lại hàng mấy tháng đến cả năm trời để vừa hát vừa bán hàng rong, làm mướn kiếm từng đồng từng cắc sống qua ngày. Bà con coi hát cũng nghèo nên có gì cho nấy, người cho gạo, hột vịt, người cho nước mắm đồng… Bầu Răng kể lần gánh hát “đậu” lại ở một cù lao tuốt miệt Trà Vinh suốt một năm, vì thiếu thốn nên gánh hát đã ăn hết cả một bàu bông súng. Rồi những lần giỗ tổ mà không có đồ cúng sung túc, anh em trong đoàn chỉ biết nhìn nhau chảy nước mắt… “Nghề hát bội cực khổ trăm bề nhưng anh em chúng tôi đã nguyện hết lòng theo nghiệp tổ”, bầu Răng chia sẻ.

Lưu giữ nghệ thuật truyền thống

Bởi vậy, khi nói về hát bội ngày nay, bầu Răng không giấu được nỗi bức xúc: “Hát bội bây giờ không còn giữ được cái chất truyền thống mà pha lẫn với nhiều loại hình khác. Có đoàn diễn những đoạn đánh kiếm mà bay, nhảy không khác chi cải lương. Đào, kép sẵn sàng chùi mặt bỏ về vì không chịu sắm những vai mặt đỏ, mặt đen”. Ông cảm thấy buồn lòng khi thấy các diễn viên không lột tả được cái “hồn” của hát bội. Nghe chúng tôi đề nghị, bầu Răng sẵn sàng diễn lại một đoạn vai Lữ Bố, vai diễn một thời làm nên tên tuổi kép Răng ở khắp các đình làng Nam bộ. Ông bước tấn, tay làm điệu vuốt lông công, trừng mắt lên, đổi giọng “phách” nói lối xưng tên: “Đổng thái sư dưỡng phụ, minh tánh Lữ Phụng Tiên, xuất bì trang đáy bể nhất kình, tài dĩ kẻ ven mây xạ nhạn…”. Ở cái tuổi cận bát tuần mà bầu Răng vẫn làm toát lên được vẻ háo thắng, ngạo mạn của tên võ tướng “hữu dũng vô mưu” trong tuồng Phụng Nghi Đình.

Hiện nay, gánh hát Đồng Thinh có khoảng 30 thành viên thì hơn phân nửa là con cháu trong nhà. Để đeo đuổi nghiệp hát bội, các thành viên phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ chạy xe ôm, buôn bán nhỏ, đến mở quán ăn... Vợ ông, đào Kiều My từng nức tiếng trên sân khấu với những vai nữ tướng oai hùng, thường được ông gọi vui là “đào kẹo kéo” để gợi nhớ những năm tháng bà đã bươn chải nuôi hát bội. Điều đáng quý là dù có làm nghề gì, ở đâu, chỉ cần nghe bầu Răng kêu tập hợp là các thành viên có mặt đông đủ. Bởi ai cũng háo hức khi lại được phân vai, ráp tuồng để cùng anh em “sống” hết mình dưới ánh đèn sân khấu.

Nguyện vọng những năm tháng cuối đời của “lão tướng” hát bội là có thể dựng các tuồng sử Việt như Tiếng trống Mê Linh, Lê Lai cứu chúa… để không phải lệ thuộc mãi vào tuồng tích của Tàu. Nhưng giọng ông bỗng chùng xuống khi nói đến chuyện viết tuồng, dàn dựng, phục trang, sân khấu. Để có được tuồng thuần Việt đòi hỏi rất nhiều tiền bạc, công sức mà thực tế, ông và gánh Đồng Thinh khó có khả năng thực hiện…

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.