Dạy nghề cho người làm lại cuộc đời
Theo đại tá Phạm Chí Trường (giám thị trại giam Châu Bình), ý tưởng xây dựng mô hình dạy nghề ở trại giam được thực hiện vào năm 1990 và thực sự khởi sắc, mở rộng vào năm 2009. Mô hình này xuất phát từ việc muốn tạo điều kiện cho phạm nhân yên tâm lao động cải tạo trong quá trình chấp hành án ở trại giam, đồng thời tạo điều kiện cho phạm nhân sau khi chấp hành án xong trở về dễ hòa nhập với xã hội.
Hiện trại giam Châu Bình có quy mô giam giữ hơn 2.000 phạm nhân và có đến hơn 70% phạm nhân được học nghề. Năm nào trại giam cũng mời các chuyên gia của các trung tâm dạy nghề lớn về dạy cho phạm nhân. Trước khi ra khỏi trại thì phạm nhân đã có một chứng chỉ dạy nghề do trung tâm dạy nghề cấp.
Đại tá Trường cho biết so với các trại giam khác thì mô hình dạy nghề của trại Châu Bình được xây dựng trên quy mô khác hơn, phân chia từng khu nhỏ để phạm nhân làm việc thoải mái hơn, dễ quản lý hơn, tại đây có 6 ngành nghề rất đa dạng.
“Tùy theo mức độ sức khỏe phù hợp với công việc, tính chất phạm tội và nơi cư ngụ của phạm nhân để chọn cho họ một ngành nghề phù hợp với mình”, đại tá Trường nhấn mạnh.
Về nhà thì đã hết không khí tết
Đêm 30 tháng chạp, ở trại giam thường tổ chức đón giao thừa, các cán bộ chúc tết, phạm nhân thì tập trung xem ti vi chờ đón bắn pháo hoa. Có phạm nhân khóc vì tủi thân, buồn bã, nhớ lại khoảnh khắc những năm tháng ở ngoài đời chở vợ con đi chơi, thăm người thân trong gia đình. Lúc đó, cán bộ quản giáo phải an ủi, chia sẻ để phạm nhân vơi nỗi buồn.
Ba ngày tết ở trại giam Châu Bình, các phạm nhân được cán bộ cho vui chơi các hoạt động thể dục thể thao như đá bóng, kéo co, bóng chuyền và các chương trình văn nghệ. Nói về kỷ niệm ngày tết ở trại giam, phạm nhân Vũ Quang Anh (40 tuổi, ngụ TP.Hải Phòng) lãnh án 18 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và đã thụ án đến nay được gần 10 năm, kể lại câu chuyện đáng nhớ nhất vào đêm giao thừa năm 2016, một phạm nhân là bạn thân của Quang Anh khóc, hỏi lý do mới biết anh này buồn vì tết năm đó vợ không đến thăm. Thấy cùng hoàn cảnh với mình, Quang Anh và bạn ôm nhau khóc nức nở.
Sau những tiếng cười sảng khoái vì những câu chuyện thường ngày ở trại giam, giọng của đại tá Phạm Chí Trường trầm xuống hẳn khi chúng tôi hỏi về tết. Đôi mắt buồn, ông tâm sự: “Tính đến hôm nay, tôi được 31 năm làm việc ở trại giam và thực sự chưa một lần được ăn tết với gia đình”.
Có lẽ trại giam Châu Bình là căn nhà thứ 2 của đại tá Trường, nơi ông gắn bó, dành trọn tâm huyết của mình. Đại tá Trường kể ngày tết ở trại giam còn vất vả hơn ngày thường. Bởi khi nào cán bộ quản giáo cũng lo lắng những chuyện không hay xảy ra đối với các phạm nhân. Nhiều phạm nhân mới đến có nhiều tiền án, không ai thăm gặp, bị bệnh tật thì tâm lý chưa ổn định, chưa yên tâm chấp hành án dẫn đến dễ vi phạm nội quy của trại giam. Vì vậy các cán bộ chiến sĩ ở đây phải tạo cho tâm lý phạm nhân được thoải mái, tổ chức chương trình giao lưu liên tục trong lễ tết.
“Các cán bộ, chiến sĩ ở trại giam ít ai được đón tết trọn vẹn cùng gia đình. Thường thì sau tết mới được nghỉ 2, 3 ngày nhưng thời gian này thì vợ con, ba mẹ đã đi làm việc bình thường, hết không khí tết!”, đại tá Trường nói và tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cái khoảnh khắc tết nhớ vợ con da diết nhưng không biết phải làm sao. Vợ con gọi điện, nhắn tin khóc bảo buồn vì ba không về đón tết. Dần rồi quen, mấy chục năm nay chưa biết ăn tết ở nhà là thế nào? Dường như đó là đặc thù công việc của các chiến sĩ trại giam”.
Trung tá Trần Quốc Toản (Đội trưởng đội giáo dục hồ sơ trại giam Châu Bình) cũng có hoàn cảnh tương tự. Ông Toản đã có 30 cái tết ở đây, không về được với gia đình mặc dù vợ con ở cách đó chỉ 40 cây số. Trung tá Toản tâm sự: “Khoảnh khắc đêm giao thừa cảm xúc khó tả lắm, dù nhớ gia đình nhưng phải chấp nhận. Nhà tôi ở cách đây 40 cây số nhưng 1 năm chỉ về được 2, 3 lần, một lần về được 1, 2 ngày. Ở trong này phải tổ chức đi thăm gặp, tặng quà tết cho các phạm nhân, động viên an ủi các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có ai thăm nuôi. Có những năm đến mồng 1 tết các chiến sĩ phải tức tốc chở phạm nhân đi cấp cứu vì bị bệnh nặng. Những ngày tết, trách nhiệm của các chiến sĩ nặng nề hơn, nhưng thời điểm đó vẫn có những khoảnh khắc đáng nhớ giữa chiến sĩ với phạm nhân”.
Bình luận (0)